Làn sóng "thần tượng ảo" Trung Quốc: Giải pháp khi “người thật” gặp bê bối

21:51 04/10/2021

“Bạn nghĩ rằng nhân vật ảo không cần làm việc phải không”, Ayayi, thần tượng ảo đầu tiên của Trung Quốc được tạo ra bởi Ranmai Technology chia sẻ trong một bài đăng gần đây trên nền tảng Xiaohongshu. KOL ảo hiện đã gia nhập tập đoàn Alibaba dưới nhiều tư cách và kết hợp danh tính khách nhau: Một nghệ sĩ NFT, một người phụ trách mảng kỹ thuật số,... Nhiệm vụ đầu tiên của Ayayi là phát hành bánh trung thu NFT cho dịp lễ năm nay vào ngày siêu thương hiệu Tmall.

Thần tượng ảo Ayayi
Thần tượng ảo Ayayi. (Ảnh: Weibo)

Ayayi, nhân vật được ra đời vào tháng 5 năm 2021 hiện là một trong nhiều minh tinh ảo có tầm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thần tượng của đất nước tỉ dân. Khi thần tượng tiếp tục là chiến lược tiếp thị quan trọng để thúc đẩy doanh số bán hàng của công ty ở Trung Quốc, các công ty địa phương đang thử nghiệm các KOL được tạo bằng kỹ thuật số. Những người có ảnh hưởng này đưa ra giải pháp thay thế an toàn hơn cho các ngôi sao người thật như Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn, Triệu Vy hay Hoàng Húc Hi Lucas, tất cả đều vướng vào các vụ bê bối chấn động.

Thần tượng ảo là những nhân vật do AI phát triển hoàn toàn, có hình dáng gần giống với con người nhưng được hỗ trợ bởi công nghệ hoạt hình tiên tiến. Nhân vật thực hiện các biểu cảm khuôn mặt và chuyển động cơ thể thực tế và bắt chước các hành động của một người thật. Kể từ đầu năm 2021, một số công ty Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn cho công nghệ này. “Gã khổng lồ” làm đẹp có trụ sở tại Hàng Châu, Florasis đã phát hành đại sứ AI cùng tên; nhãn hiệu chăm sóc tóc trong nước Centaine công bố KOL ảo là người phát ngôn thương hiệu của mình và nhà sản xuất trang sức Trung Quốc IDO đã tạo ra thần tượng kỹ thuật số Beco.

Thần tượng ảo lớn nhất Trung Quốc: Luo Tianyi

Trong chín năm kể từ khi được “sinh ra”, ca sĩ ảo Luo Tianyi đã trở thành một “ngôi sao” không thua kém người thật. Năm 2019, cô đã tổ chức buổi hòa nhạc với nghệ sĩ piano hàng đầu của Trung Quốc, Lang Lang. Sự kiện đã thành công rực rỡ, thu hút hàng nghìn cổ động viên đến với nhà thi đấu. Người hâm mộ của Luo đã viết bài hát, sáng tác nhạc và vẽ minh họa. Những sáng tạo này đã cung cấp nội dung và giúp cô phát triển tính cách do người sáng tạo kiểm soát. So với các ngôi sao ngoài đời thực, các thần tượng ảo lớn lên trên UGC (nội dung do người dùng tạo ra).

“Một lợi thế rõ ràng của những người nổi tiếng ảo là hình ảnh của họ có thể kiểm soát được”, Aslada Gu, giám đốc sản phẩm & đổi mới tại Gusto Luxe, công ty đang giúp cung cấp các giải pháp tiếp thị sáng tạo cho các thương hiệu, cho biết. Không cần bàn cãi, những vụ bê bối và hành vi xấu là những vấn đề nghiêm trọng và trong bối cảnh người thật chịu những hạn chế nhất định, các kịch bản ứng dụng thần tượng ảo có tiền đề phát triển rộng rãi hơn. Gu nhận thấy rằng “một người phát ngôn ảo có thể hiện diện 24/7 trên nhiều trang web, tương tác trực tiếp không cần nghỉ ngơi”.

Tại sao các thương hiệu nên áp dụng thần tượng ảo?

Nếu xét đến môi trường kỹ thuật số mà chúng ta đang sống bao gồm 5G, AI, Blockchain và NFT có thể thấy sự gia tăng của những người có tầm ảnh hưởng ảo không phải là ngẫu nhiên. Theo iiMedia Research, 80% cư dân mạng chi khoảng 155 đô la (1.000 nhân dân tệ) mỗi tháng cho thần tượng ảo và 37,6% bày tỏ họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để ủng hộ thần tượng ảo. Do đó, các thương hiệu nên chủ động tìm hiểu cơ hội này.

Hơn nữa, các thần tượng ảo lần đầu tiên được sản xuất trong thế giới hai chiều và có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này cũng như được yêu thích bởi gen Z, thể hệ quan tâm đến nội dung ACG (anime, truyện tranh, trò chơi). Gu chia sẻ thêm: “Thần tượng ảo là một xu hướng tất yếu, là một công cụ tiếp thị mà các thương hiệu cần bắt đầu chú ý đến nếu họ muốn xây dựng kết nối với thế hệ trẻ được số hóa cao”. Và khi ngành công nghiệp thần tượng ảo trải qua sự phát triển không ngừng, các nhà phân tích của công ty tư vấn iiMedia tin rằng giá trị thương mại của những người nổi tiếng kỹ thuật số sẽ liên tục tăng trưởng.

Năm ngoái, Luo Tianyi xuất hiện lần đầu tiên trên Taobao livestream, thu hút hơn 2,7 triệu người xem. Năm nay, cô đã được CCTV mời biểu diễn tại Gala Lễ hội mùa xuân, trở thành thần tượng ảo đầu tiên tham gia sự kiện được mong đợi nhất trong năm. Giờ đây, ca sĩ ảo hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng như Pechoin, Occitane, Clarins, v.v. Mặc dù những thần tượng này có thể không thay thế những người nổi tiếng thực sự nhưng một trong những lợi thế lớn nhất của họ là “có thể xử lý và chuyển đổi hàng nghìn, hàng triệu hành vi của người tiêu dùng thành dữ liệu trực tiếp”.

Làm thế nào để các thương hiệu có thể hợp tác với KOL ảo?

Cũng giống như những người có ảnh hưởng thật, các thương hiệu cần lựa chọn người cộng tác ảo một cách cẩn thận. Trước tiên, họ phải xem xét liệu nhân vật có phù hợp với hình ảnh của nhãn hàng hay không. Thứ hai, cần hiểu nội dung nào sẽ tạo được tiếng vang tốt nhất với những người theo dõi. Và cuối cùng, các thương hiệu nên chọn các nền tảng thích hợp nhất để quảng bá các sáng tạo. Có hai loại thần tượng ảo: loại "giải trí" tương tự như những người nổi tiếng (Luo Tianyi) hoặc KOLs thời trang, xuất hiện trên các tạp chí thời trang và được các thương hiệu cao cấp sử dụng làm người có ảnh hưởng (Ling và Ayayi) .

Mặc dù công nghệ ban đầu hiện nay khá đắt đỏ, nhưng sự phát triển và sử dụng rộng rãi có nghĩa là chi phí cuối cùng sẽ được đền đáp kịp thời. Trong tương lai, chúng ta cũng có thể thấy dịch vụ khách hàng ảo, các chương trình phát sóng trực tiếp 24 giờ được tổ chức ảo và hơn thế nữa. Ngày nay, các thương hiệu toàn cầu như Dior, L’Oréal và Florasis đã phát triển các thần tượng ảo nội bộ. Ví dụ, Mr. Ou của L'Oréal là một nhân vật được sáng tạo bởi công ty: một doanh nhân làm đẹp 24 tuổi người Pháp gốc Hoa đặc biệt quan tâm đến tính bền vững.

Nhưng việc lựa chọn các sản phẩm thích hợp nhất để phù hợp với hình ảnh của một người có ảnh hưởng ảo vẫn là điều mà các thương hiệu cần phải đánh giá. Hơn nữa, cách cư xử không hợp lý của cộng đồng người hâm mộ có gây nguy cơ tiềm ẩn cho những thần tượng ảo chẳng khác gì người thật. Do đó, Gu nhắc nhở rằng các thương hiệu sử dụng những người có ảnh hưởng ảo vẫn nên để mắt đến các cuộc đàn áp của chính phủ đối với các thần tượng ngoài đời thực. Tuy nhiên, nguy cơ lớn hơn là khi các thương hiệu không đổi mới và không đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng gen Z.

TL