Lý do khiến Intel đánh mất hào quang ngành chip

16:28 23/05/2024

Intel từng là hãng chip hàng đầu tại Mỹ, nhưng vài năm gần đây đã dần bị các đối thủ như Nvidia, Qualcomm, Broadcom, Texas Instrument và AMD vượt mặt.

Ảnh minh họa
Intel từng là hãng chip lớn nhất Mỹ.

Sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I, các chuyên gia một lần nữa khẳng định rằng, việc đảo ngược tình thế tài chính của Intel ngày càng trở nên khó khăn hơn. Mặc dù doanh thu của tập đoàn không còn giảm sâu và Intel vẫn là nhà sản xuất chip hàng đầu cho máy tính để bàn và laptop, tuy nhiên doanh số quý I của tập đoàn này lại thấp hơn dự báo, chỉ đạt 12,72 tỷ USD. Intel cũng dự đoán rằng, số liệu quý II sẽ giảm thêm do nhu cầu thị trường suy yếu.

Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, Intel đã đưa ra quá nhiều quyết định sai lầm trong thời gian qua, một trong số đó là:

1 - Bỏ lỡ cơ hội từ iPhone

Trong thời kỳ iPhone phát triển những chiếc điện thoại đầu tiên, Steve Jobs - nhà sáng lập của Tập đoàn Apple đã đến gặp cựu CEO Intel Paul Otellini để thảo luận về việc Intel có thể cung cấp chip cho iPhone hay không. Tuy nhiên, sau đó, Steve Jobs đã quyết định không sử dụng chip của Intel vì sự phát triển khá chậm chạp của hãng. Otellini cũng thông tin rằng 2 bên đã không thống nhất được về giá cả và quyền sở hữu trí tuệ của con chip điện thoại.

Ngày nay, hầu hết các smartphone hiện đại sử dụng chip theo dạng Arm thay vì chip x86 của Intel. Intel sau đó cố gắng tham gia vào thị trường smartphone nhưng không thành công. Việc bỏ lỡ làn sóng chip di động đã làm khởi đầu cho thập kỷ khó khăn của Intel.
2 - Bóng bán dẫn
Các bộ vi xử lý sẽ hoạt động nhanh hơn khi có nhiều bóng bán dẫn hơn. Intel đã duy trì lợi thế đi đầu gần hai năm so với các đối thủ vì họ là tập đoàn đầu tiên sản xuất ra bóng bán dẫn. Tuy nhiên, sau năm 2014, tình hình bắt đầu xấu đi. Kế hoạch sản xuất chip thời đại mới của Intel bị thất bại do quá trình sản xuất phức tạp. Trong thời gian ngắn, họ đã tụt lại một thế hệ so với các đối thủ cùng ngành.
3 - Bỏ lỡ làn sóng AI
Sự kiện ra mắt ChatGPT của OpenAI vào năm 2022 đã kích thích làn sóng trí tuệ nhân tạo toàn cầu, giúp Nvidia tăng doanh số gấp ba lần chỉ tính riêng trong một năm qua. Tuy nhiên, Intel lại bị coi là chậm chân trong cuộc đua AI so với Nvidia và AMD.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Intel vẫn có cơ hội lật ngược tình thế. Chính phủ Mỹ đang khuyến khích sản xuất chip trong nước và hỗ trợ Intel thông qua Đạo luật Chips. Intel cũng cho biết, họ đang nỗ lực bắt kịp các đối thủ vào năm 2026, mặc dù vẫn phải đối mặt với khoản lỗ hoạt động trong mảng gia công.
H.C (t/h)