Kiên Giang: Hơn 96.000 học sinh cần hỗ trợ thiết bị học qua môi trường Internet

14:13 15/09/2021

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, Kiên Giang đã quyết định dời lịch dạy và học đến ngày 20/9, đồng thời xây dựng các phương án dạy và học trong điều kiện tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ cao, đảm bảo an toàn cho học sinh và chất lượng giảng dạy. Hiện nay, ngoài hai khối lớp 9 và lớp 12 đã học bằng phương pháp trực tuyến, các trường trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất để bước vào năm học mới.

Tại huyện An Minh, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát rất tốt nhưng với điều kiện hạ tầng cơ sở còn khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất của ngành giáo dục và điều kiện học tập của học sinh. Thầy Lưu Văn Bình, Hiệu trưởng trường THPT An Minh cho biết: Năm học này trường có 8 lớp khối 12 với 238 học sinh đang học tập bằng hình thức trực tuyến từ ngày 6/9 đến nay. Về điều kiện dạy học trên môi trường Internet, trường THPT An Minh đã trang bị đủ các trang thiết bị cơ bản dạy học, nhà trường vừa trang bị 5 máy tính xách tay hỗ trợ cho những giáo viên khó khắn về phương tiện dạy học online.

Kiên Giang
 Khối lớp 9 và lớp 12 ở Kiên Giang đã học bằng phương pháp trực tuyến.

Mặc dù đã có sự nỗ lực từ phía nhà trường, phụ huynh và xã hội nhưng nhiều học sinh vẫn đang khó khăn về thiết bị, đồ dùng để theo học bằng hình thức trực tuyến. Theo thống kê, toàn trường còn 29 học sinh chưa có phương tiện học qua Internet, nhà trường đang tìm cách cùng gia đình học sinh tháo gỡ như giới thiệu mua trả góp, mượn phương tiện học… "Hiện tại, trường đang được trưng dụng làm khu cách ly, nên nhà trường dự kiến sẽ tiếp tục triển khai dạy qua Internet từ ngày 20 đến 25/9 chờ bàn giao, vệ sinh khử khuẩn điểm trường. Khi học trực tiếp, trường chia học sinh thành 2 ca học để giảm số học sinh đến trường cùng lúc. Trường cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tại đơn vị và phương án ứng phó khi có ca nghi nhiễm, F1, F2 tại trường". Thầy Lưu Văn Bình cho biết thêm.

Không chỉ có các huyện vùng sâu mới gặp khó khăn, mà một số trường vùng ven đô thị cũng phải tất bật cho năm học mới, nhất là việc giải bài toán thiết bị để học sinh tham gia môi trường học tập còn khá mới mẻ này. Theo thầy Lê Quốc Trung, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Mong Thọ, huyện Châu Thành, hiện nay, nhà trường gặp nhiều khó khăn khi phải triển khai dạy và học trên môi trường Internet, đa số học sinh thiếu phương tiện học tập, rất nhiều em gia đình không có điều kiện lắp đặt hệ thống mạng Internet tại nhà. Qua thống kê của nhà trường, số lượng học sinh không có điều kiện học tập ở khối 6 là cao nhất chiếm tỷ lệ 49,24%, ở các khối còn lại chiếm từ 6% đến gần 36%. “Học sinh chỉ cần có đủ thiết bị học là việc học trực tuyến vẫn đảm bảo một cách tương đối, ổn định về dạy và học trong mùa dịch bệnh. Nhà trường mong muốn có sự đồng hành của xã hội hỗ trợ về phương tiện học tập cho những học sinh nghèo, gia đình khó khăn… Được như vậy, nhà trường sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong năm học này” - thầy Lê Quốc Trung chia sẻ.

Việc dạy và học qua môi trường Internet cũng gây không ít khó khăn cho giáo viên và học sinh. Thầy Phan Quốc Nam, Hiệu trưởng trường THCS Võ Nguyên Giáp, thành phố Rạch Giá cho biết: Phần lớn các em tham gia học trực tuyến bằng điện thoại và thiết bị di động điều này ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả tương tác giữa học sinh với giáo viên, hiệu quả dạy học, tuy nhiên việc đáng lo ngại là nguy cơ học sinh sẽ mắc các bệnh tật về mắt. “Về phía thầy, cô giáo, nhiều người chưa quen thực hiện giảng dạy trực tuyến nên sẽ không khai thác hết các chức năng của công cụ tương tác, vì vậy quản lý lớp học sẽ không đạt kết quả như mong muốn” - thầy Phan Quốc Nam nói.

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết: Hiện số học sinh trong tỉnh chưa có và cần trang bị thiết bị học qua môi trường Internet khá nhiều. Cụ thể, cấp tiểu học 63.807 học sinh (chiếm 41,37%); cấp trung học cơ sở 29.892 học sinh (chiếm 29,96%); cấp trung học phổ thông 2.485 học sinh (chiếm 6,09%). Để đảm bảo cho việc dạy và học trong tình hình hiện nay, tỉnh đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đến các cấp các ngành, cũng như huy động sự tham gia, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Hy vọng, thông qua chương trình này, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn sẽ được hỗ trợ để có đủ phương tiện thiết bị thông minh tham gia học tập trực tuyến, góp phần giữ vững chất lượng học tập.

Mai Hương