Lỗ hổng bản quyền âm nhạc: Vá chỗ nọ lại hổng chỗ kia
- Văn hóa – thể thao doanh nhân
- 14:28 18/09/2020
Hành lang pháp lý bảo vệ bản quyền cũng như những tổ chức đứng ra đại diện bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong nước đã được thiết lập khá đầy đủ. Nhưng trên thực tế vẫn liên tục diễn ra các vụ việc đạo, nhái, ăn cắp, xài chùa... các tác phẩm âm nhạc, khiến chủ sở hữu tác phẩm và công chúng vô cùng bức xúc.
Âm nhạc trực tuyến bùng nổ, nhạc sĩ cần một giải pháp để minh bạch việc sử dụng tác quyền (ảnh minh họa)
Vá chỗ này lại hổng chỗ kia, cho đến nay, dường như các chế tài xử phạt vấn nạn xâm phạm bản quyền nói chung cũng như trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc nói riêng vẫn chưa đủ sức răn đe.
Chuyện “biết rồi” muôn thủa
Giới âm nhạc mới đây đã xôn xao khi Công ty VNG của Việt Nam đã có đơn gửi lên TAND TP.HCM yêu cầu TikTok xóa tất cả các đoạn nhạc lấy từ Zing khỏi ứng dụng và trang web TikTok, đồng thời bồi thường thiệt hại hơn 221 tỉ đồng (9,5 triệu USD). Cụ thể, VNG cáo buộc nền tảng video ngắn lồng ghép nhạc này không có đầy đủ bản quyền cho các bài hát được sử dụng. Theo đó, TikTok đang sử dụng các bản âm thanh thuộc sở hữu của Zing, dịch vụ âm nhạc trực tuyến của VNG mà không có sự đồng ý của phía công ty Việt Nam. Theo một báo cáo của VNG cho thấy, có tổng cộng 150 bản ghi Zing được sử dụng trong hơn 11 triệu video trên ứng dụng và website của TikTok.
Du nhập vào Việt Nam mới được một thời gian ngắn, nhưng đến nay trong nước đã có tới hơn 10 triệu người đang sử dụng phần mềm này. Nhiều bạn trẻ xem đây là thú vui, nhất là khi việc lồng ghép một đoạn nhạc vào trong video trên nền tảng TikTok thực hiện quá dễ dàng. Chính sự dễ dàng, thuận tiện đó, trong bối cảnh ý thức về vấn đề tôn trọng bản quyền còn thấp đã dẫn đến tình trạng người sử dụng TikTok cứ vô tư vi phạm. Thực tế, đa số người dùng không hề biết mình đang vi phạm bản quyền về âm nhạc, bao gồm cả những người tham gia hoạt động nghệ thuật. Nhiều người quan niệm rất giản đơn, nhạc có sẵn, miễn phí, thì cứ dùng, có sao đâu!
Câu chuyện xâm phạm bản quyền trên TikTok cũng không quá xa xôi với vấn nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) mới đây đã thông báo về việc nhiều cá nhân, tổ chức đang “vô tư, hồn nhiên” sử dụng tác phẩm âm nhạc “Thôi em hãy về đi” (Chuyện tình dang dở) của tác giả Mộng Long. Theo phản ánh của tác giả, thành viên của VCPMC cũng như qua rà soát của VCPMC trong thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm nói trên nhưng lại đề tên tác phẩm, tác giả chưa đúng là “Em hãy về đi” của tác giả Vinh Sử hoặc “Anh hãy về đi” của tác giả Vinh Sử.
Hai ca khúc “Hoa nở không màu”, “Buồn làm chi em ơi” do ca sĩ Hoài Lâm thể hiện, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường sáng tác, ra mắt từ tháng 6.2020 và đến nay đã có rất nhiều bản cover. Tuy nhiên, càng nhiều bản cover, vấn đề bản quyền ca khúc càng được đặt ra khi xuất hiện những sản phẩm đăng lên YouTube để kiếm tiền, thậm chí trình diễn nhưng lại quên “xin phép” nhạc sĩ chủ sở hữu ca khúc.
Trước đó, phim đoạt giải Cánh diều vàng 2019 “Hạnh phúc của mẹ” cũng đã bị tố cáo “xài chùa” ca khúc “Mẹ con ta luôn có nhau” của nữ ca sĩ Thu Thủy. Dù nhà sản xuất đã lên tiếng xin lỗi cũng như có động thái khắc phục sai sót thì câu chuyện ý thức tôn trọng tác quyền ở đây vẫn cần được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.

TikTok bị kiện vì vi phạm bản quyền âm nhạc ở VN
Bao giờ hết nhức nhối?
Những năm gần đây, có lẽ chưa khi nào vấn đề bản quyền âm nhạc thôi nhức nhối, đặc biệt, trong bối cảnh thời đại công nghệ phát triển với các phần mềm ứng dụng như Facebook, YouTube hay các kênh phát nhạc trực tuyến đang bùng nổ. Bên cạnh việc có một môi trường “mở” kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả, những nền tảng này cũng trở thành một kênh kinh doanh của nghệ sĩ. Những người đăng tải các clip âm nhạc có thể có được một nguồn thu nhập đáng kể, thậm chí, hiệu quả của sản phẩm còn được đánh giá một cách dễ dàng qua số lượng lượt view, like và share... Và điều này cũng để lại rất nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề vi phạm bản quyền tác phẩm.
Trên thực tế, tình trạng vi phạm bản quyền này xuất hiện qua nhiều phương thức khác nhau, đơn cử như việc cover ca khúc “hit” mà chưa xin phép tác giả hoặc ca sĩ có bản quyền sở hữu; nhiều cá nhân lấy link có bản quyền về phối lại. Tuy nhiên, như Văn Hóa đã nhiều lần đề cập, dù các vụ việc vi phạm ngày một lan tràn nhưng sau khi bị phát giác thì hầu hết những người bị xâm phạm chỉ lên tiếng trên trang cá nhân, báo chí, hoặc gửi khiếu nại lên VCPMC nhờ can thiệp. Xin lỗi, giảng hòa, kết cục thì đa số các trường hợp đều giải quyết theo kiểu “dĩ hoà vi quý”. Bởi thế, những tác giả âm nhạc chân chính, chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với vô vàn thách thức để bảo vệ bản quyền cho những “đứa con tinh thần” của mình.
Về vấn đề này, nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ, VCPMC lâu nay cũng đã hỗ trợ các nhạc sĩ trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, những việc làm được hiện nay mới chỉ là một phần, đặc biệt là vấn đề quản lý bản quyền âm nhạc trên mạng còn gặp nhiều khó khăn. “Trên thực tế, có hàng triệu bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam đang trôi nổi, “lang thang” trên mạng. Ví dụ, tôi thống kê có tới hơn 200 bài hát của mình đang bị những người mà tôi không quen biết vô tư “xài chùa” trên mạng. Có những người đã tự gom các bài hát của tôi vào những kho riêng để kinh doanh, họ “tự tung tự tác” khai thác quảng cáo trên những bài hát của tôi. Rất nhiều nhạc sĩ khác cũng đều rơi vào tình trạng như vậy. Người ta cứ tự nhiên sử dụng những bài hát, chất xám của chúng tôi mà không hề xin phép, chứ chưa nói là trả tiền tác quyền. Trong khi đó, nhiều nhạc sĩ lại không hề để ý bài hát của mình đang bị lợi dụng ra sao. Tôi cho rằng, việc người sáng tạo ra các bài hát không được xin phép, không được hưởng bất cứ một khoản tiền tác quyền nào là sự thiếu tôn trọng các nhạc sĩ...”, nhạc sĩ lê Minh Sơn bức xúc.
Bởi vậy, trước thực tế vi phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng phổ biến, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã ấp ủ việc ra đời một công ty về bản quyền âm nhạc trực tuyến để giúp các nhạc sĩ quản lý sáng tác của mình. Những giải pháp công nghệ hiện đại sẽ được sử dụng, theo đó, mỗi nhạc sĩ có một mã số riêng, một kho nhạc riêng mà chỉ cần “click” vào là có thể kiểm soát được cả các bài hát của mình đang vang lên ở đâu, ai là người nghe, ai là người sử dụng.
“Khát vọng của tôi là những nhạc sĩ phải sống được bằng tác phẩm của mình, đơn vị sử dụng phải trả quyền tác quyền. Âm nhạc là mồ hôi, nước mắt, là máu, là sự trải nghiệm, quần quật suốt cả cuộc đời để có thể viết ra được một vài bài hát...”, Lê Minh Sơn chia sẻ.
Những người làm nghề cũng không khỏi trăn trở trước xu hướng âm nhạc trực tuyến chắc chắn sẽ bùng nổ hơn rất nhiều. Nhớ lại chỉ 20 năm trước, băng đĩa lậu làm mưa làm gió trên thị trường mà cơ quan quản lý không thể dẹp nổi. Nhưng bắt đầu từ những năm 2000, Internet đã xóa bỏ hoàn toàn công nghiệp sản xuất băng đĩa lậu. Các ca sĩ hiện nay cũng đã chuyển dịch theo hướng làm MV để đăng lên mạng, thu hút “fan”, chủ yếu để lấy view, sống bằng view chứ không có mấy người ra đĩa. Nhiều ca sĩ ra hẳn một app riêng, hoặc lập nhiều kênh riêng để thu hút người theo dõi trên mạng. Theo nhạc sĩ Lê Minh Sơn, đáng buồn là người ta làm nhạc một cách thiếu tôn trọng nhạc sĩ. Những hành vi xâm phạm này có thể dần dần hủy diệt hết sự sáng tạo âm nhạc, họ làm cho những người sáng tạo mà không còn muốn sáng tạo nữa...
Bởi vậy, ngoài các giải pháp công nghệ, kỹ thuật và sự bảo hộ của một hành lang pháp lý chặt chẽ thì vẫn cần phải đề cập đến một vấn đề muôn thủa là câu chuyện ý thức của chính những người làm nghề và công chúng. Hơn bao giờ hết, mỗi người cần hiểu và thực thi quyền sở hữu các tác phẩm âm nhạc một cách nghiêm túc.
PHƯƠNG MAI - THANH ĐÀO
Tin liên quan
#bản quyền âm nhạc

Mua bán bản quyền âm nhạc: Kênh đầu tư hấp dẫn tạo ra lợi nhuận "khủng"
Trên tờ The Guardian, Merck Mercuriadis - người sáng lập Hipgnosis mô tả: “Việc đầu tư vào tiền bản quyền âm nhạc là cuộc đặt cược tốt hơn vàng hoặc dầu, vì bản chất của chúng là tạo ra lợi nhuận và thậm chí không bị gián đoạn khi các ngành kinh tế khác gặp khó khăn”.
Đọc thêm Văn hóa – thể thao doanh nhân
Gia Lâm (Hà Nội): Nét đẹp truyền thống từ tranh gốm Bát Tràng
Mọi người chơi tranh gốm Bát Tràng, theo đuổi cái đẹp luôn luôn coi nghệ nhân trẻ Vũ Duy Tiệp xóm 5, thôn Bát Tràng , huyện Gia Lâm, (Hà Nội) như là bậc thầy chơi tranh không phải riêng sản phẩm anh làm ra mà còn là thành tích đáng nể được nhà nước công nhận; các sản phẩm anh làm ra có nét riêng nhưng cũng mang đến cho người xem cảm nhận nét đẹp nghệ thuật, tính độc đáo truyền thống.
Bát Tràng (Hà Nội): Nghề thư pháp nét đẹp truyền thống cần phải giữ gìn
Khi nhắc đến Bát Tràng, người ta sẽ nghĩ đến ngay đến Gốm Bát Tràng, nhưng cái nghề đặc biệt hơn đó là viết chữ, lối viết theo thư pháp vào những sản phẩm Gốm.
Bộ VHTTDL tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn toàn quốc năm 2021
Nhằm thiết thực kỷ niệm 5 năm triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt", đồng thời tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình hát Văn, hát Chầu Văn; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã quyết định tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu Văn toàn quốc năm 2021 tại Vĩnh Phúc, dự kiến diễn ra từ ngày 15-18/4/2021.
Cà Mau: Công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội “Nghinh Ông Sông Đốc”
Tối 26/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời long trọng tổ chức Lễ Công bố và trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc.
Không chiếu rạp, fan DC có thể xem “Zack Snyder’s Justice League” ở đâu?
Chỉ còn 7 ngày nữa, fan của DC sẽ được thỏa lòng mong ước khi bộ phim bom tấn Zack Snyder’s Justice League – Liên Minh Công Lý của Zack Snyder chính thức khởi chiếu trực tuyến vào ngày 18/03/2021 (giờ Mỹ).
Vượt qua Muguruza sau 2 set, Petra Kvitova vô địch Qatar mở rộng 2021
Tay vợt nữ bền bỉ người CH Czech - Petra Kvitova, tiếp tục thể hiện sự kiên cường của cô khi đăng quang ngôi vô địch WTA Qatar Open 2021
Đằng sau thương vụ 297 triệu đô của CEO Twitter và Jay-Z
Nối tiếp Louis Vuitton, công ty của Jack Dorsey hợp tác với Jay-Z trong thương vụ trị giá 297 triệu đô la được kì vọng mang trải nghiệm blockchain đến với người hâm mộ.
Huyền thoại làng banh nỉ Roger Federer sắp trở lại sau 1 năm nghỉ thi đấu
Phải nghỉ thi đấu từ sau Australia mở rộng 2020 vì dịch COVID-19 và chấn thương, Roger Federer sẽ khởi động mùa giải mới với giải Qatar Mở rộng 2021 thuộc hệ thống ATP 250.
“Sử ký” của Thái Sử Công Tư Mã Thiên được tái bản
"Sử ký" của tác giả Trung Quốc Tư Mã Thiên, do học giả Phan Ngọc dịch, được in với hình thức mới, phát hành đầu tháng 3.
Collin Morikawa đăng quang WGC - Workday Championship 2021
Đây là chức vô địch đầu tiên thuộc hệ thống thi đấu World Golf Championship mà Collin Morikawa giành được từ khi thi đấu chuyên nghiệp cho đến nay.