Lễ hội mua sắm lớn nhất năm của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi tâm lý chống chủ nghĩa tiêu dùng gia tăng

09:33 13/11/2021

Tâm lý chống chủ nghĩa tiêu dùng ở những người trẻ tuổi lo ngại về các hành vi tiêu dùng độc hại do lễ hội mua sắm tạo ra.

Ngày 11/11 là lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm tại Trung Quốc
Ngày 11/11 là lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm tại Trung Quốc. (Ảnh: internet) 

Mặc dù đạt 540,3 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 84,4 tỷ đô la) và vượt mốc năm ngoái nhưng doanh số bán hàng Ngày Độc thân 11/11 năm nay tăng với tốc độ chậm nhất kể từ khi Alibaba tạo ra thị trường mua sắm trực tuyến vào năm 2009. Trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Douban xuất hiện một nhóm có tên là "Đừng mua - Hội những người chống tiêu dùng" kêu gọi mọi người lưu tâm đến mục đích mua hàng và không chạy theo xu hướng một cách mù quáng. Ngạc nhiên hơn, nhóm này mới chỉ được thành lập vài ngày trước thềm lễ hội năm ngoái nhưng hiện có hơn 300 nghìn thành viên và tự gọi mình là "Những người phản đối chủ nghĩa tiêu dùng". Theo nhóm này lập luận, khi người trẻ vung tay quá trán và hết tiền, họ sẽ phải vay mượn tiền và bị kéo vào một vòng luẩn quẩn mua hàng và trả nợ.

Nhóm khẳng định rằng, những phát triển gần đây trong thương mại điện tử, bao gồm mua sắm trực tiếp và ngành công nghiệp mua hộ xuất khẩu xuyên biên giới, đang gieo rắc những ham muốn vật chất ở những người tiêu dùng có sự phân tán về kinh tế và tâm lý. Ngày nay, bộ phận thanh niên Trung Quốc tỏ ra mệt mỏi vì phải làm việc nhiều giờ với mức lương ít ỏi hay có thể kể đến cạnh tranh thị trường làm việc gay gắt khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được kế sinh nhai, sinh ra cảm giác bất lực. Từ đây, các nền tảng thương mại điện tử hiện đang đầu tư rất nhiều vào các chiến dịch khuyến mãi và quảng cáo, đánh vào tâm lý bất ổn của nhóm đối tượng này. 

Yu, một cư dân tại Thành Đô đã ngừng tham gia lễ hội mua sắm vào năm ngoái chia sẻ: "Nhiều người bạn của tôi mua sắm điên cuồng trong những dịp như thế này nhưng nhiều năm nay họ đã nhận thức rõ hơn về văn hóa mà các tập đoàn đang áp đặt lên người tiêu dùng". Khoảng thời gian này, rất nhiều người dùng đã đăng thông điệp cảnh báo trên mạng xã hội, đánh dấu sự thay đổi trong tâm lý và hành vi tiêu dùng của nhóm người trẻ đang cố gắng điều chỉnh thói quen mua sắm không hợp lý. Một nhóm khác chống chủ nghĩa tiêu dùng cũng thu hút hơn 115 nghìn thành viên kể từ khi ra mắt vào tháng tư năm nay. 

Tuy nhiên, bất chấp nhiều bất cập, tổng giá trị hành hóa trong Ngày Độc thân vẫn tăng 8,45% mỗi năm, trước đó đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hai con số kể từ khi thành lập, bởi không phải tất cả người mua sắm ở Trung Quốc đều lo ngại về văn hóa chi tiêu độc hại do các lễ hội mua sắm hình thành. Xinchen Wang, một sinh viên đại học đến từ Bắc Kinh, cho biết: “Bản thân tôi và bạn bè đã bắt đầu lập danh sách mua sắm hàng tháng trước khi có đợt khuyến mãi lớn. Chúng tôi mua những thứ cần thiết như thực phẩm và quần áo. Những sự kiện như 11.11 cho phép chúng tôi mua sắm với giá rẻ vì thế tôi không cho rằng điều này quá độc hại nếu không lạm dụng quá mức". Đồng thời anh chia sẻ thêm rằng, các chính sách mua sắm trực tuyến khá đa dạng và nếu nhà nước giảm thuế hoặc tăng trợ cấp, chắc chắn người dùng sẽ chi nhiều tiền hơn.

TL