Kỷ nguyên mới của báo chí: Covid-19 đang làm thay đổi ngành công nghiệp tin tức toàn cầu như thế nào?

12:00 14/06/2021

Sự bất ổn gây ra bởi COVID-19 đã có tác động kép đối với báo chí toàn thế giới: không chỉ đưa ra một loạt thách thức cho các nhà báo mà còn gây ra một số vấn đề như xâm phạm quyền tự do báo chí, mô hình kinh doanh chùn bước của ngành công nghiệp tin tức, sự xói mòn niềm tin vào báo chí và chống lại tin tức giả. Ngay cả với các chương trình tiêm chủng đang được triển khai, COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, cũng như trong công việc mà các nhà báo đã và đang làm trong thời gian dài sắp tới.

Covid-19 đang làm thay đổi ngành công nghiệp tin tức toàn cầu

Covid-19 đang làm thay đổi ngành công nghiệp tin tức toàn cầu.

Các giới hạn mới đối với quyền tự do truyền thông

Có những lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm hạn chế đi quyền tự do truyền thông trên khắp thế giới. Điều này diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm hạn chế quyền truy cập thông tin, tấn công nhà báo, chính phủ đóng cửa các phương tiện thông tin và luật mới hạn chế quyền tự do báo chí.

Ashfaq Khalfan, Giám đốc Pháp luật và Chính sách của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Các hạn chế quyền tự do báo chí đang trở nên đáng báo động khi có nhiều Chính phủ quan tâm đến việc bảo vệ danh tiếng của chính họ hơn là xử lý đại dịch”. Viện Báo chí Quốc tế (IPI) có trụ sở tại Áo nhận xét: “Một mặt, các quy định này xuất phát từ mong muốn chống lại các nguồn tin giả làm ảnh hưởng đến xã hội nhưng điều này đồng nghĩa với việc các báo cáo phê bình và chỉ trích cách xử lý đại dịch có thể bị che giấu”. RSF (Tổ chức phóng viên không biên giới) lập luận rằng “Các quy định này sẽ gây ra thảm họa cho sự  tự do báo chí”. Bên cạnh sự cố gắng để đẩy lùi các nguồn tin giả gây hoang mang dư luận về dịch Covid-19, một rủi ro khác cho ngành báo chí là các chủ đề về đại địch sẽ bắt buộc phải tuân theo một quy chuẩn và khuôn khổ nhất định.

Những cân nhắc này không phải là mới, nhưng cuộc khủng hoảng có thể đã thúc đẩy những nỗ lực kiểm soát nguồn tin tức. Trung tâm Dữ liệu Truyền thông và Xã hội tại Đại học Trung Âu đã chia sẻ cách các phương tiện truyền thông độc lập bị cấm tham dự các cuộc họp báo của chính phủ ở các nước như Nicaragua và Philippines. Tại Philippines, Meera Selva tại Viện Nghiên cứu báo chí Reuters kể lại: “Văn phòng Tổng thống đã cấm tất cả các nhà báo không có thẻ nhận dạng do văn phòng truyền thông cấp. Một số tổ chức truyền thông đã đăng ký, nhưng hệ thống không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu nên chỉ có số ít thẻ được cấp và chỉ áp dụng cho các phóng viên cá nhân”. Ở những nơi khác, có những lo ngại về quyền truy cập vào dữ liệu về số ca tử vong do mắc Covid-19.

cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm hạn chế đi quyền tự do truyền thông trên khắp thế giới
cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm hạn chế đi quyền tự do truyền thông trên khắp thế giới.

Niềm tin vào truyền thông

Nghề báo phải đối mặt với vô vàn thách thức tồn tại vượt xa những thách thức ngắn hạn trong việc điều hướng cuộc khủng hoảng COVID, bao gồm giải quyết các vấn đề về lòng tin của công chúng đối với các nhà báo, vốn là người đại diện cho các quan điểm trong xã hội. Vào năm 2019, Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos đã thực hiện cuộc nghiên cứu từ 27 thị trường khác nhau về mức độ tín nhiệm đối với các phương tiện truyền thông. Ipsos đã thống kê 2 lý do chính dẫn đến suy giảm niềm tin truyền thông, một là sự phổ biến tràn lan của tin tức giả mạo và hai là nghi ngờ về mục tiêu đằng sau những nguồn tin trên truyền thông.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, nghiên cứu do YouGov công bố cho thấy rằng, trên 26 quốc gia khác nhau, niềm tin vào các phương tiện truyền thông có xu hướng chiếm từ 50% đến 70% dân số. Chỉ có 4 quốc gia có số điểm truyền thông cao hơn là Việt Nam (89%), Malaysia (82%), Singapore (75%) và Philippines (72%). Ở hầu hết các quốc gia được YouGov thăm dò ý kiến, giới truyền thông có xu hướng xếp sau chính phủ về sự tin tưởng đối với các vấn đề COVID-19.

Zacc Ritter -  nhà nghiên cứu cấp cao và quản lý dự án tại Gallup cảnh báo:“Sự tin tưởng vào các nhà báo rất phức tạp. Mức độ tin cậy cao có thể có nghĩa là giới truyền thông và các nhà báo đang làm tốt công việc của họ hoặc Chính phủ đang kiểm soát tốt nguồn tin”.

Số khác cho rằng, ở một số quốc gia, việc thiếu các phương tiện truyền thông độc lập cùng với các mô hình sở hữu phương tiện truyền thông kém hiệu quả đã gây tổn hại đến uy tín của báo chí.

Nhiều luật khác nhau đã được ban hành nhằm hạn chế báo chí thực hiện nhiệm vụ một cách tự do và minh bạch. Các nhà báo phải lựa chọn hoặc báo cáo theo định hướng của chính phủ, dẫn đến sự thiếu tin tưởng của công chúng hoặc bị cấm cung cấp thông tin.

Ở một quốc gia thuộc thế giới như Zambia, 90% các nhà truyền thông đều là sở hữu, tài trợ hoặc kiểm soát bởi các đảng chính trị. Phần lớn nhà báo sống bằng đồng lương ít ỏi và hầu hết được chỉ định xuất bản theo yêu cầu của các cơ quản lý. Điều này đã làm mất đi nhiều nhà báo chuyên nghiệp, chính trực và quan trọng nhất là lòng tin của công chúng.

Hiện nay, việc chống lại tin tức giả và dịch bệnh đang trở nên khá khó khăn đối với nhiều quốc gia. Một phần là do các chính phủ không kiểm soát được các nền tảng truyền thông xã hội, nơi mà tin tức giả được chia sẻ tràn lan và cũng đồng thời là nơi hạn chế ảnh hưởng của các công cụ thực thi pháp luật. Do đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ và những gã khổng lồ công nghệ để thành công trong việc giảm sự lan truyền thông tin sai lệch qua mạng xã hội.

Từ năm 2019 đến năm 2020, Malawi đã chứng kiến lượng tin tức giả mạo tăng cao do các cuộc bầu cử mới và đại dịch COVID-19. Trong các cuộc bầu cử, các ứng cử viên, đảng phái chính trị và các nhóm lợi ích đã tạo ra nhiều tin tức giả cố gắng thu hút cử tri. Đại dịch tạo ra nhiều tin tức giả hơn, có nhiều lỗ hổng thông tin liên quan đến nguồn gốc, triệu chứng và cách điều trị. Có nhiều chuyên gia cho rằng cách quản trị tồi tệ có thể tạo động lực cho việc lan truyền tin tức giả mạo, khiến người dân mất lòng tin vào cả chính phủ. Sự thiếu tin tưởng vào chính phủ và giới lãnh đạo chính trị đã góp phần vào việc lan truyền tin tức giả mạo. Cuối cùng, người Malawi đã phải trả giá khi số liệu lây nhiễm gia tăng đáng kể sau cuộc bầu cử. Niềm tin vào chính phủ chỉ trở lại sau khi một chính phủ mới được bầu lên cầm quyền, do Lazarus Chakwera và Saulos Chilima, thuộc Đảng Liên minh Tonse lãnh đạo bắt đầu xem xét các thông điệp COVID-19 một cách nghiêm túc và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Đây là một ví dụ điển hình liên quan đến nguy hại của tin tức giả.

Khó khăn nối tiếp khó khăn

COVID-19 đã ảnh hưởng đến nguồn tài chính của báo chí. Doanh thu giảm, đặc biệt là thu nhập từ quảng cáo, đã gây ra tình trạng đóng cửa một số hãng tin tức, cũng như mất việc làm, cắt giảm lương của nhà báo. Có một điều trớ trêu ở đây là sự sụp đổ tự do tài chính này xảy ra vào thời điểm trong giai đoạn đầu của đại dịch - thời điểm mà nhiều hãng tin tức và nền tảng truyền thông đã có được lượng truy cập kỷ lục. Tuy nhiên, mức tiêu thụ này không đủ để bù đắp sự sụt giảm doanh thu chủ yếu do quảng cáo đột ngột suy giảm. Một số nhà bình luận ban đầu dự đoán rằng đại dịch có thể gây ra “sự tàn phá” cho ngành truyền thông trên toàn thế giới. Những nỗi sợ hãi này bây giờ có vẻ hơi bị thổi phồng. Tuy nhiên, dù kết quả thế nào, rõ ràng ngành công nghiệp tin tức trong thời kì đại dịch sẽ trông rất khác so những gì mà ngành công nghiệp đã trải qua.

Kết quả khảo sát do Tổ chức Báo chí Hàn Quốc (KPF) công bố ngày 25/11 cho biết, khoảng 84% các tờ báo và tạp chí ở nước này gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính khi doanh thu giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Theo khảo sát, 33,4% số tờ báo và tạp chí Hàn Quốc thừa nhận cuộc khủng hoảng này là 'rất nghiêm trọng', trong khi 50,8% trả lời là 'hơi nghiêm trọng'. Chỉ 13,3% số tờ báo được hỏi đánh giá là 'không quá nghiêm trọng', trong khi chỉ 2,5% - hầu hết được xác định là tạp chí phi lợi nhuận trả lời 'không nghiêm trọng chút nào'. Trong số các báo tham gia cuộc khảo sát, khoảng 70% báo cho biết doanh thu từ quảng cáo trong năm 2020 giảm so với nửa đầu năm 2019. 81,2% số nhật báo cho biết doanh số bán báo giảm so với năm 2019 trong khi 62,4% số tạp chí dự tính doanh thu sẽ giảm trong năm 2020.

Không chỉ dừng ở ảnh hưởng trong tài chính, đại dịch còn ảnh hưởng nặng nề đến sự an toàn của các nhà báo, điều mà ít người biết đến. Chiến dịch Biểu tượng Báo chí (PEC) có trụ sở tại Geneva đã cảnh báo: “Các nhà báo đang phải gánh chịu rủi ro lớn trong cuộc khủng hoảng sức khỏe này vì họ phải tiếp tục đưa tin ở bệnh viện, phỏng vấn các bác sĩ, y tá, các nhà lãnh đạo chính trị, chuyên gia, nhà khoa học, bệnh nhân”. Đến ngày 15 tháng 11 năm 2020, theo dữ liệu của PEC, ít nhất 462 nhà báo tử vong vì COVID-19 ở 56 quốc gia. Trong số này, có thể thấy số lượng nhà báo thiệt mạng bởi vi rút corona cao nhất ở Peru, với 93 trường hợp phóng viên tử vong. Hugo Coya, cựu Chủ tịch viện phát thanh và truyền hình công cộng của Peru phản ánh rằng “các nhà báo được kỳ vọng là lực lượng tiền tuyến nhưng họ không được đào tạo cách tự bảo vệ mình khỏi các điểm lây lan”. Dữ liệu của PEC cho thấy bức tranh này có thể được nhìn thấy ở nhiều quốc gia, COVID đã lấy đi mạng sống của các nhà báo trên toàn cầu, bao gồm Ấn Độ (47 người chết), Ecuador (41 người) và Brazil (36 người). Tại Bangladesh, hơn 1.000 nhà báo từ gần 200 công ty truyền thông đã dương tính với COVID-19.

Sự bất ổn gây ra bởi COVID-19 đã có tác động kép đối với báo chí: không chỉ đưa ra một loạt thách thức cho các nhà báo mà còn đẩy nhanh một số vấn đề như xâm phạm quyền tự do báo chí, mô hình kinh doanh chùn bước của ngành công nghiệp tin tức, sự xói mòn niềm tin vào báo chí và chống lại tin tức giả. Các luật cấm 'tin tức giả' có thể được sử dụng làm công cụ hỗ trợ các cuộc đàn áp của chính phủ đối với quyền tự do truyền thông và đưa tin. Đại dịch đã đưa ra lý do để nhiều quốc gia đưa ra các loại luật này hơn, thắt chặt các hạn chế hiện tại hoặc đình chỉ các luật hiện hành. Ngay cả khi những phát triển này được lùi lại, báo chí và ngành công nghiệp tin tức cũng khó có thể trở lại trạng thái trước đại dịch. Khó có thể biết tác động lâu dài của COVID sẽ như thế nào đối với báo chí, ngành công nghiệp tin tức hoặc toàn bộ thế giới của chúng ta. Tuy nhiên, tác động của cuộc khủng hoảng COVID là rất đáng kể. Ngay cả với các chương trình tiêm chủng đang được triển khai, COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, cũng như trong công việc mà các nhà báo đã và đang làm trong thời gian dài sắp tới.

Giải pháp nào đã được đưa ra?

Nhằm giải quyết các vấn đề tài chính, một loạt các quỹ, tổ chức phi chính phủ và nền tảng đã có những động thái hỗ trợ đội ngũ phóng viên, nhà báo, những người làm nội dung nói riêng và giới báo chí nói chung. Bên cạnh đó, số lượng đăng kí theo dõi trang báo, bài viết, thành lập các quỹ ủng hộ và phí đăng kí thành viên của bạn đọc ngày càng tăng cao, thể hiện tinh thần chung tay chung sức với báo chí thời kỳ đại dịch. Dưới đây là một số nỗ lực từ nhiều quốc gia và tổ chức trên toàn cầu:

Internews Network, hiện là Internews, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế lâu đời đã khởi động quỹ Rapid Response Fund nhằm ủng hộ cho hơn 80 cơ quan truyền thông địa phương và cá nhân trên khắp 40 quốc gia, đảm bảo vận hành trơn tru mạng lưới chia sẻ thông tin y tế chính xác và khách quan đến người dân.

Trung tâm Báo chí châu Âu (EJC) và Dự án Báo chí của Facebook (FJP) phát động quỹ 3 triệu đô la Mỹ hỗ trợ cộng đồng, địa phương cùng các tổ chức đưa tin tại khu vực đồng Euro, đóng góp một nguồn tài nguyên trong bối cảnh suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19. Quỹ này là một phần trong chương trình lớn trị giá 25 triệu đô la Mỹ cũng được tổ chức bởi FJP.

Cuối tháng 7, tổng cộng 39,5 triệu đô la Mỹ nguồn tài trợ đã đến tay hơn 5600 nhà xuất bản trên khắp 115 quốc gia thông qua Google News Intiative Journalism Emergency Relief Fund (JERF) nhằm mục đích giúp đỡ cộng đồng địa phương sản xuất các tác phẩm báo chí khi phải tác nghiệp trong đại dịch, đặc biệt là tại các khu vực dễ bị tổn thương.

những nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo đưa tin là một phần quan trọng không thể thiếu trong công cuộc khống chế đại dịch.
Những nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo đưa tin là một phần quan trọng không thể thiếu trong công cuộc khống chế đại dịch.

Tuy rằng thế giới vẫn luôn sát cánh và đồng hành cùng báo chí nhưng rõ ràng những nỗ lực trên là chưa đủ. Các quỹ thường xuyên gặp tình trạng quá tải các đơn xin hỗ trợ bởi đảm bảo nguồn tài chính là điều thiết yếu trong tình hình hiện tại. Rieneke Van Santen, cố vấn truyền thông toàn cầu kiêm nhà báo tự do chia sẻ: “Suy nghĩ ngành công nghiệp này có thể tự chữa lành trong tương lai gần là điều hoàn toàn sai lầm. Chính phủ các nước cần những bước tiến và cam kết ủng hộ truyền thông nếu muốn cứu vãn ngành báo. Thông tin và đội ngũ phóng viên, nhà báo là cứu cánh của xã hội trong bối cảnh COVID-19 đã và đang phát triển phức tạp”.

Cùng với đó, nhóm các mối quan hệ đối tác giữa báo chí và các công ty công nghệ cũng được tăng cường. Chẳng hạn như Facebook triển khai Fast-Checking Programme gồm hơn 60 sự kiện, tổ chức độc lập có chức năng kiểm tra tính xác thực của thông tin về vi rút Corona bằng hơn 50 ngôn ngữ trên mạng xã hội. Ngoài ra có tổng cộng 26 dự án khác đã được hỗ trợ ở Ý, Tây Ban Nha, Bosnia & Herzegovina, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Montenegro, Lithuania, Brazil, Colombla, Mexico, Ấn Độ, Cộng hòa Dân chủ Congo, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Indonesia, Canada, Jordan, Kenya, Đài Loan và Ukraine. Về phía Google, gã khổng lồ tìm kiếm đang cung cấp 6,5 triệu đô la tài trợ cho nhóm nhân lực đảm nhiệm kiểm tra thực tế và tổ chức phi lợi nhuận chống lại thông tin sai lệch. Google cũng cam kết đào tạo 1.000 nhà báo trên khắp Ấn Độ và Nigeria trong việc phát hiện các thông tin sai lệch về sức khỏe. Trung tâm Câu hỏi của Google được triển khai nhằm giải đáp các mối quan tâm về COVID-19.

Bản chất và quy mô chưa từng có của COVID-19 đã vượt qua quy chuẩn cũng như phạm vi của nhiều ngành nghề. Để có thể nhanh chóng vượt qua khủng hoảng và thích nghi với môi trường mới, không chỉ liên tục phát triển, làm mới nội dung thông qua áp dụng công nghệ mà báo chí còn cần lắm những cánh tay góp sức của thế giới. Chính phủ, chủ sở hữu phương tiện truyền thông và các bên liên quan đều có trách nhiệm chia sẻ khó khăn và trợ giúp báo chí. Trước mắt chính phủ các nước cần phổ biến tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông trong giải quyết nhu cầu thông tin rộng rãi và chính xác. Kế đến, xem xét các biện pháp kích thích đa ngành đa lĩnh vực phục hồi kinh tế, có sự quan tâm đúng đắn hỗ trợ tài chính báo chí trong thời điểm then chốt. Bởi những nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo đưa tin là một phần quan trọng không thể thiếu trong công cuộc khống chế đại dịch.

Bảo Trinh – Thu Lê ( Lược dịch từ Báo cáo “Tác động của COVID-19 đối với báo chí ở các nền kinh tế mới nổi” của Thomson Reuters Foundation, một tổ chức từ thiện của Thomson Reuters - công ty dịch vụ thông tin và tin tức toàn cầu)