Hơn 55% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông báo thua lỗ

07:25 28/12/2020

Báo cáo Kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng cho thấy bức tranh trái ngược về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp này.

Quá nửa doanh nghiệp thua lỗ

Báo cáo kết quả tổng hợp phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vừa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thấy có khoảng 55% số doanh nghiệp FDI báo lỗ.

Theo đó, có 12.455 doanh nghiệp FDI báo lỗ 131.445 tỷ đồng trong năm 2019. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846.800 tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm nước.

Hơn 55% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam báo thua lỗ
Hơn 55% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam báo thua lỗ.

Về doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế nhiều năm trên báo cáo tài chính, Bộ Tài chính cho biết đến hết năm 2019 có 14.822 doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, chiếm 66% doanh nghiệp báo cáo, với tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỉ đồng.

Số doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn trong năm 2019 là 3.545 doanh nghiệp, tăng 24,2% cùng kỳ năm trước với tổng giá trị vốn chủ sở hữa trên báo cáo tài chính là âm 103.890 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho thấy, đến cuối năm 2019 có 25.054 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 22.603 doanh nghiệp có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ để phân tích. Doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp FDI theo báo cáo đạt hơn 7,1 triệu tỉ đồng, tăng hơn 720.000 tỉ so với năm kế trước (11,2%).

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của doanh nghiệp FDI đạt khoảng 387.000 tỉ đồng, tăng hơn 29.400 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp FDI trong năm 2019 khoảng 324.400 tỉ đồng, tăng 19.500 tỉ đồng, so với năm 2018.

Đáng chú ý, một số nhóm ngành đã ghi nhận thua lỗ trong 2 năm liền. Trong đó, số lỗ năm nay còn lớn hơn năm trước như Sản xuất sắt, thép và kim loại khác; Dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; Viễn thông, phần mềm… Nhóm các ngành mà doanh nghiệp FDI có tỷ suất lợi nhuận tốt gồm sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy và xe có động cơ khác 44,2%; công nghiệp chế biến thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát 29,1%; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh 35,9%; phân phối bảo dưỡng ôtô xe máy và nhóm y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ 25,6%.

Hàng loạt doanh nghiệp FDI báo lỗ

Báo cáo kể trên của Bộ Tài chính cũng trình bày chi tiết kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp FDI lớn trong các ngành nghề hoạt động tại Việt Nam.

Trong đó, Tập đoàn Samsung thông qua Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh) và Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên) ghi nhận tổng cộng hơn 1,104 triệu tỷ đồng doanh thu năm 2019 vừa qua. Số doanh thu này đã tăng hơn 5% so với năm liền trước, qua đó giúp doanh nghiệp thu về 81.112 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Nếu so với nhóm các doanh nghiệp FDI cùng ngành Linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính, thiết bị quang học, lợi nhuận của 2 nhà máy Samsung tại Việt Nam chiếm tới 65% tổng lợi nhuận toàn ngành.

Hiện tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế trên bảng cân đối kế toán của 2 nhà máy này cũng vào khoảng 432.480 tỷ đồng, tương đương 18,6 tỷ USD.

Trái ngược với Tập đoàn Samsung, một doanh nghiệp FDI tỷ USD khác tại Việt Nam trong ngành sản xuất sắt, thép lại ghi nhận khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ trong năm 2019 vừa qua.

Cụ thể, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh năm gần nhất ghi nhận 72.030 tỷ đồng doanh thu, vẫn tăng 12% so với năm 2018. Tuy nhiên, công ty này lại ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 11.538 tỷ đồng trong năm, gấp 4,2 lần số lỗ năm liền trước. Số tiền nộp ngân sách cùng năm của Formosa Hà Tĩnh cũng chỉ là 51,6 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019. Formosa Hà Tĩnh có tổng tài sản đạt 286.804 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 100.814 tỷ, nhưng doanh nghiệp lỗ lũy kế 25.388 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp sản xuất sắt, thép khác là Công ty CP Thép Posco Yamoto Vina (Bà Rịa – Vũng Tàu) có tổng tài sản 19.957 tỷ, vốn chủ sở hữu đạt 4.308 tỷ đồng nhưng cũng đang lỗ lũy kế 8.9047 tỷ.

Trong năm 2019, Posco Yamoto ghi nhận 10.711 tỷ đồng doanh thu, giảm 17% so với năm trước và báo lỗ 2.780 tỷ đồng, gấp 2,5 lần số lỗ cùng kỳ.

Theo đó, 2 năm liền tiếp 2018-2019, cả 2 doanh nghiệp FDI lớn nhất trong ngành Sản xuất sắt, thép và kim loại khác tại Việt Nam đều thua lỗ khiến số đóng góp vào NSNN rất hạn chế.

Bộ Tài chính đánh giá, hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp FDI vẫn còn thấp, chưa phát huy hết tiềm lực của doanh nghiệp, các chỉ tiêu khả năng sinh lời của một số lĩnh vực vẫn còn âm, nộp ngân sách chưa tương xứng với ưu đãi được hưởng, số doanh nghiệp FDI có lãi chiếm tỷ lệ ít, nhiều dn có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm.

ngành Sản xuất sắt, thép và kim loại khác tại Việt Nam đều thua lỗ khiến số đóng góp vào NSNN rất hạn chế
Ngành Sản xuất sắt, thép và kim loại khác tại Việt Nam đều thua lỗ khiến số đóng góp vào NSNN rất hạn chế.

Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp luôn báo lỗ thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng.

Để thu hút các dự án có vốn đầu tư nước hoạt động hiệu quả cao và nâng cao việc quản lý nhà nước đối Bộ Tài chính kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi dự án đầu tư và theo địa bản kinh tế - xã hội, nghiên cứu, đề xuất phương pháp xây dựng chính sách thu hút trong thời gian tới phù hợp với quan điểm chỉ đạo.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế và các Cục Thuế địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với nhóm doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá.

Đồng thời, nâng cao chất lượng lập quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựmg, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, sản phẩm; tổ chức lập các quy hoạch còn thiếu, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp, công khai quy hoạch.

Bảo Bảo