KOLs bán hàng và giải pháp thu thuế từ doanh thu hàng chục tỷ USD

00:00 12/10/2020

Một thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của các giao thức kinh doanh. Đến hôm nay, khi nền tảng số trở nên phổ dụng và đại dịch COVID-19 “khắc sâu” hơn sự tổn thương vào các hình thức kinh doanh kiểu truyền thống, người ta càng cảm nhận mức độ ảnh hưởng, quy mô của lĩnh vực bán hàng online.

Trong đó, đội ngũ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) đang được sử dụng “hết công suất” để tạo ra doanh thu khổng lồ. Nhưng cũng từ đó, câu hỏi về quản lý mảng doanh thu này lại được đặt ra, song song với việc phát triển các mô hình KOLs bán hàng hiệu quả nhất. 

KOL Viya đã gây xôn xao dư luận khi bán 423 triệu USD hàng hóa chỉ trong 1 livestream

 

 Một KOL bán... 423 triệu USD háng hóa 1 đêm

Để cảm nhận rõ rệt ảnh hưởng của KOLs đến doanh số các thương hiệu, người ta có thể nhìn vào Trung Quốc – thị trường hơn 1 tỷ dân và có sức mua cao nhất thế giới. Ở đây, Alibaba – Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Trong một kế hoạch “bành trướng” quốc tế lớn chưa từng thấy, Alibaba đã quyết định xây dựng dự án thuê khoảng... 1 triệu KOLs người nước ngoài. Tham vọng của Alibaba là tạo ra một mô hình kết hợp giữa bán lẻ trực tuyến với mạng xã hội. Họ vốn đã đạt được thành công vang dội, tạo ra hàng tỷ USD doanh số trong nước. Và giờ đây, khi đã đạt đỉnh tại quốc nội, Jack Ma cùng các cộng sự của ông bắt đầu hướng tới các thị trường mới với tham vọng tái tạo thành công. 

Dĩ nhiên là Alibaba có thừa sự tự tin. Yuan Yuan (Giám đốc giải pháp của AliExpress –một công ty của Alibaba) nói: “Thương mại điện tử dựa trên công nghệ livestreaming đang giúp tạo dựng niềm tin”. Niềm tin ấy được xây dựng dựa trên sự tương tác giữa người mua và người bán – là các KOLs nổi tiếng. Từ sự tương tác đến niềm tin được xây dựng, người mua có thể dễ dàng “chốt” đơn hàng, dù họ chưa từng gặp người bán – các KOLs ngoài đời thực. Khi những người có ảnh hưởng này chia sẻ về cuộc sống hàng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội, họ tạo nên một mối quan hệ tình cảm gắn bó với người xem. Sự tin tưởng đạt đến mức, các “influencers” (người có ảnh hưởng) sẽ tạo ra ảnh hưởng tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng Trung Quốc, cụ thể như hướng dẫn họ mua gì, mua ở đâu. Từ ảnh hưởng này, theo thống kê của iiMedia Research, khoảng 433,8 tỷ nhân dân tệ (61,3 tỷ USD) hàng hóa được bán thông qua các buổi livestream tại Trung Quốc chỉ trong năm 2019. 

Nhìn vào thành công của mô hình KOLs bán hàng tại Trung Quốc, người ta cũng có thể dẫn chứng trường hợp của Huang Wei (thường được gọi thân mật là Viya). Theo Bloomberg, hồi tháng 4, Viya đã bán một tên lửa với giá 40 triệu NDT (5,6 triệu USD). Tháng 05/2020, cô thậm chí đạt kỷ lục khi có tới hơn 37 triệu người cùng xem một buổi livestream của mình. Mỗi tối, người xem livestream của Viya đều đặt mua khối lượng hàng hóa trị giá lên đến vài triệu USD, chủ yếu là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm sẵn hay quần áo nhưng thỉnh thoảng cô cũng bán được cả nhà và ôtô. Trong ngày hội mua sắm "Singles' Day" năm ngoái (ngày 11/11), Viya đã bán được tới 3 tỷ nhân dân tệ (423 triệu USD). Và Viya chỉ là KOLs bán hàng nổi bật nhất thuộc quyền quản lý của Qianxun Group.

KOL Viya đã gây xôn xao dư luận khi bán 423 triệu USD hàng hóa chỉ trong 1 livestream

Tập đoàn khổng lồ có trụ sở tại Quảng Châu này hiện có 500 nhân viên. Sự nổi tiếng của Viya giúp công ty tạo ra lượng sản phẩm tiêu thụ khổng lồ ở mọi lĩnh vực: Thực phẩm, đồ gia dụng, kính, mỹ phẩm, giày thể thao, ô tô và thậm chí là tên lửa vũ trụ. Mỗi buổi livestream bán hàng của Viya, Qianxun Group thậm chí phải huy động 40 nhân viên phục vụ mới kịp để ghi chép và xử lý các đơn đặt hàng. 

Năm 2018, Viya được xác định kiếm được 4,2 triệu USD chỉ từ việc livestream bán hàng – một con số khủng khiếp. Với hàng trăm KOLs hoạt động tại Trung Quốc như Viya, doanh thu họ tạo ra và số tiền cá nhân họ kiếm được bắt đầu được nhà chức trách quan tâm. Tuy nhiên, việc quản lý để thu thuế (doanh thu bán hàng và thu nhập cá nhân KOLs) là không hề đơn giản. Trong sự bùng nổ của hoạt động KOLs bán hàng, nhà chức trách Trung Quốc cũng đã phải tham khảo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia đi trước trong lĩnh vực này để áp dụng xử lý. 

Chẳng KOLs nào tự nguyện nộp thuế?

Vào một ngày đầu năm tại thành phố Strasbourg, Ma-rốc, hơn 100 người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs), những người có khả năng tác động mạnh mẽ đến chi tiêu của người tiêu dùng đã tập trung tại khách sạn Arabesque cao cấp, nơi có mức giá phòng lên tới 10.000 USD mỗi đêm. 

Họ băng qua sa mạc trên những con lạc đà được trang trí sặc sỡ, trên người họ là những sản phẩm đắt đỏ, lạ lẫm mà hầu hết chưa có ai sở hữu. Phần thú vị nhất của buổi tiệc là vào ban đêm, với tên gọi “Đêm Ả Rập”, dưới ánh nến lung linh, bữa tối được bày ra trên những đĩa nhỏ, bên cạnh nhiều ly cocktail mát dịu. Xung quanh là những chiếc lều được trang trí phủ đầy hoa hồng, nổi bật với nhiều màu sắc. Những vũ công Ma-rốc cầm trên tay cây gậy rực lửa và đội những khay bạc lớn trên đầu, đặt trên khay là ấm trà trong suốt chứa đầy son môi thương hiệu Clinique.

Những hình ảnh đầy cuốn hút này được lan truyền trên mạng xã hội như Facebook, Instagram và Youtube, nơi KOLs chia sẻ những cuộc phiêu lưu trong mơ của họ, đồng thời giới thiệu sản phẩm và dịch vụ được trình bày trong đó đã thu hút hàng triệu người theo dõi, giúp nhiều doanh nghiệp quảng bá sản phẩm dịch vụ cực kỳ hiệu quả. Đây là một ví dụ điển hình về xu hướng quảng bá sản phẩm dịch vụ dựa vào KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội). Xu hướng này đang được rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới sử dụng, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao có thể xác định được doanh thu, thu nhập của những KOLs này, để chính phủ có thể tránh thất thu thuế, đặc biệt là đối với khoản thu không xác định được, được tặng miễn phí cho KOLs như trên. 

 

 Mỹ là nước quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng nhờ KOLs

Theo một nghiên cứu từ MediaKix, Đan Mạch, Hàn Quốc và Úc là những quốc gia đang cố gắng nắm bắt các lát cắt của ngành tiếp thị dựa trên những người có ảnh hưởng, dự kiến ​​khoản thu không được ghi nhận có thể từ 5 đến 10 tỷ USD. Việc sử dụng một người nào đó có ảnh hưởng để thúc đẩy sự quan tâm đến sản phẩm dịch vụ, không phải là mới, ngành công nghiệp hấp dẫn này là một bước ngoặt của thời đại kỹ thuật số. Hầu hết các nỗ lực đánh thuế những thứ miễn phí như trên đều nhắm vào những người có ảnh hưởng (KOLs). Một số KOLs nổi tiếng nói rằng họ đã sẵn sàng chia sẻ hợp tác mọi thông tin với cơ quan thuế nhưng không biết phải làm thế nào, hoặc họ sợ mất đi các mối quan hệ hợp tác kinh doanh. Điều đó một phần vì các thương hiệu gửi sản phẩm và dịch vụ miễn phí cho KOLs khẳng định rằng, những thứ đó chỉ là món quà thông thường, một hành động tử tế thay lời cảm ơn. 

Các tập đoàn lớn như Esteeucker Enterprises Inc (công ty mẹ của thương hiệu son môi Clinique), công ty bán lẻ quần áo Hennes & Mauritz AB, hãng hàng không Delta Air Lines Inc. và McDonald có xu hướng làm việc thông qua các công ty Hello Society, Octoly và Activate giúp kết nối thương hiệu với những người có ảnh hưởng. Họ có xu hướng hợp tác thường xuyên nhất với những KOLs có từ 50.000 đến 100.000 người theo dõi trên các kênh xã hội quan trọng, một nghiên cứu từ Activate cho biết.

Kamiu Lee, giám đốc điều hành của Activate, cho biết cô đã có cuộc trò chuyện với các thương hiệu về sự khác biệt giữa việc trả tiền mặt và tặng sản phẩm miễn phí cho KOLs mà không có hợp đồng hay thỏa thuận cụ thể nào. “Ở lựa chọn thứ hai, không có điều gì đảm bảo rằng KOLs sẽ khai báo những gì họ nhận được, vì vậy mặt hàng dịch vụ được tặng miễn phí khó để xác định là thu nhập chịu thuế”. Lee nói.

Các tập đoàn đa quốc gia có thể khai báo những phần quà miễn phí mà họ đưa ra dưới dạng chi phí marketing hoặc chi phí kinh doanh khác. Nếu mặt hàng là một món quà hợp pháp, công ty chỉ có thể khấu trừ tối đa 25 USD từ hóa đơn thuế. Phần còn lại của trách nhiệm thuế phụ thuộc vào cách thương hiệu phân loại chi phí của mình cho KOLs từ chi phí khách sạn, đi lại đến thực phẩm, sản phẩm và dịch vụ… Hai doanh nghiệp gần như chính xác có cùng thu nhập, có cùng chi phí, nhưng lại có khả năng kết thúc với các khoản nợ khác nhau dựa trên cách họ quản lý những con số này.

 

KOLs nổi tiếng tại Maroc cho biết cô sẵn sàng nộp thuế nếu được hướng dẫn

“Một món quà phải chịu thuế khi được đưa ra nhằm mục đích để đổi lấy thứ gì đó, nó sẽ được miễn thuế nếu việc tặng cho không nhằm mục đích vụ lợi”, người phát ngôn của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ cho biết.

Các doanh nghiệp không gửi sản phẩm cho KOLs chi đơn giản là họ muốn KOLs sở hữu sản phẩm dịch vụ đó, mà mục đích thực sự là họ muốn tận dụng tối đa những giá trị mà KOLs mang lại. Khoảng 69% trong số hơn 800 KOLs hàng đầu trên phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu cho biết họ nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ miễn phí để đổi lấy việc tham gia vào một chiến dịch marketing của doanh nghiệp. Và hơn 58% doanh nghiệp cho biết KOLs từ chối quan hệ đối tác lâu dài vì không thỏa thuận được những điều khoản về thu nhập.

Vậy, các quốc gia phát triển làm thế nào để quản lý hoạt động bán hàng của KOLs để đảm bảo thu thuế về ngân sách? 

Hoa Kỳ

“Ở Hoa Kỳ, một doanh nghiệp khi hợp tác với KOLs ​​sẽ cung cấp cho họ mẫu tờ khai hoàn thuế số 1099, sau đó sẽ nhận lại mẫu W-9 khi phát sinh giao dịch tiền mặt. Khó khăn xảy ra khi KOLs nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ miễn phí để đổi lấy một điều gì đó, nhiều KOLs chỉ báo cáo thu nhập khi doanh nghiệp gửi cho họ mẫu 1099 để khai báo, một phần vì doanh nghiệp không báo cáo một phần vì KOLs quá tin tưởng vào doanh nghiệp.” Aileen Luib, một KOLs về lĩnh vực thời trang và làm đẹp có trụ sở tại LA, người có hơn 33.000 người theo dõi Instagram và blog chia sẻ.

“Các doanh nghiệp được yêu cầu bàn giao mẫu 1099 khi giao dịch liên quan đến hơn 600 đô la. Nhưng ngay cả khi họ không tặng, KOLs vẫn phải có trách nhiệm báo cáo thu nhập đó.” Người phát ngôn của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ cho biết thêm.

 

Australia quản lý các Influencer bằng mô hình phân tích dữ liệu

 

Hàn Quốc

Cơ quan thuế Hàn Quốc đang tiếp cận những vấn đề về thuế liên quan đến KOLs như một vấn đề hình sự. “Họ điều tra 176 cá nhân trên YouTube và các nền tảng công nghệ mới nổi khác. Cuộc điều tra đã xác nhận 15 trường hợp trốn thuế cho đến nay. Một YouTuber không được tiết lộ với khoảng 10 triệu người đăng ký kiếm được 2 tỷ won (1,69 triệu đô la) lợi nhuận đã bị kết tội, các cuộc điều tra được đưa ra sau khi NTS nhận ra rằng YouTubers đang làm việc trong một ngành công nghiệp mới nổi với nhiều điểm chưa rõ ràng có thể cho phép họ thực hiện hành vi trốn thuế”, Seul Lee, một nhân viên tại Cơ quan Thuế Quốc gia tại Hàn Quốc, cho biết.

Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện yêu cầu Google, Facebook và các công ty truyền thông xã hội lớn phải khai báo số tiền họ trả cho KOLs.

Đan Mạch

Hội đồng Luật Thuế Đan Mạch đang xem xét vào cuối năm nay để đề nghị giảm thuế nhằm thưởng cho những người có ảnh hưởng và những người khác có dòng thu nhập phi truyền thống đã báo cáo đầy đủ thu nhập của họ.

Mô hình mới có thể bao gồm một khoản khấu trừ tiêu chuẩn cho chi phí kinh doanh, dưới dạng số tiền cố định hàng năm hoặc tỷ lệ phần trăm thu nhập, thay vì yêu cầu các công ty quốc tế cam kết báo cáo trung thực số lượng quà tặng hoặc chi phí đã trả, Bo Sandemann Rasmussen, thành viên của Hội đồng Luật Thuế Đan Mạch cho biết.

Australia

Cục Thuế Úc đã công bố một biện pháp đánh thuế tất cả các loại thanh toán, bao gồm cả tiền mặt hoặc không phải là tiền mặt đã được chi cho những người có danh tiếng như KOLs nhằm mục đích thương mại.

Cùng với đó, cơ quan này cho biết họ đang sử dụng mô hình phân tích dữ liệu để tìm ra sự khác biệt giữa việc khai thuế và dữ liệu của bên thứ ba. Họ cũng sử dụng mô hình phân tích để xem liệu chi tiêu cá nhân của KOLs có được hỗ trợ từ thu nhập đã báo cáo hay không. Thông qua đó, cơ quan này sẽ phát hiện thu nhập bị bỏ qua bằng cách xem xét thủ công hoặc quét các nền tảng truyền thông xã hội, người phát ngôn cơ quan thuế Úc cho biết.

 Bình Dương