Chùa Phúc Lâm nét đẹp tâm linh có từ lâu đời

13:07 17/09/2021

Lâm Bình là một huyện miền núi với tiềm năng khu khu sinh thái có nhiều quang cảnh đẹp khổng chỉ vậy nơi đây còn gìn giữ được một ngôi chua mang tên Chùa Phúc Lâm nằm ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang hiện còn bảo lưu nhiều giá trị di sản văn hoá độc đáo được Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích quốc gia.

Nhiều người dân nơi dây thường gọi với cái tên Phúc Lâm Cổ Tự nó mang một hàm ý sâu xa là ban phúc lành cho núi rừng vị trí trên một gò đất cao, rộng và bằng phẳng, quay theo hướng Tây Nam nhìn ra cánh đồng bản Nà Tông. Phía xa hơn nữa là những dãy núi Thượng Lâm trùng điệp, mây trắng bao phủ quanh năm. Trải qua bao thế hệ, những người cao niên tại Thượng Lâm thường kể cho con cháu về truyền thuyết phượng hoàng về làm tổ trên vùng đất mình sinh sống. Theo truyền thuyết kể rằng, vùng đất này là nơi giao hòa giữa trời và đất, địa khí phong thủy, hữu tình. Vào một ngày kia người dân trong vùng chợt nhìn thấy một đàn phượng hoàng bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi để làm tổ. Nhưng chỉ có 99 ngọn núi đủ để 99 con đậu, còn một con bay lượn đi, lượn lại không tìm thấy chỗ đậu bèn vỗ cánh bay đi. 

  Chùa Phúc Lâm mang một hàm ý sâu xa là ban phúc lành cho núi rừng.

Tại chùa Phúc Lâm đã phát hiện tổ hợp các mảnh tháp đất nung gồm: mái tháp, thân tháp, đế tháp và các mảng phù điêu trang trí kiến trúc với các chủ đề như: rồng, chim phượng hoàng, mảnh tháp có trang trí hình cánh sen cách điệu ở đế tháp. Các mảng phù điêu hình rồng mang đặc trưng tranh rồng thời Trần như: bờm chải ngược uốn cong hướng lên trên đỉnh đầu, mắt mở to, chân có 3 móng vuốt... các hiện vật được tạo dáng hình khoẻ khoắn, đường nét điêu khắc rõ ràng.

Các pho tượng ở đây mang nhiều nét đặc trưng của cư dân văn hoá vùng cao. Theo các nhà khảo cổ thì các pho tượng này có niên đại khoảng thế kỷ XIV, là một trong số ít tượng thờ ở vùng núi phía Bắc có niên đại sớm. Tượng được làm bằng gỗ, để mộc không sơn son thiếp vàng. Tượng có khuôn mặt nữ, đầu búi tóc trên đỉnh, phía dưới của tượng đã bị hư hại nhiều. Giữa gian tiền đường là nơi đặt hương án, phía sau nhang án là phật điện (Toà Tam bảo). Toà Tam bảo của chùa Phúc Lâm có bốn lớp tượng phật, bệ được làm theo kiểu giật cấp, các pho tượng đều được làm bằng gỗ, để mộc ở tư thế ngồi thiền trên toà sen; các pho tượng mang nhiều nét văn hoá của cư dân vùng cao; tượng không được chạm khắc trau chuốt, các đường nét không mềm mại nhưng rất có hồn, dáng vẻ tự nhiên (giống như tượng tạc ở nhà mồ của các đồng bào Tây Nguyên).

Năm 2009, Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch đã xếp hạng chùa Phúc Lâm là Di tích quốc gia. Đây là niềm tự hào và cũng đặt ra cho chính quyền và nhân dân địa phương trách nhiệm trong việc gìn gữi và bảo tồn di tích văn hoá cấp Quốc gia đối với chùa Phúc Lâm. Năm 2012, UBND huyện Lâm Bình đã triển khai thực hiện dự án công trình tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị truyền thống chùa Phúc Lâm. Theo đó, chùa được dựng bằng gỗ ở chính vị trí chính giữa toà Tam bảo của ngôi chùa xưa, kiến trúc hình chữ Nhất theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam. Việc tồn tại ngôi chùa Phúc Lâm qua nhiều thế kỷ, chứng tỏ rằng, dưới triều đại nhà Trần, kinh tế, văn hoá ở mảnh đất này đã rất phát triển và đã có sự giao thoa về phương diện văn hóa giữa đồng bào dân tộc Tày miền núi với các địa phương khác trong cả nước.

Theo thông tin từ ông Hoàng Văn Thức - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình chia sẻ thì: Có thể thấy, những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của đình chùa Phúc Lâm là một nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc. Do đó, kế hoạch xây dựng chuỗi du lịch tâm linh trên địa bàn xã Thượng Lâm và huyện Lâm Bình gắn với di tích chùa Phúc Lâm cho thấy nhiều triển vọng và mang tính khả thi.

Vũ Văn Tiến