Lý do gì người dùng trực tuyến dành nhiều thời gian để chơi game?

21:05 05/03/2023

Theo nghiên cứu mới đây, hơn một nửa số người khảo sát (59%) có chơi game ít nhất vài lần một tuần, bao gồm những game thủ chuyên nghiệp và người đam mê game.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mới đây, Samsung Electronics vừa công bố kết quả Nghiên cứu thị trường về gaming khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương (SEAO). Nghiên cứu được thực hiện cùng ONE Esport với hơn 6.800 người tiêu dùng từ 18 đến 49 tuổi tại 7 thị trường gồm: Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, tham gia khảo sát trong quý IV/2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy cứ 10 người dùng trực tuyến trong khu vực thì có đến 7 người chơi trò chơi điện tử. Ngoài ra, hơn một nửa số người được khảo sát (59%) có chơi game ít nhất vài lần một tuần.

Lý do hàng đầu cho việc chơi game được người dùng đưa ra là để giảm căng thẳng và thư giãn (84%). Trung bình mỗi người dành đến 6 tiếng mỗi tuần cho các trò chơi điện tử. Có đến 89% người dùng thích tham gia trò chơi một cách thoải mái tại nhà.

Trong khi đó, 69% game thủ được hỏi sẵn sàng chi trung bình 30 USD hàng tháng cho các giao dịch mua bán trong game, chẳng hạn như: đăng ký các nội dung trực tuyến độc quyền, mua vé xem các giải đấu thể thao điện tử, phí đăng ký streamer, trang phục và các bộ sưu tập.

Nghiên cứu của Samsung cũng chia người tham gia khảo sát thành bốn kiểu bao gồm: game thủ chuyên nghiệp, người đam mê game, người chơi thông thường kiêm người xem, và người chơi thông thường. Nghiên cứu cho thấy rằng, hơn một nửa số người được khảo sát (59%) có chơi game ít nhất vài lần một tuần, bao gồm những game thủ chuyên nghiệp và người đam mê game (Xem biểu đồ bên dưới).

Ảnh minh họa
59% người khảo sát có chơi game ít nhất vài lần một tuần.

Người đam mê game và game thủ chuyên nghiệp đầu tư rất nhiều cho sở thích của họ, các hoạt động hàng đầu liên quan đến game gồm có: xem video chơi game, thảo luận về game với người khác, đọc tin tức và cập nhật về game, chi tiền cho các vật phẩm trong game và cuối cùng là theo dõi các game thủ hàng đầu trên mạng xã hội (xem biểu đồ bên dưới).

5 hoạt động liên quan đến game
5 hoạt động liên quan đến game.

Carl Nordenberg, Giám đốc Khu vực Ngành hàng Trải nghiệm Di động, Samsung Electronics Đông Nam Á và Châu Đại Dương, chia sẻ: “Ngày nay, chơi game không chỉ là một sở thích mà còn là hoạt động giúp gắn kết mọi người. Cộng đồng game thủ tại khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương rất lớn; nghiên cứu này cho thấy nhu cầu và thói quen chơi game riêng biệt của người chơi và người hâm mộ esports". 

Jane Guo, Phó Tổng Giám đốc, Analytics & Insights của One Esports, bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng khi được hợp tác với Samsung trong nghiên cứu lần này, tận dụng những hiểu biết sâu sắc của chúng tôi về người tiêu dùng trong khu vực. Nghiên cứu cho thấy một thị trường lớn gồm những người đam mê trò chơi điện tử và người hâm mộ esports chuyên nghiệp ở khu vực SEAO – những người luôn tìm kiếm trải nghiệm chơi game và xem nội dung game với hiệu suất cao khi chọn mua các thiết bị và phụ kiện như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, tai nghe và màn hình".

Cuối năm 2022, VR.Space - nhà sáng tạo không gian thực tế ảo cũng cho biết rằng, những quốc gia có số lượng người dùng Internet chơi game nhiều nhất thế giới thuộc về 4 Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam đứng thứ ba.

Để hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp game trên toàn thế giới, VR.Space đã tiến hành khảo sát các game thủ trong độ tuổi từ 16 đến 24. Và những gì họ tìm thấy thật đáng ngạc nhiên. Bốn quốc gia Đông Nam Á chiếm lĩnh ngay bốn vị trí đầu tiên, khẳng định đây là bốn thị trường có người dùng Internet chơi game nhiều nhất trên thế giới.

Đứng đầu là Philippines, với 96,7% người dùng internet của họ là game thủ. Theo sát thứ hai với 95,4% là Indonesia. Tranh giành vị trí thứ ba và thứ tư là Việt Nam (93,6%) và Thái Lan (93%). Nhật Bản là nước có số lượng người dùng Internet chơi game thấp nhất, xếp ở vị trí thứ 44 với 66,5%.

Cuộc khảo sát được thực hiện với mọi người dùng Internet và họ chơi game trên mọi thiết bị có khả năng cho phép họ chơi game thông qua mạng internet.

Ngoài ra, cũng theo phát hiện của VR.Space, điện thoại thông minh là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để chơi game, tiếp theo là laptop hoặc máy tính để bàn. Máy tính bảng là thiết bị phổ biến thứ ba. Ngoài ra, có khoảng 8,1% người dùng sử dụng tai ngay thực tế ảo để chơi game.

Trái với lo ngại cho rằng chơi game tạo ra hành động bạo lực, không ít nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng có một số cách mà các game thủ có thể hưởng lợi từ việc chơi game thường xuyên.

Theo nghiên cứu năm 2020 do National Literacy Trust (Vương quốc Anh) thực hiện, trung bình 2 trong số 5 game thủ có động lực hơn để đọc về trò chơi từ các nguồn như trang tin tức và sách.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy 73% nói rằng trò chơi khiến họ cảm thấy như mình là một phần của câu chuyện, thúc đẩy họ quan tâm đến các câu chuyện theo cách có thể dẫn đến việc đọc hoặc viết.

Nghiên cứu năm 2022 của tác giả Timothy Jordan (Đại học Bang Georgia), phát hiện thấy game thủ sở hữu kỹ năng ra quyết định tốt hơn, đồng thời nhận thấy một số vùng não chủ chốt hoạt động tối ưu hơn.

Đình Lâm (t/h)