IMF cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Nhật Bản do chậm tiêm vaccine

15:28 13/08/2021

Theo Bloomberg, kinh tế Nhật Bản nhiều khả năng tăng trưởng trở lại trong quý II năm nay, nhưng ở mức thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Nguyên nhân chính nằm ở việc Nhật Bản là nước chậm triển khai tiêm chủng vaccine nhất trong nhóm G-7.

Với việc các ca lây nhiễm tăng lên mức cao kỷ lục trong những ngày gần đây và chính quyền Tokyo kéo dài đợt giãn cách thứ tư đến hết tháng 8, tiêu dùng được dự báo là sẽ không thể phục hồi như mong đợi.

Ước tính đến nay Nhật Bản mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 35% dân số, tỷ lệ thấp nhất trong nhóm G-7. Do đó, Nhật Bản là nền kinh tế G-7 duy nhất bị IMF cắt giảm triển vọng tăng trưởng. Theo IMF, nền kinh tế Nhật Bản sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm nay.

Nhật Bản, Covid-19, vaccine ảnh 1

Tại một điểm tiêm chủng ở Osaka vào tháng 6. Ảnh: Bloomberg

Dù vậy, diễn biến dịch bệnh ở Nhật Bản không quá tồi tệ. Dù số ca nhiễm tăng, số trường hợp tử vong thấp hơn nhiều so với các đợt bùng phát trước bởi phần lớn người già đã được tiêm vaccine.

Ngày 11/8, ở Nhật Bản có 9 người thiệt mạng vì Covid-19, thấp hơn nhiều so với con số 360 tại Mỹ. Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao hơn Nhật Bản ở hầu hết nhóm tuổi, nhưng thấp hơn ở nhóm trên 65 tuổi.

Tuy nhiên, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng bế tắc trong cuộc chiến chống Covid-19, bởi người dân trở nên chủ quan hơn sau nhiều đợt giãn cách. Lưu lượng người đi bộ tại các ga tàu điện ngầm tăng cao, nhiều quán bar và nhà hàng không đóng cửa sớm bất chấp quy định của chính phủ.

Kết quả là tiêu dùng ổn định trở lại và nền kinh tế Nhật Bản có khả năng thoát suy thoái, nhưng không thể phục hồi nhanh.

Do đó, chính phủ Nhật Bản chỉ còn cách tăng tốc tiêm chủng. Thủ tướng Yoshihide Suga đặt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng 40% dân số vào cuối tháng này. Nhà kinh tế Harumi Taguchi dự đoán tiêu dùng sẽ phục hồi rõ ràng khi 60% dân số được tiêm chủng đầy đủ vào khoảng tháng 10-11.

Hồng Nhung