Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm tăng 4,7 lần so với cùng kỳ

14:51 03/10/2023

Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 9 tháng đầu năm với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,9 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, riêng tháng 9, đón trên 1 triệu lượt, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp du lịch Việt Nam đón trên 1 triệu khách quốc tế.

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, cho rằng, kết quả này đến từ "chuyển biến tích cực của xu hướng du lịch thế giới và khu vực". Ngoài ra, Việt Nam có những chính sách cởi mở, thông thoáng. Trong những tháng còn lại, Việt Nam có thể đón khoảng 1,2 triệu lượt khách mỗi tháng. Trong tháng 12 cao điểm, lượng khách có thể cao hơn.

Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 9 tháng đầu năm với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách). Thị trường Trung Quốc đã vượt mốc 1 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2; Đài Loan vượt qua Mỹ lên vị trí thứ 3 với khoảng 575.000 lượt; Mỹ xếp thứ 4 với khoảng 548.000 lượt; Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với khoảng 414.000 lượt.

Trong 10 thị trường hàng đầu có 3 thị trường Đông Nam Á: Thái Lan (351.000 lượt); Malaysia (333.000 lượt); Campuchia (289.0000 lượt); Úc xếp ở vị trí thứ 9 (283.000 lượt); Ấn Độ xếp thứ 10 (278.000 lượt).

Ở châu Âu, 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam gồm có: Anh (187.000 lượt), Pháp (155.000 lượt) và Đức (142.000 lượt), xếp sau là thị trường Nga với 88.000 lượt.

Về mức độ phục hồi so với cùng thời điểm trước dịch, một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt: Mỹ (96,4%) Hàn Quốc (82,3%), Đài Loan (85,3%).

Các thị trường Đông Nam Á phục hồi khả quan: Malaysia (76,9%), Philippines (84%). Đặc biệt, một số thị trường thậm chí đã cao hơn so với cùng thời điểm trước dịch: Thái Lan (101,7%); Singapore (106,5%); Campuchia (267,1%). Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có bước phục hồi ấn tượng (240%).

Tín hiệu lạc quan cũng đến từ các thị trường chính ở châu Âu: Đức phục hồi tốt nhất với 87,1%; Tây Ban Nha đạt 82,4%; Anh đạt 78,9%; thấp hơn một chút là Italia (76,7%); Pháp (71,9%).

Việt Nam mới đây đã nhận được hơn 40 giải thưởng World Travel Awards khu vực châu Á - châu Đại Dương 2023, chứng tỏ vị thế của mình trong ngành du lịch toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” lần thứ năm liên tiếp (năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023) và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á” lần thứ hai liên tiếp (năm 2022 và 2023).

Ngoài ra, dữ liệu tìm kiếm của Google cho thấy lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong Top đầu thế giới. Chỉ trong 6 tháng, đã tăng từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6, với mức tăng trưởng từ 10% đến 25%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của Đông Nam Á.

Bộ VHTTDL đã tính toán và sẽ báo cáo Chính phủ nâng mục tiêu đón khách du lịch quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên 12,5-13 triệu lượt khách.

Theo Bộ VHTTDL, việc tính toán để đưa ra mục tiêu đón khách du lịch quốc tế phải dựa vào nhiều yếu tố và chỉ một yếu tố thay đổi cũng có thể khiến kết quả dự báo không sát. Tuy nhiên, "sai số" này diễn ra theo hướng tích cực, Việt Nam đã vượt mục tiêu đề ra. Mục tiêu đón khách du lịch trong năm được nâng lên có thể tạo động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút khách quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện cơ sở hạ tầng, các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi hơn về visa...

Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam thường tăng cao vào quý IV và cao hơn nhiều so với quý III (năm 2017 tăng 7,2%; năm 2018 tăng 4,2% và năm 2019 tăng 17,1%). Do đó, trong phương án mà quý IV năm 2023 chỉ đạt 3,3 triệu lượt người như trong quý III thì tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam của năm 2023 vẫn đạt hơn 12 triệu lượt.

Minh An (T/h)