Kinh tế toàn cầu đang gượng dậy thế nào từ cú sốc đại dịch?

00:00 12/10/2020

Nhưng dù gì, vẫn sẽ có những vết sẹo còn lại sau trận dịch này…

Kinh tế toàn cầu đang gượng dậy thế nào từ cú sốc đại dịch?

Ảnh minh họa.

Đối với nền kinh tế thế giới, ngày đen tối nhất trong đại dịch Covid-19 là Good Friday (thứ Sáu Tuần thánh, một ngày lễ diễn ra vào ngày thứ Sáu ngay trước lễ Phục sinh) của năm 2020.

Vào thời điểm ngày 10/4, tức Good Firday, nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng lệnh đóng cửa và phong tỏa nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới. Người dân được yêu cầu ở yên trong nhà, các hoạt động kinh tế hầu như rơi vào tê liệt.

Trong ngày hôm đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu giảm 20% so với bình thường, tờ The Economist cho hay.

  Mức suy giảm sản lượng các kinh tế lớn do các biện pháp giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19. Đơn vị: % GDP - Nguồn: The Economist

Nhưng từ sau dấu mốc đen tối đó, các chính phủ bắt đầu dỡ dần các biện pháp phong tỏa. Các nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Trên cơ sở này, giới phân tích dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong quý 3 năm nay so với quý 2.

Có thể xem đây như một sự phục hồi với đồ thị dạng chữ V, nhưng kinh tế thế giới vẫn còn một chặng đường dài phải đi để trở lại với trạng thái bình thường. Nhiều quốc gia vẫn đang phải áp dụng giãn cách xã hội để hạn chế tốc độ lan rộng của dịch bệnh. Các biện pháp này gây giảm sản lượng kinh tế, vì giới hạn số lượng thực khách được dùng bữa tại nhà hàng trong cùng mới thời điểm, hay cấm khán giả tới xem các giải thi đấu thể thao…

Ngoài ra, người dân vẫn mang nỗi lo bị nhiễm Covid-19 khi tới những nơi đông người. Cảm giác bấp bênh về kinh tế ở người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn đang ở gần mức cao chưa từng thấy, và đó là lý do các công ty còn rất thận trọng với các kế hoạch đầu tư.

  Chỉ số bấp bênh kinh tế (trái) và tỷ lệ bình quân hàng tháng các doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư trên toàn cầu - Nguồn: The Economist

Theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs, các biện pháp giãn cách xã hội sẽ tiếp tục khiến thế giới mất 7-8% GDP so với trường hợp không có bệnh dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chỉ hoạt động ở mức 9/10 công suất như hiện nay, có sự khác biệt lớn giữa các ngành và các quốc gia khác nhau. Một số ngành và một số quốc gia đang có sự phục hồi rất tốt, trong khi số khác vẫn đuối sức.

Lấy hai lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ làm ví dụ.

Lĩnh vực hàng hóa đang phục hồi nhanh chóng. Đến tháng 7, doanh thu bán lẻ toàn cầu đã trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch - theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase. Được các chính phủ rót 2 nghìn USD tiền trợ cấp kể từ khi xảy ra đại dịch, người tiêu dùng toàn cầu tăng mua sắm những sản phẩm phục vụ cho việc họ phải ở nhà nhiều hơn, từ laptop cho tới dụng cụ tập luyện ở nhà. Điều này lý giải vì sao thương mại thế giới đã trụ vững tốt hơn so với những gì mà các chuyên gia kinh tế kỳ vọng. Ngành sản xuất toàn cầu nhờ đó đến nay đã hồi phục được gần một nửa phần sản lượng bị mất trong thời gian đóng cửa.

Trái lại, hoạt động dịch vụ vẫn đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng trước đại dịch, chủ yếu bởi tình trạng tê liệt của những ngành dễ tổn thương trước việc người tiêu dùng tránh tập trung đông người.

Theo dữ liệu từ nền tảng đặt chỗ OpenTable, số lượng thực khách đi ăn tại các nhà hàng trên thế giới hiện đang ở mức thấp hơn 30-40% so với bình thường. Số chuyến bay thường kỳ hiện cũng chỉ bằng một nửa so với mức trước đại dịch.

Khác biệt về mức độ hồi phục của các nền kinh tế còn rõ rệt hơn. Khi kinh tế toàn cầu suy thoái, tốc độ tăng trưởng của các quốc gia thường chênh lệch. Tuy nhiên, sự sụt giảm chóng mặt của sản lượng kinh tế thế giới năm nay đồng nghĩa với sự khác biệt càng lớn hơn về tốc độ tăng trưởng các nền kinh tế.

Hôm 16/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra các dự báo kinh tế cập nhật. Cũng giống như các tổ chức chức báo khác, chẳng hạn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), OECD đã trở nên bớt bi quan hơn về kinh tế toàn cầu.

Tuy vậy, theo báo cáo này, khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất và yếu nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) được dự báo sẽ lên tới 6,7 điểm phần trăm trong năm nay, lớn hơn nhiều so với trong lần suy thoái kinh tế toàn cầu cách đây 1 thập kỷ.

Trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, OECD dự báo duy chỉ có Trung Quốc tăng trưởng trong năm 2020. Một số nền kinh tế như Mỹ và Hàn Quốc được cho là sẽ suy giảm, nhưng không tới mức thảm họa. Ngược lại, Anh được dự báo sẽ rơi vào cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất kể từ năm 1709.

Dự báo tăng trưởng một số nền kinh tế lớn của thế giới năm 2020 - Nguồn: The Economist 

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng khoảng cách lớn về tốc độ hồi phục giữa các nền kinh tế chẳng qua chỉ là “ảo ảnh” thống kê, phản ánh sự khác biệt về phương pháp tính GDP. Chẳng hạn, trong trường hợp nước Anh, cách thức mà các nhà thống kê cộng tổng các khoản chi tiêu chính phủ đồng nghĩa với việc trường học đóng cửa và các cuộc hẹn khám bệnh bị hủy có ảnh hưởng đến GDP nước này nhiều hơn so với ở các quốc gia khác.

Tuy vậy, ảnh hưởng này không phải là lớn, xét tới việc đa phần sản lượng kinh tế mất mát nằm ở khu vực kinh tế tư nhân.

Thay vào đó, sự phục hồi của các nền kinh tế tùy thuộc vào ba yếu tố chính.

Thứ nhất là tỷ trọng của các ngành trong nền kinh tế mỗi nước. Những quốc gia như Hy Lạp và Italy, với mức độ phụ thuộc cao vào ngành bán lẻ và du lịch, luôn có mức độ dễ tổn thương cao hơn những quốc gia như Đức. Trái lại, nước Đức với nền sản xuất khổng lồ đang hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh của thương mại hàng hóa toàn cầu.

Yếu tố thứ hai là niềm tin, và điều này có vẻ như được quyết định bởi trải nghiệm của mỗi quốc gia trong thời gian đóng cửa để chống dịch. Tình trạng tệ hại của kinh tế Anh có thể liên quan tới cách thức xử lý đại dịch bị đánh giá là kém của chính phủ nước này. Người dân Anh có vẻ như lo sợ hơn so với người dân các nước châu Âu khác về việc ra khỏi nhà.

Yếu tố thứ ba là các biện pháp kích cầu. Quốc hội Mỹ hiện đang chần chừ với việc thông qua các biện pháp mới để hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng họ đã thông qua gói giải cứu lớn nhất thế giới, tương xứng với quy mô của nền kinh tế. OECD cho rằng Mỹ sẽ là một trong những nước giàu có sự phục hồi kinh tế tốt hơn trong năm nay.

Điều gì có thể xảy ra tiếp theo với nền kinh tế toàn cầu đang hoạt động ở 90% công suất? Một số nước buộc phải tiếp tục áp dụng các biện pháp đóng cửa và phong tỏa, nhưng nhiều nước khác cũng đang điều chỉnh linh hoạt các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế thiệt hại sản lượng kinh tế. Nhờ đó, nền kinh tế thế giới có thể sẽ sớm đạt mức 95% công suất. OECD cũng tin rằng GDP toàn cầu sẽ tiếp tục hồi phục trong năm nay.

Có thể nhiều người đang giữ một ý nghĩ lạc quan rằng một loại vắc xin phòng Covid-19, nếu được triển khai đủ rộng, sẽ nhanh chóng đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại trạng thái bình thường. Nhưng dù gì, vẫn sẽ có những vết sẹo còn lại sau trận dịch này.

Việc các công ty hạn chế đầu tư vào lúc này sẽ dẫn tới hạn chế sản lượng trong tương lai. Ngày càng có nhiều người lao động Mỹ tin rằng họ sẽ không thể quay trở lại với công việc trước đây. Việc phân bổ lại nguồn lực dư thừa vào những doanh nghiệp có hiệu quả cao hơn sẽ cần nhiều thời gian. Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự báo rằng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ phải đến năm 2023 mới có thể giảm về ngưỡng 4% như trước khi có dịch; thậm chí các chuyên gia của Goldman Sachs tin rằng điều này chỉ có thể đạt được vào năm 2025 cho dù họ lạc quan về việc sớm có một loại vaccine chống Covid-19 được phân phối rộng rãi.

Như vậy, với những ảnh hưởng lâu dài mà đại dịch Covid-19 gây ra, kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ ở trong tình trạng yếu hơn bình thường trong một thời gian nữa.

Mai Lynh