Hôm nay (27/5), Quốc hội thảo luận về các dự án luật: Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Thi đua, khen thưởng và Kinh doanh bảo hiểm

09:19 27/05/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 27/5, Quốc hội dành thời gian cho công tác lập pháp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được ban hành nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm "đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế".

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này sửa đổi bổ sung các nội dung lớn như: danh hiệu thi đua "Xã tiêu biểu", "Phường, thị trấn tiêu biểu"; "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"; Huy hiệu và kỷ niệm chương cấp tỉnh; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung có liên quan đến các điều khoản quy định về các nội dung: đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; mục tiêu và nguyên tắc thi đua, khen thưởng; tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua; về hình thức khen thưởng; về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương, Danh hiệu vinh dự Nhà nước; về thẩm quyền đề nghị khen thưởng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi đua, khen thưởng...

Buổi chiều, các đại biểu nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 154 điều, trong đó giảm 01 chương và 03 điều.

Dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo chỉnh lý để đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo chương trình, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là một trong những dự án Luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, do đó việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều, trong đó giảm 1 chương và 3 điều, đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cụ thể, dự thảo Luật tách chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài khỏi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm để bảo đảm rõ ràng, đúng nội hàm của quy định.

Bổ sung các quy định cụ thể hơn về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm vi mô, sản phẩm bảo hiểm nhằm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và sản phẩm bảo hiểm liên kết với các sản phẩm bảo hiểm y tế do Nhà nước thực hiện.

Bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; tách tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thành một điều để bảo đảm rõ ràng; bổ sung điều kiện cấp phép đối với công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài để bảo đảm chặt chẽ hơn.

PV