Lĩnh vực fintech thu hút một thời đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt trong con mắt các nhà đầu tư

17:05 09/06/2022

Các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang trì hoãn kế hoạch IPO và cắt giảm chi phí do lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra gây nên sự thay đổi trong cách nhìn nhận của các nhà đầu tư về thị trường.

Đầu tư vào fintech đang chậm lại do lo ngại về lạm phát gia tăng và triển vọng lãi suất cao hơn đã làm ảnh hưởng đến tâm lý kinh tế.

Đầu tư vào fintech đang chậm lại do lo ngại về lạm phát gia tăng và triển vọng lãi suất cao hơn đã làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. 

Tại hội nghị Money 20/20 ở Amsterdam diễn ra mới đây, ông chủ của các công ty fintech lớn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi đối với việc huy động vốn và định giá.

John Collison, đồng sáng lập và Chủ tịch của Stripe, cho biết, ông không chắc liệu công ty có thể huy động vốn  trong bối cảnh kinh tế hiện tại hay không.

“Câu trả lời trung thực là, "tôi không biết", Collison nói trên sân khấu của hội nghị. Stripe đã huy động vốn đầu tư mạo hiểm vào năm ngoái và hiện không tìm cách huy động trở lại.

Công ty Klarna được cho là đang tìm cách huy động vốn mới với chiết khấu 30% so với mức định giá 46 tỷ USD, trong khi tập đoàn đối thủ Affirm đã mất khoảng 2/3 giá trị thị trường chứng khoán kể từ đầu năm 2022.

Trì hoãn IPO

Zopa, một ngân hàng kỹ thuật số có trụ sở tại Anh, đã hy vọng sẽ ra mắt công chúng vào cuối năm 2022. Nhưng điều này có vẻ ít khả năng hơn vì cú sốc lạm phát trầm trọng do chiến tranh ở Ukraine đã dẫn đến sự sụt giảm trên cả thị trường.

Giám đốc điều hành Jaidev Jardana nói với CNBC: "Chúng tôi sẽ phải đợi khi thị trường đến đúng vị trí. Chúng tôi chỉ có thể ra mắt công chúng (IPO) một lần, vì vậy chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi chọn đúng thời điểm.”

Lĩnh vực công nghệ đã phải gánh chịu gánh nặng của đợt bán tháo kể từ đầu năm, khi các nhà đầu tư nhận ra khả năng thị trường tiền tệ bị siết chặt - điều này khiến thu nhập tương lai của các cổ phiếu tăng trưởng kém hấp dẫn hơn.

Một số giám đốc điều hành và nhà đầu tư cho biết, lạm phát gia tăng và lãi suất tăng đang khiến các công ty fintech khó huy động tiền hơn.

Iana Dimitrova, Giám đốc điều hành của công ty phần mềm thanh toán OpenPayd, nói với CNBC: “Trong cộng đồng đầu tư, tâm trạng các nhà đầu tư đang trở nên rất tồi tệ".

OpenPayd đang trong quá trình huy động vốn, nhưng không rõ khi nào công ty có thể hoàn tất vòng này, Dimitrova cho biết.

Nguồn vốn siết chặt

Prajit Nanu, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Công ty thanh toán Nium có trụ sở tại San Francisco, cho biết, ông đang mong đợi “sự hợp nhất lớn” trong lĩnh vực fintech.

Ông nói: “Các công ty không tăng vốn sẽ được hợp nhất hoặc đóng cửa.

Nỗi lo lớn là tốc độ tăng trưởng fintech sẽ chậm lại cùng với nền kinh tế nói chung do giá cả tăng cao buộc người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao. Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới mới đây đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cảnh báo về tình trạng lạm phát đình trệ kéo dài - một tình huống ám chỉ lạm phát vẫn cao nhưng tăng trưởng chững lại.

Đầu tư vào lĩnh vực fintech bùng nổ vào năm ngoái, đạt mức kỷ lục 132 tỷ đô la trên toàn cầu - một phần lớn là nhờ tác động của việc phong tỏa làm thay đổi thói quen mua sắm của mọi người. Nhưng khi những lo lắng xung quanh lạm phát gia tăng và lãi suất cao hơn đã ập đến thì nguồn tài trợ đã giảm 18% trong quý đầu tiên so với ba tháng trước đó xuống còn 28,8 tỷ USD, theo dữ liệu từ CB Insights.

Ken Serdons, Giám đốc thương mại của công ty thanh toán Hà Lan Mollie nói: "Các công ty Fintech đang tìm kiếm các nguồn vốn mới sẽ cần phải đưa ra con đường rõ ràng để đạt được lợi nhuận, điều này sẽ giúp họ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn".,

Bảo Bảo