Lạm phát ở Anh đạt kỷ lục 40 năm, cao nhất trong nhóm G7

16:35 22/06/2022

Giá lương thực tăng vọt đã đẩy lạm phát giá tiêu dùng của Anh lên mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng trước, mức cao nhất trong nhóm G7 và nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.

Chợ Borough của London nổi tiếng với trái cây tươi và rau (ảnh: Meibion)
nổi tiếng với trái cây tươi và rau (ảnh: Meibion). 

Chỉ số lạm phát đã tăng từ mức 9,0% vào tháng 4, phù hợp với sự đồng thuận của cuộc thăm dò ý kiến ​​của các nhà kinh tế học, sau khi chứng kiến giá dầu duy trì ở mức cao và lạm phát Mỹ cũng đạt đỉnh trong hơn 42 năm. Hồ sơ lịch sử từ Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy, lạm phát của tháng 5/2022 là cao nhất kể từ tháng 3 năm 1982 - và có khả năng sẽ còn trở nên tồi tệ hơn.

Đồng bảng Anh, một trong những đồng tiền có chỉ số sức mạnh kém nhất so với đô la Mỹ trong năm nay, đã giảm xuống dưới 1,22 đô la, giảm 0,6% trong ngày. Một số nhà đầu tư đánh giá Anh có nguy cơ lạm phát cao và suy thoái liên tục, phản ánh hóa đơn năng lượng nhập khẩu lớn và những rắc rối Brexit có thể làm tổn hại thêm quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu.

Jack Leslie, nhà kinh tế cấp cao của Resolution Foundation, Anh, cho biết: “Với triển vọng kinh tế không rõ ràng, không ai biết lạm phát có thể tăng cao như thế nào, và nó sẽ tiếp tục trong bao lâu - việc đưa ra các đánh giá về chính sách tài khóa và tiền tệ là đặc biệt khó khăn”. Trước đó, tổ chức này cho biết ảnh hưởng về chi phí sinh hoạt đối với các hộ gia đình đã gia tăng thêm áp lực bởi Brexit, vốn đã khiến Anh trở thành một nền kinh tế khép kín hơn, với những tác hại lâu dài đối với năng suất và tiền lương.

Tỷ lệ lạm phát chính của Anh trong tháng 5 cao hơn ở Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Ý. Trong khi Nhật Bản và Canada vẫn chưa báo cáo dữ liệu giá tiêu dùng cho tháng 5, với lạm phát dự báo sẽ không cao gần mức như ở Anh. Ngân hàng Trung ương Anh tuần trước cho biết lạm phát có khả năng sẽ duy trì trên 9% trong những tháng tới trước khi đạt đỉnh ở mức trên 11% một chút vào tháng 10, khi hóa đơn năng lượng hộ gia đình được quy định sẽ tăng trở lại. 

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết chính phủ Anh đang làm tất cả những gì có thể để chống lại sự gia tăng trong giá cả sinh hoạt của các hộ gia đình. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng 8,7% tính theo năm trong tháng 5 - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3 năm 2009 và khiến danh mục này trở thành động lực lớn nhất của lạm phát hàng năm trong tháng trước. Giá tiêu dùng tổng thể đã tăng 0,7% tính theo tháng trong tháng 5, cao hơn một chút so với mức dự đoán 0,6%.

Giá bán tại nhà máy của Anh - yếu tố quyết định chính đến mức giá mà người tiêu dùng trả sau đó tại các cửa hàng - vào tháng 5 cao hơn 22,1% so với một năm trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ khi kỷ lục này được lập vào năm 1985. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy một phần tư người Anh đã bỏ bữa vì áp lực lạm phát và khủng hoảng lương thực ảnh hưởng đến điều mà Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Andrew Bailey, gọi là viễn cảnh “ngày tận thế” đối với người tiêu dùng.

Các nhà kinh tế cũng đã đánh dấu các dấu hiệu của việc thắt chặt điều kiện thị trường lao động và lạm phát đang chuyển áp lực sang nền kinh tế rộng lớn hơn. Vương quốc Anh hiện đang bận tâm với các cuộc đình công đường sắt quốc gia lớn, và nhà kinh tế đoạt giải Nobel Christopher Pissarides đã phát biểu trong tuần rằng thị trường lao động Anh hiện đang “tồi tệ hơn những năm 1970”.

Nguyễn Dũng