Kinh tế Trung Quốc suy yếu do biến chủng Delta

14:30 15/09/2021

Doanh số bán lẻ giảm tốc mạnh, chỉ tăng trưởng 2.5% so với cùng kỳ, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày 15/09. Con số này quá thấp so với dự báo tăng 5.8% của các chuyên gia kinh tế.

Các khoản đầu tư cho tài sản cố định trong 8 tháng đầu năm vẫn khớp với dự báo, tăng trưởng 8.9%. Tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 5.1%.

Ngay trước khi biến chủng Delta bùng phát từ cuối tháng 7/2021, người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu, qua đó chi tiêu tiêu dùng vẫn chưa thể trở lại mức trước dịch. Gần đây hơn, đợt kiểm soát của Chính phủ trên thị trường bất động sản và dịch vụ giáo dục đã đè nặng tâm lý của người tiêu dùng.

“Đến nay, các thị trường đã đánh giá quá thấp mức độ giảm tốc của tăng trưởng trong nửa sau năm 2021”, Lu Ting, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Nomura Holdings ở Hồng Kông, cho hay. Các cơ quan chức trách vẫn tuân theo cách tiếp cận “hy sinh lợi ích trong ngắn hạn để tăng trưởng dài hạn” và có khả năng duy trì biện pháp kiểm soát bất động sản và hạn chế sản lượng của các mặt hàng gây ô nhiễm môi trường, ông nói.

Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm tăng lần đầu tiên trong 3 ngày qua. Chỉ số CSI giảm nhẹ 0.6%.

Khi rủi ro kinh tế ngày càng tăng, các nhà quyết sách cũng đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và cam kết tận dụng tốt hơn trái phiếu chính quyền địa phương. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong vài tháng tới, sau đợt cắt giảm tháng 7.

“Dữ liệu kinh tế mới công bố càng làm gia tăng khả năng PBoC và Chính phủ Trung Quốc đưa ra thêm chính sách hỗ trợ. Sự tách biệt giữa cung và cầu của nền kinh tế ngày càng rõ ràng hơn. Chúng tôi nghĩ cung và cầu có thể ngày càng cách xa nhau”, Chang Shu, Chuyên gia kinh tế châu Á tại Bloomberg, cho hay.

Các biện pháp kiểm soát dịch đã dẫn tới sự suy yếu của doanh số bán và chi tiêu cho dịch vụ trong tháng 8, khi nhiều người ngừng đi nhà hàng và mua sắm, đồng thời cũng hủy các lịch trình nghỉ lễ. Trong tháng 8, lĩnh vực dịch vụ thu hẹp lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020.

Phân tích dữ liệu doanh số bán lẻ cho thấy rõ tác động của các biện pháp kiểm soát dịch: Chi tiêu cho nhà hàng giảm 4.5% so với cùng kỳ, sau khi tăng 14.3% trong tháng 7. Trong khi đó, doanh số bán quần áo giảm 6%.

Đợt bùng phát dịch mới ở Trung Quốc trong tháng này có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy thận trọng trong thời gian tới.

PV