Lào Cai: Càng khó khăn càng phải đoàn kết, cố gắng và nâng cao tinh thần trách nhiệm

10:39 10/06/2023

Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trong cuộc họp trực tuyến nghe các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo về tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...

Sáng ngày 09/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo về tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; tiến độ triển khai kế hoạch mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề và tháo gỡ khó khăn trong nghiệm thu, thanh quyết toán công trình đường giao thông nông thôn, công tác phòng cháy chữa cháy khi thực hiện các công trình dự án.

Các đại biểu dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai
Các đại biểu dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. (Ảnh: CTTĐT)
Cuộc họp truyền hình trực tuyến đến 09 huyện, thị xã, thành phố.
Cuộc họp truyền hình trực tuyến đến 09 huyện, thị xã, thành phố. (Ảnh: CTTĐT)

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo các Nghị quyết HĐND tỉnh đã giao là 6.404 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, giá trị giải ngân đạt 1.819 tỷ đồng, bằng 28,3% kế hoạch. Kế hoạch vốn năm 2023 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 5.341 tỷ đồng; đến nay giá trị giải ngân đạt 1.801 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch Trung ương giao. Tính đến hết tháng 5/2023, tỉnh Lào Cai nằm trong nhóm các tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước (trung bình cả nước đạt 19,7% kế hoạch) và đứng đầu trong các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Về tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn và khối lượng hoàn thành năm 2023 của các địa phương, 06/09 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ cao hơn mức trung bình toàn quốc. Trong đó, thành phố Lào Cai có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, mới đạt 12% kế hoạch và huyện Bảo Yên có tỷ lệ giải ngân cao nhất đạt 46% kế hoạch.

Tổng kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 gần 999 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình MTQG giảm nghèo gần 288 tỷ đồng; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 661 tỷ đồng; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gần 50 tỷ đồng. Kinh phí đã giao cho UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh thực hiện là gần 925 tỷ đồng; chưa phân bổ, giao dự toán chi tiết hơn 74 tỷ đồng. Theo số liệu trên hệ thống Tabmis đến ngày 07/6/2023, tổng kinh phí đã giải ngân của 3 chương trình MTQG là 15,35 tỷ đồng, bằng 1,5% kế hoạch giao. Trong đó thị xã Sa Pa đang là địa phương có tỷ lệ giải ngân nhiều nhất tỉnh, đạt 5% kế hoạch; huyện Bát Xát là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất mới đạt 0,1% kế hoạch.

Tuy nhiên 100% các huyện, thị xã, thành phố chưa phân bổ hết kinh phí nguồn vốn sự nghiệp tỉnh giao. Việc vào cuộc chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện các chương trình MTQG còn chưa sâu sát, kịp thời dẫn đến cơ sở còn lúng túng, triển khai không thống nhất. Công tác lựa chọn, phê duyệt, mua sắm, triển khai thực hiện dự án còn chậm...

Đồng chí Trần Xuân Hiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đề xuất phương án xử lý tháo gỡ khó khắn đối với các công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (việc bổ sung rãnh dọc gia cố và biển báo hiệu đường bộ; phương án xử lý vướng mắc trong công tác quản lý chất lượng, thi công nghiệm thu).
Ông Trần Xuân Hiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đề xuất phương án xử lý tháo gỡ khó khắn đối với các công trình đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (việc bổ sung rãnh dọc gia cố và biển báo hiệu đường bộ; phương án xử lý vướng mắc trong công tác quản lý chất lượng, thi công nghiệm thu). (Ảnh: CTTĐT)

Vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thuộc dự án đầu tư ngành, nghề trọng điểm đến năm 2025 của Trường Cao đẳng Lào Cai là 70 tỷ đồng. Đến nay đang trình đang thực hiện các bước điều chỉnh dự án.

Kinh phí mua sắm tài sản các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo dạy nghề năm 2023 là gần 528 tỷ đồng. Hiện nay các cơ quan, đơn vị đang thực hiện thủ tục, quy trình liên quan; chưa có đơn vị thực hiện thanh toán giải ngân.

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng các công trình, vốn đối ứng trong xây dựng cơ bản; bố trí, sắp xếp dân cư; quy hoạch trồng rừng tại các địa phương; chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc triển khai thực hiện một số nội dung dự án thuộc chương trình MTQG; mua sắm tài sản ngành y tế, giáo dục... và đưa ra cam kết, lộ trình đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, các chương trình MTQG.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà báo cáo tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu quốc gia, việc mua sắm tài sản trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề; rà soát danh mục phòng cháy chữa cháy.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà báo cáo tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu quốc gia, việc mua sắm tài sản trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề; rà soát danh mục phòng cháy chữa cháy. (Ảnh: CTTĐT)

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nhận định việc giải ngân vồn xây dựng cơ bản của tỉnh vẫn duy trì ở mức cao trên cả nước. Việc giải ngân vốn xây dựng cơ bản là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; do đó đề nghị các cấp, các ngành, địa phương càng khó khăn càng phải đoàn kết, càng khó khăn càng phải quyết tâm, nâng cao tinh thần trách nhiệm vì sự nghiệp chung; vượt qua khó khăn, thống nhất chỉ đạo từ trên xuống dưới, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đẩy nhanh tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản, thực hiện các chương trình MTQG...

Ông cũng biểu dương các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn và thị xã Sa Pa đã cố gắng để đạt được kết quả cao với tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước (19,7%) và của tỉnh Lào Cai (28,3%). Đồng thời thẳng thắn phê bình một số cơ quan, đơn vị, địa phương không thực hiện giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình của toàn quốc.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.. (Ảnh: CTTĐT)

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nắm bắt chắc tình hình thực tế; mới chỉ nêu các khó khăn, vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, hoạt động mà chưa đưa ra được các giải pháp tháo gỡ, giải quyết vấn đề. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Công tác hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình, dự án của một số sở, ban, ngành tỉnh còn lòng vòng, chậm trễ gây khó khăn cho cơ sở trong triển khai thực hiện.

Ông đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công. Trong tháng 6 và trước ngày 15/7/2023, các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, thành phố Lào Cai giải ngân thêm 20%; các huyện Bắc Hà, Bát Xát phải giải ngân tối thiểu 15% nữa; huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, thị xã Sa Pa giải ngân thêm trên 10%. Bắt đầu từ ngày 15/7/2023 duy trì tốc độ giải ngân trên 10% để đến cuối năm đạt kế hoạch giao.

Đối với các chương trình MTQG có công trình xây dựng cơ bản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện và hết sức lưu ý hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng về bảo trì công trình. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động trước khi giao danh mục thêm để hoàn thiện các thủ tục; đẩy nhanh triển khai thực hiện việc mua sắm tài sản y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề; đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy khi xây dựng các công trình dự án trên địa bàn tỉnh…/.

PV (T/h)