M&A trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới

10:17 30/11/2020

Không ít thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đã diễn ra từ đầu năm đến nay nhưng sự thiếu vắng các thương vụ đình đám khiến giá trị thị trường M&A Việt Nam năm 2020 đang bị chậm lại đáng kể so với năm trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, hoạt động M&A có thể tăng trở lại tư giữa năm 2021, khi kinh tế phục hồi và dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ hơn. Quy mô thị trường co thể sớm trở lại mức 5 tỷ USD…

Hoạt động M&A có thể tăng trở lại tư giữa năm 2021, khi kinh tế phục hồi và dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ hơn
Hoạt động M&A có thể tăng trở lại tư giữa năm 2021, khi kinh tế phục hồi và dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ hơn. (Ảnh: Internet)

Cơ hội M&A rộng mở với nhiều ngành hàng

Theo Báo cáo thị trường M&A Việt Nam 2019 - 2020, trong giai đoạn 6/2019 - 10/2020, các ngành chủ yếu thu hút thương vụ M&A là bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ, logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng. Điểm sáng đáng chú ý trong thời gian qua là việc các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam tiến hành tái cấu trúc, mở rộng hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước. Hàng loạt thương vụ được thực hiện bởi các tập đoàn Việt Nam như: Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group… Tuy vậy, sự thiếu vắng các thương vụ đình đám khiến giá trị thị trường M&A Việt Nam năm 2020 đang giảm đáng kể so với năm trước. Theo dự báo của Diễn đàn M&A Việt Nam, năm nay thị trường M&A nội địa chỉ có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Theo ông Đặng Xuân Minh - thành viên nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A dự báo, hoạt động M&A có thể tăng trở lại từ giữa năm 2021, khi kinh tế phục hồi và dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ hơn. Quy mô thị trường có thể sớm trở lại mức 5 tỷ USD. Cũng theo ông Đặng Xuân Minh, Việt Nam đang nổi lên là một địa điểm được các tập đoàn DN ưu tiên lựa chọn để định vị lại chuỗi sản xuất của mình.

Bởi, theo các chuyên gia, vẫn có không ít cơ hội và tiềm năng mà Việt Nam có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Đó là cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA; cơ hội từ việc thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, cơ hội từ chuyển đổi số,…

Các Hiệp định thương mại mang lại cả thách thức lẫn cơ hội, trong đó, những giá trị mà nó mang lại là dài hạn. 

Thêm vào đó, Việt Nam đang nổi lên là một địa điểm được các tập đoàn doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn để định vị lại chuỗi sản xuất của mình. 

Nỗ lực để đón đầu được dòng vốn đang dịch chuyển này bao gồm cả việc xây dựng các gói ưu đãi đầu tư cho từng đối tượng nhà đầu tư, cũng như chuẩn bị các vấn đề về cơ sở hạ tầng, nhân lực,…để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)

Không chỉ nêu rõ hàng loạt điểm tích cực thúc đẩy thị trường M&A sôi động hơn từ giữa năm 2021 nhờ việc sửa đổi một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) còn nhấn mạnh một số mảng sáng đang nổi lên, thu hút ánh nhìn của nhà đầu tư.

Ông Hiếu phân tích, Covid-19 bùng phát tạo nên xu hướng mới cho thị trường M&A. Một số ngành hàng trở thành tâm điểm trong chiến lược M&A của các nhà đầu tư, nổi bật là bán lẻ khi nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu luôn được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh dịch bệnh; sau đó là y tế, giáo dục, công nghệ…

“Đại dịch đã thay đổi ‘khẩu vị’ đầu tư, hướng vào tiêu dùng, y tế, giáo dục cùng các ngành hàng áp dụng phương pháp tiếp cận khách hàng mới như thương mại điện tử. Nói như vậy không có nghĩa là nhu cầu M&A trong các lĩnh vực mà xưa nay vốn được nhà đầu tư quan tâm như sản xuất, nông nghiệp… mất đi, mà ngành hàng cho M&A đang được mở rộng hơn”, ông Hiếu nhận định.

Dù trong hoàn cảnh nào, các nhà đầu tư khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm thương trường đều có thể nhanh chóng thích nghi, tìm ra hướng đi và kênh đầu tư hiệu quả. Đây là đánh giá của ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ông Hong Sun dự báo, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống và bán lẻ với thị trường tiêu thụ lớn, tốc độ tăng trưởng cao sẽ là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ xứ sở Kim Chi thông qua kênh M&A; tiếp theo là bất động sản, nông nghiệp, dược phẩm/chăm sóc sức khoẻ và viễn thông/công nghệ.

Đặc biệt, ông Hong Sun  nhấn mạnh, sức hút từ tỷ suất lợi nhuận lớn sẽ khiến hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản trở nên sôi động hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ mang đến nguồn cung cho thị trường M&A tại Việt Nam, vì đã có làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này trước khi phân hóa rõ rệt về quy mô như hiện nay.

“Các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp có xu hướng phát triển chuỗi giá trị, không chỉ đầu tư vào trồng trọt hay chăn nuôi, mà còn tham gia chế biến, phân phối, bán lẻ. Điều này tất yếu phát sinh nhu cầu phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác và chuyển nhượng vốn giữa các nhà đầu tư”, ông Hong Sun phân tích. Chuyên gia này nhấn mạnh, bất chấp tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng thực hiện các giao dịch góp vốn, mua cổ phần.

 (Ảnh: Internet)

M&A “ẩn mình” chờ thời cơ đến 

Từng phát biểu trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2020, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục từ giữa năm 2021 nhờ nhiều chính sách quan trọng của Chính phủ. Trong năm 2020, Bộ KH&ĐT đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn - bỏ. Đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách trên. Kỳ vọng vào các hiệp định thương mại mới được ký kết, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhìn nhận, RCEP cùng với EVFTA hay CPTPP chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực cũng như toàn cầu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các hoạt động thương mại, đầu tư bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Theo Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập (CMAC), thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021. Tuy vậy, cùng với các ngành truyền thống, dòng vốn M&A sẽ phân nhánh đổ vào các ngành, lĩnh vực mới nổi như viễn thông - công nghệ, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục…

Ở một goc độ khác, ông Nicolas Audier - Chủ tịch EuroCham nhận định: Hiệp định Thương mại tự do EVFTA được thông qua sẽ gián tiếp đẩy các giao dịch M&A được thông qua. Những dự án từ châu Âu qua Việt Nam nhân dịp này sẽ bùng nổ. Ngoài ra, tại thị trường Việt Nam, có một yếu tố khác còn nhiều tiềm năng cũng được kỳ vọng sẽ bùng nổ đó là lĩnh vực cơ sở hạ tầng (lĩnh vực này trước đó đã bị ngừng trệ vì dịch bệnh). EVFTA sẽ bảo hộ cho các nhà đầu tư giữa các bên, giúp các doanh nghiệp có sự gắn kết đầu tư qua lại. Ông Nicolas kỳ vọng sẽ có sự tiến triển mạnh từ những giao dịch như vậy.

Trong khi đó, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nói rằng, ông rất ấn tượng và lạc quan về những giao dịch M&A theo những hình thức sở hữu mới trực tiếp và gián tiếp hay vốn chủ sở hữu.

Hiện nay, với tác động của dịch bệnh và yếu tố căng thẳng thương mại và những gì Việt Nam thể hiện trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ có nhiều nhà đầu tư quay lại thị trường này để thực hiện các thương vụ M&A.

Ông Warrick chỉ ra có sự chuyển dịch rõ ràng từ thỏa thuận M&A, mà trở ngại lớn là doanh nghiệp Việt Nam thường muốn giá rất cao. Các nhà đầu tư luôn muốn phải thực tế theo giá thị trường - là yếu tố cản trở lớn, chính là định giá.

Theo ông, nhóm doanh nghiệp gia đình có những tín hiệu tích cực trong thị trường vốn tại Việt Nam. Giáo dục sản xuất chế biến… những lĩnh vực tốt cho lãnh vực tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Khảo sát của Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 ghi nhận, hiện rất nhiều tổ chức, cá nhân với tư cách là các nhà tư vấn, bên mua và bên bán đều đang trải qua thời gian khá bận rộn để đưa các thương vụ đến điểm chốt, bất chấp những bất tiện nhất định về giao tiếp và gặp gỡ. Vì vậy, một sự trỗi dậy về quy mô và giá trị thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam dường như đang được rất nhiều người chờ đón trong thời gian tới, chỉ còn chờ một số điều kiện và tiền đề cần thiết.

Gia Gia

Tags: