Quản lý vốn nhà nước: cần trao sự linh hoạt cho cấp quản lý doanh nghiệp

10:55 08/04/2021

Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69): Kết quả 5 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung. Tại hội thảo, các ý kiến nhận định, hiện Luật số 69 còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung.

Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Đề án 11A thuộc Chương trình Hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam (Chương trình AAA). Quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ của Chương trình AAA do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) đồng tài trợ và ủy thác qua Ngân hàng thế giới. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 26/11/2014, Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015. 

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).

Sau hơn 05 năm thực hiện, Luật số 69/2014/QH13 đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước đã được xây dựng đồng bộ phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập.

Các cơ chế, chính sách đã tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tải sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi. Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế bất cập liên quan đến các vấn đề như: việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định; thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp; phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư, phân phối lợi nhuận sau thuế; bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp; các phương thức chuyển giao, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn; quyền hạn, trách nhiệm, phương thức quản lý người đại diện và nhóm người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu và công tác giám sát; quản lý của doanh nghiệp nhà nước đối với công ty con do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ...

Với những vấn đề đặt ra như vậy, ông Đặng Quyết Tiến đề nghị hội thảo tập trung trao đổi, phân tích và đề xuất các nội dung chính, đột phá cần phải sửa đổi, bổ sung trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cho phù hợp.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất việc triển khai Luật số 69 trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trở thành cổ đông, thành viên, và tài sản có được là số cổ phần, phần góp vốn tương ứng. 

TS. Nguyễn Đình Cung
TS. Nguyễn Đình Cung.

 Tuy nhiên, khái niệm về vốn nhà nước tại Luật 69 không còn phù hợp, có sự lẫn lộn, sai lệch về các loại vốn, tài sản, sở hữu tài sản thuộc sở hữu nhà nước và tài sản của DN. “Quy định hiện hành (Luật 69) làm lẫn lộn và không phân biệt được về mặt pháp lý tài sản của doanh nghiệp và tài sản nhà nước. Cần loại bỏ các khái niệm kiểu này, chúng là di sản của kinh tế kế hoạch hóa tập trung”, ông Cung nói.

Luật số 69 điều chỉnh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng với phạm vi điều chỉnh và nội hàm vốn nhà nước rộng như vậy, đây không phải là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp mà là “Luật Quản lý doanh nghiệp nhà nước” vì các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước “quản tất tần tật” mọi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cả tổ chức, bộ máy, nhân sự, ban lãnh đạo, HĐTV, HĐQT đến kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh; đầu tư vốn, thoái vốn, đầu tư xây dựng… lẫn tiền lương, thu nhập của người lao động.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

“Quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của DNNN rất ít, ít tới mức tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ muốn thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện cũng đều phải báo cáo đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh, thậm chí ngành nghề kinh doanh phát sinh từ ngành nghề kinh doanh cũ cũng không được tự chủ, nếu muốn mở thêm bất cứ hoạt động kinh doanh nào thì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, đại diện EVN phản ánh.

Làm việc gì cũng phải “trình bẩm”, thậm chí cả những việc rất nhỏ, theo ông Khoa đã khiến không ít DNNN mất cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận, thu nhập cho người lao động. Đơn cử, doanh nghiệp đầu tư mở rộng văn phòng làm việc, nhà xưởng hay đầu tư vào thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải, phương tiện chuyên dùng, những lúc không sử dụng hoặc không sử dụng hết công suất muốn cho thuê để khai thác tối đa hiệu quả vốn đầu tư, tăng doanh thu, thu nhập cho người lao động cũng phải chờ ý kiến đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện vốn nhà nước. Và chờ đến khi được đồng ý thì đối tác đã đi thuê chỗ khác.

TS. Phan Đằng Chương, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Công ty TNHH Ernst & Young Vietnam cho rằng có thực tế này là do đang tồn tại các cách hiểu khác nhau về vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp. 

TS. Phan Đằng Chương, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Công ty TNHH Ernst & Young Vietnam
TS. Phan Đằng Chương, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Công ty TNHH Ernst & Young Vietnam.

“Nhà nước chỉ nên tập trung vào quản lý “vốn nhà nước” đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, không nên quan tâm các vấn đề liên quan đến quản trị, vận hành của DNNN tương tự như quản lý DNNN của các nước trên thế giới”, ông Chương đề xuất.

Muốn quản lý được thì phải có chế tài để xử lý, nên trong Luật số 69 và các văn bản hướng dẫn quy định rất rõ ràng các tiêu chí, dựa vào các tiêu chí này, hàng năm doanh nghiệp sẽ được xếp hạng A, B, C. Căn cứ vào mức độ xếp hạng để đánh vào “túi tiền” không chỉ của ban lãnh đạo, HĐTV, HĐQT mà thậm chí còn đánh vào thu nhập của người lao động.

Cụ thể, theo Luật số 69, việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp căn cứ vào các tiêu chí: mức độ thực hiện kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; khả năng thanh toán nợ, nợ phải trả quá hạn… việc chấp hành chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Chi cục phó Chi cục Tài chính doanh nghiệp TP.HCM, ngay cả tiêu chí đầu tiên để xếp loại doanh nghiệp hàng năm “mức độ thực hiện kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận” cũng không hợp lý vì với quy định này, doanh nghiệp đầu tư 10 dự án trong đó chỉ cần 1-2 dự án bị thua lỗ, nhưng tổng số vốn đầu tư vào 10 dự án không chỉ bảo tồn mà còn phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước (không chỉ thuế như doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn phải nộp cả lợi nhuận sau thuế), lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm mà doanh nghiệp còn bị hạ xếp hạng, theo đó, thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ bị giảm xuống.

“Cũng như doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta không thể đòi hỏi doanh nghiệp Nhà nước “trăm trận đánh, trăm trận thắng”. Đã đầu tư phải có trận thắng, trận thua, nhưng quan trọng là thắng trong cả cuộc chiến”, ông Minh nhấn mạnh.

Trưởng ban Pháp chế EVN, ông Nguyễn Minh Khoa cũng cho rằng: “Không thể đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước trăm trận đánh, trăm trận thắng”. Vì vai trò, trách nhiệm của DNNN không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn phải thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đó là “thực hiện định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, phải đầu tư vào những lĩnh vực mà biết chắc là chỉ có lỗ như kéo điện lên biên giới, ra đảo, đầu tư vào những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì vậy, chỉ cần dựa vào tiêu chí này rất nhiều DNNN không bao giờ được xếp hạng cao.

Ngay cả tiêu chí: “Việc chấp hành chính sách, pháp luật và quy định khác của pháp luật có liên quan”, theo đại diện của EVN cũng không phù hợp trong nhiều trường hợp cụ thể. “Một doanh nghiệp đáp ứng được tất cả các tiêu chỉ để được xếp hạng A, nhưng cơ quan thuế kiểm tra các nghĩa vụ về tài chính với ngân sách nhà nước 5 năm trở về trước trước, do sơ suất của bộ phận kế toán, 4-5 năm trước, doanh nghiệp có một khoản thuế nào đó trị giá 10-15 năm chưa nộp nên bị xử phạt vi phạm hành chính thế là doanh nghiệp bị đánh tụt hạng, thu nhập của cả ban lãnh đạo lẫn người lao động cũng bị giảm theo trong khi lỗi xảy ra từ 4-5 năm trước và quá nhỏ so với số thuế hàng trăm ngàn tỷ đồng doanh nghiệp đã đóng trong suốt 5 năm qua”, ông Khoa nêu bức xúc.

Các đại biểu đều cho rằng, cần đẩy mạnh đổi mới, quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước theo hướng tăng cường công khai, minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu; áp dụng quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế; tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, thúc đẩy vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể tại doanh nghiệp.

Các ý kiến, trao đổi tại hội thảo đã cung cấp thêm những quan điểm lý luận và thực tiễn cho Bộ Tài chính hoàn thiện việc rà soát, đánh giá Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và đưa ra các định hướng chính, đột phá trong sửa đổi, bổ sung Luật trong thời gian tới.

An Nguyên