Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh khi tăng trưởng việc làm tháng 1/2022 vượt kỳ vọng

09:22 14/02/2022

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm, vốn được dùng làm thước đo cho các khoản vay từ vay doanh nghiệp đến mua nhà, đã tăng lên mức hơn 2% cao nhất kể từ tháng 12/2019. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng mạnh từ mức 1,5% kể từ khi bắt đầu bước sang năm 2022 sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngỏ ý phải thay đổi chính sách siết chặt tiền tệ mạnh tay hơn, sau khi lạm phát năm 2021 đạt mức cao nhất trong vòng gần 40 năm, đồng thời FED đã không còn coi lạm phát tăng mạnh là một vấn đề tạm thời.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh khi tăng trưởng việc làm tháng 1/2022 vượt kỳ vọng

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh khi tăng trưởng việc làm tháng 1/2022 vượt kỳ vọng.

Trong khi đó, tăng trưởng việc làm tháng 1/2022 của Mỹ vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế học khi tăng 467,000 việc làm trong tháng 1, dù trong điều kiện số ca nhiễm Corona virus tăng mạnh và đạt đỉnh do biến thể Omicron đã cản trở hàng triệu người lao động phải cách ly tại nhà và làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh và sản xuất.

Không thể phủ nhận Omicron đã gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên mức 4% khi các doanh nghiệp điều chỉnh theo điều kiện thị trường bằng việc cắt giảm nhân viên. Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 1/2022 đã cho thấy một góc nhìn mới, chính là khả năng chống chịu và phục hồi của thị trường việc làm khi đối mặt với một đợt bùng phát mới của đại dịch với sự hỗ trợ của vaccine. Các ước tính điều chỉnh cho thấy tăng trưởng việc làm trong tháng 11 và tháng 12/2021 cao hơn so với báo cáo trước đó, cho thấy nền kinh tế mất ít động lực hơn vào cuối năm so với dự đoán trước đây.

ớc tính số lượng việc làm tăng 1 năm trở lại đây (theo Bureau of Labor Statistics)
Ước tính số lượng việc làm tăng 1 năm trở lại đây (theo Bureau of Labor Statistics).

Báo cáo việc làm khả quan báo hiệu nền kinh tế Mỹ đang trở nên đủ khỏe mạnh để việc tăng lãi suất của FED sẽ không làm gián đoạn triển vọng dài hạn của nền kinh tế làm lợi suất trái chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm tiếp tục đà tăng cao. Việc này cũng ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu nói chung đặc biệt là việc giảm giá mạnh của các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng, vốn được định giá dựa trên lợi nhuận tương lai, được chiết khấu mạnh hơn khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh. FED tăng lãi suất cho vay có tác động đến nền kinh tế toàn cầu do đồng USD được dùng làm dự trữ ngoại tệ với tỉ lệ lớn. Việc tăng lãi suất cũng tăng giới hạn nguồn tiền vay margin vốn đạt kỉ lục đang ở trong thị trường chứng khoán, có thể kích hoạt một làn sóng margin call tồi tệ hơn khi thị trường gặp phải các biến động xấu khác.

Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng bắt đầu tăng ở châu Âu sau khi chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde phát biểu vào cuộc họp đầu tháng 2/2022 cho biết, lạm phát cao hơn và duy trì lâu hơn dự kiến, mở ra cơ hội tăng lãi suất trong năm nay. Đồng thời kỳ vọng việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất nhiều lần vào năm 2022, dự kiến bắt đầu từ tháng 3 đã châm ngòi cho một đợt phát hành trái phiếu đầu năm gây ra nhiễu loạn và sự sụt giảm trên thị trường cổ phiếu toàn cầu và các khoản đầu tư rủi ro.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm cũng tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 2/2022 lên mức hơn 0,2%, cao nhất trong vòng gần 3 năm trở lại đây sau khi duy trì mức âm kể từ tháng 5/2019. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý tăng cao nhất kể từ tháng 12 năm 2020 và đạt mức cao nhất hơn 1,75%. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu của Ý và Đức, được coi là một thước đo cho sự căng thẳng tài chính trong khu vực, đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 18 tháng. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các thị trường chứng khoán khu vực châu Âu.

Các quốc gia thành viên khối Euro vẫn có sự phân hóa lớn về sức mạnh của nền kinh tế và ngân hàng trung ương châu Âu cũng chịu tác động điều chỉnh lãi suất lớn từ các nền kinh tế lớn trên thế giới. Ngân hàng Trung ương Anh mới đây ngày 3/2 đã nâng lãi suất thêm 0.25% lên mức 0.5% để chống lại lạm phát được dự đoán sẽ đạt đỉnh khoảng 7,25% vào tháng 4/2022, mức cao nhất trong hơn 30 năm, cao hơn mức tăng 5,4% vào tháng 12/2021 và vượt xa mục tiêu lạm phát 2%. Ngân hàng Trung ương Anh cũng thông báo bắt đầu động thái giảm bớt mua tài sản kể từ tháng 3/2022, một động thái siết chặt tiền tệ khác dù có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế do giá hàng hóa và năng lượng vẫn tiếp tục đà tăng. Lợi suất trái phiếu chính phủ thế giới có thể tăng mạnh hơn nữa trong tương lai nếu mức lạm phát vẫn tiếp tục đà tăng cao như hiện tại, FED vẫn để ngỏ cơ hội có thể tăng lãi suất nhanh, mạnh hơn dự kiến và thậm chí thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán.

Đức Nguyễn