Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp tới 12%/năm: Hấp dẫn nhưng nên cẩn trọng

12:28 10/03/2021

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp. Hiện lãi suất huy động vốn của trái phiếu doanh nghiệp gấp đôi lãi suất ngân hàng.

Thời điểm này, bằng lãi suất huy động tiền đồng (VND) tại các ngân hàng không có nhiều biến động mạnh trong các tháng đầu năm. Vietcombank đang là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, ở mức 3,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Còn các ngân hàng HDB, IVB có lãi suất cao tương ứng 6,9%/năm ở kỳ hạn 12 tháng.

Đáng chú ý, trái phiếu đang được các doanh nghiệp phát hành trả lãi suất rất cao. Đơn cử như trái phiếu doanh nghiệp của Công ty CP Thủy điện Nậm Pung được tính lãi suất tới 12%/năm. Trái phiếu doanh nghiệp của Công ty sản xuất thép Úc SSE trong kỳ tính lãi đầu năm 2021 cũng được tính lãi suất lên tới 11,5%/năm.

đang có lãi suất huy động trái phiếu cao tới 11,5%
Công ty sản xuất thép Úc SSE đang có lãi suất huy động trái phiếu cao tới 11,5%.

Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã và đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp. Việc này đồng nghĩa sự dịch chuyển vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu hướng tới mục tiêu phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng.

Những năm qua, thị trường trái phiếu nói chung và TPDN nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, giai đoạn 2012 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường TPDN đạt 40%/năm, quy mô thị trường tăng từ 4,11% GDP năm 2011, lên 9,01% GDP vào cuối năm 2018, đến cuối năm 2019 đạt khoảng 10,86% GDP.

Trước sự tăng trưởng và phát triển nhanh của thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách và quản lý giám sát để hạn chế, giảm thiểu những rủi ro cho thị trường.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ; tuân thủ quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu; sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu gắn với mục đích phát hành; không vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành với nhiều mã trái phiếu; có biện pháp để thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết với nhà đầu tư, bao gồm cam kết về mua lại trái phiếu trước hạn.

Đối với nhà đầu tư TPDN, cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu. Trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành); mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh: Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.

Hà Linh