Lễ nhậm chức của ông Joe Biden sẽ diễn ra theo cách chưa từng có

09:29 19/01/2021

Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng vào ngày 20/1. Do ảnh hưởng từ Đại dịch Covid-19 và lo ngại an ninh, lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ thứ 46 sẽ diễn ra theo cách chưa từng có...

Cứ mỗi 4 năm, sự kiện lễ nhậm chức tổng thống nhận được sự quan tâm lớn của người Mỹ, thu hút đông đảo người tham gia với hàng nghìn người sánh vai bên nhau, chúc mừng nhà lãnh đạo sẽ điều hành đất nước trong 4 năm tiếp theo. Đây thường là sự kiện tưng bừng đánh dấu sự chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris diễn ra vào ngày 20/1 năm nay sẽ không giống bất kỳ lễ nhậm chức nào trong lịch sử Mỹ, bởi nó diễn ra trong bối cảnh chính trị đặc biệt cũng như đại dịch toàn cầu chưa từng có trong lịch sử.

An ninh thắt chặt đặc biệt

Bình thường, Washington DC sẽ tiếp đón hàng trăm nghìn người đến dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống, khiến các khách sạn đều kín phòng. Ước tính 2 triệu người đã có mặt khi Obama tuyên thệ năm 2009.

Năm nay, quy mô người tham gia sẽ “bị giới hạn tối đa”, đội ngũ của ông Biden cho biết. Họ kêu gọi người dân Mỹ tránh về thủ đô, thông điệp đã được chính quyền Washington DC lặp lại nhiều lần từ sau vụ bạo loạn quốc hội.

An ninh tại thủ đô Washington đang được thắt chặt với quy mô chưa từng thấy để chuẩn bị cho lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công và biểu tình có thể xảy ra. Đặc biệt là sau vụ bạo loạn khiến 5 người chết tại tòa nhà Quốc hội Mỹ (Điện Capitol) đầu tháng này. 

Rào chắn được dựng tại thủ đô Washington hôm 16-1, trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden .Ảnh: REUTERS
Rào chắn được dựng tại thủ đô Washington hôm 16/1, trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden .Ảnh: REUTERS.

Thị trưởng Washington Muriel Bowser đã kêu gọi người dân ở nhà và không di chuyển tới Washington trong thời gian diễn ra lễ nhậm chức nhằm ngăn chặn nguy cơ bạo lực và dịch bệnh lây lan.

Ban đầu, ban tổ chức định giữ lại một số truyền thống lâu đời của lễ nhậm chức bình thường, chỉ cắt giảm quy mô và tuân thủ các quy định chống dịch. Tuy nhiên, sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1 và tiếp đó là cảnh báo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về nguy cơ biểu tình vũ trang trên khắp 50 bang trước buổi lễ, mọi chuyện đã thay đổi.

Cơ quan Mật vụ Mỹ đang phối hợp với các bộ, ngành khác để thực hiện điều họ mô tả là "nhiệm vụ không được phép thất bại", biến trung tâm Washington thành "pháo đài" với sự hiện diện của rào chắn, chốt kiểm soát và hơn 25.000 binh sĩ Vệ binh quốc gia, tính đến ngày 16/1, vượt xa con số 15.000 so với kế hoạch ban đầu.

An ninh được thắt chặt để chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Biden ngày 20/1
An ninh được thắt chặt để chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Biden ngày 20/1.

Bất chấp rủi ro an ninh, Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố ông vẫn tuyên thệ nhậm chức bên ngoài Điện Capitol như những người tiền nhiệm. Theo trang web lễ nhậm chức, ông Biden sẽ phát biểu trước người dân cả nước, "công bố tầm nhìn để đánh bại đại dịch, xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn, đoàn kết và hàn gắn đất nước". Để nhấn mạnh thông điệp này, ông Biden và bà Harris sẽ dự nghi lễ duyệt quân "Pass in Review" - một truyền thống lâu đời biểu trưng cho quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình cho tổng tư lệnh mới.

Bên cạnh đó, Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhà chức tránh tập trung đông người để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các sự kiện thường được tổ chức như diễu hành tại Đại lộ Pennsylvania và vũ hội sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Ủy ban Nhậm chức của ông Biden cũng đã thông báo rằng họ sẽ phát trực tuyến lễ tuyên thệ nhậm chức và các sự kiện khác trên trang web cũng như các nền tảng YouTube và Twitch, bên cạnh các kênh truyền hình truyềm thống. 

Sự vắng mặt của ông Donald Trump

Cùng với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, buổi lễ sẽ có sự tham gia của chỉ khoảng 2.000 người. Nếu Tổng thống Donald Trump không có mặt như tuyên bố, ông sẽ trở thành Tổng thống sắp mãn nhiệm đầu tiên kể từ khi ông Andrew Johnson không dự lễ tuyên thệ của người kế nhiệm vào năm 1869.

Theo thường lệ, các Tổng thống tiền nhiệm sẽ có mặt để chúc mừng tổng thống nhậm chức, sau đó cùng nhau di chuyển về tòa nhà Quốc hội để dự lễ nhậm chức, biểu trưng cho sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Trong lịch sử, chỉ có 3 tổng thống không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm là John Adams, John Quincy Adams và Andrew Johnson.

Cựu Tổng thống Barrack Obama tham dự lễ nhậm chức của ông Trump năm 2017 - Ảnh: DW
Cựu Tổng thống Obama tham dự lễ nhậm chức của ông Trump vào năm 2017 - Ảnh: DW.

Ông Trump dự định sẽ rời thủ đô Washington vào buổi sáng diễn ra lễ nhậm chức, bay từ căn cứ quân sự Andrews về Mar-a-Lago, nơi ở của ông tại bang Florida.

Phản ứng trước thông tin này, ông Biden gọi quyết định của ông Trump là "một trong số ít điều mà chúng tôi đồng tình với nhau". "Việc ông ấy không xuất hiện là một tin tốt", ông Biden nói. 

Tuy nhiên, ông Biden cho biết "rất vinh dự" khi Phó Tổng thống mãn nhiệm Mike Pence sẽ tham dự lễ nhậm chức của mình. Trước đó, ông Pence tuyên bố không kích hoạt Điều 25 sửa đổi trong Hiến pháp để phế truất ông Donald Trump.

Ngày 20/1 tới, người kế nhiệm của ông Pence, bà Kamala Haris sẽ làm nên lịch sử khi là phụ nữ da màu đầu tiên tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ. Bà cũng là phụ nữ gốc Á đầu tiên đảm nhiệm vị trí này. 

Bảo Bảo