Kiên quyết hơn khi doanh nghiệp không chịu chuyển giao về SCIC

00:00 12/10/2020

Danh mục đã có, các quy định pháp lý đã đầy đủ, các văn bản thông báo chỉ đạo đã được ban hành, thậm chí nơi nhận cũng đã sẵn sàng, nhưng số lượng doanh nghiệp được bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn rất khiêm tốn. Vì sao?

SCIC sẵn sàng nhận cả những DN còn tồn tại về tài chính. Ảnh: ST.

Còn hơn 50%

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định việc chuyển giao về SCIC để triển khai bán phần vốn nhà nước là 62 DN tại 6 bộ và 16 địa phương, với tổng số vốn nhà nước là trên 11.200 tỷ đồng (chiếm 65,3% vốn điều lệ các DN thuộc diện chuyển giao). Tuy nhiên, từ ngày Quyết định 1232 được ban hành đến nay, SCIC mới chỉ tiếp nhận được 27 DN, trong đó, năm 2017 tiếp nhận 21 DN, năm 2018 tiếp nhận 6 DN (tính cả 2 DN thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chuyển giao). Con số này chưa bằng 50% và số DN còn phải thực hiện là 35.

Đó là theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, còn theo đối tượng, trình tự và thời hạn chuyển giao được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật mà cụ thể là Nghị định 147/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC thì hiện nay vẫn có hàng trăm DN chưa được chuyển giao.

Theo thông tin từ SCIC, các DN chưa chuyển giao thuộc 4 bộ (Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải) và 8 UBND tỉnh (Bà Rịa Vũng Tàu, Cao Bằng, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh) quản lý.

Phân tích nguyên nhân, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho rằng: Việc bàn giao các DN sau cổ phần hóa về SCIC còn chậm là do e ngại của người đứng đầu DN. Họ sợ về tổ chức DN lúc đó sẽ tiến hành quản lý theo mô hình DN, phải công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, không chuyển giao, người lãnh đạo DN vừa là cơ quan chủ sở hữu, vừa quản lý DN sẽ không “soi kỹ” và còn “du di” về đánh giá hiệu quả gắn với trách nhiệm ban lãnh đạo DN.

Bên cạnh đó, khi thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, một số cơ quan còn tư tưởng đợi Ủy ban hoạt động để về đây cho tương xứng với vị trí thay vì về SCIC. Tuy nhiên việc này đã được Bộ Chính trị, Chính phủ công bố rõ, danh mục về Ủy ban là 19 tập đoàn, tổng công ty trong đó có SCIC.

Các DN sau cổ phần hóa cần tiếp tục bàn giao về SCIC để đảm bảo thống nhất một đầu mối quản lý vốn nhà nước. Trong đó Ủy ban là cơ quan sở hữu trên SCIC, SCIC sẽ tiếp nhận các DN nhỏ. Cần đảm bảo sau năm 2020- 2021 sẽ thu gọn được đầu mối quản lý DNNN theo đúng yêu cầu quản lý tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước.

Tuân thủ cơ chế thị trường

Trao đổi với báo chí gần đây về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nhấn mạnh: “SCIC rất trách nhiệm và tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương. Chẳng hạn như với Bộ Công Thương, SCIC đã nhiều lần làm việc trực tiếp với DN và cũng có báo cáo với Bộ nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Đơn cử như Tập đoàn Dệt may hay Tổng công ty Thép hiện vẫn chưa bàn giao, dù đã “hòm hòm” số liệu và các thủ tục. Pháp lý, pháp luật thì có, nhưng tính nghiêm minh trong thực thi chưa cao.”

Trước dư luận cho rằng “SCIC chỉ nhận các DN tốt, còn các DN đang có tồn tại thì không”, Chủ tịch SCIC khẳng định: “SCIC sẵn sàng nhận cả những DN còn tồn tại về tài chính. Tất nhiên cũng có những trường hợp không thể nhận, chủ yếu là mất hết vốn, hoặc vốn nhà nước bị âm nhưng SCIC sẵn sàng nhận cả những DN còn tồn tại để sau đó cùng phối hợp với các cơ quan liên quan đưa giải pháp tái cơ cấu hay nâng cao quản trị hỗ trợ DN hoạt động tốt hơn”. Nếu các DN hiện tại tích cực bàn giao, SCIC sẵn sàng tiếp nhận các DN thuộc diện bàn giao mà đủ điều kiện bàn giao. SCIC đủ sức để nhận bàn giao và quản lý vận hành, bởi trong thực tế, đội ngũ hiện nay của SCIC đã có những lúc quản lý gần 1.000 DN.

Nơi nhận đã sẵn sàng, còn từ phía cơ quan quản lý, ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ: Tới đây, trong Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với DNNN, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị cho phép những bộ, ngành xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) có DN nào phải bàn giao về SCIC ngay. Đối với các bộ kinh tế, ngành còn lại, đề nghị giảm bớt việc giao nhiệm vụ thoái vốn cho các bộ, ngành có DN đã cổ phần hóa và đề nghị bàn giao về SCIC thực hiện để nhanh hơn, hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn.

Thực tế, trong năm 2017 và 2018, theo danh mục có gần 300 DN phải thoái vốn nhưng kết quả còn hạn chế. Trước mắt những DN đã cổ phần hóa, đang trong quá trình thoái vốn trong danh mục năm 2017, năm 2018 chưa thực hiện được thì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiên quyết bàn giao về SCIC. Những DN còn tồn tại về tài chính trong giai đoạn các cơ quan đại diện chủ sở hữu là bộ ngành, UBND quản lý chưa xử lý được thì phải quyết liệt xử lý dứt điểm xong đủ điều kiện bàn giao về SCIC.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, cần rà soát lại danh mục các DN cổ phần hóa trong năm 2019 – 2020, nếu thấy vấn đề mà các bộ, ngành không làm được thì kiên quyết bàn giao về SCIC để làm theo đúng cơ chế thị trường và công khai, minh bạch; đảm bảo hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước và có đầu mối chịu trách nhiệm thay vì để các bộ, ngành tiếp tục vừa quản lý nhà nước vừa quản lý vốn dẫn đến nguy cơ xảy ra sự đổ vỡ, việc quy trách nhiệm khó khăn và không rõ ràng.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính:

Có thể thấy vẫn còn sự luyến tiếc về đơn vị mà mình đã quản lý dẫn đến một số cơ quan ngại bàn giao và lấy nhiều lý do khác nhau để trì hoãn bàn giao về SCIC. Mặc dù, đối với những DN đã cổ phần hóa, SCIC có thể gia tăng giá trị của DN và thoái vốn tốt hơn”.

Hồng Vân