Tiếp cận đất đai - "điểm nghẽn" ảnh hưởng nhiều đến hoạt động

08:49 22/05/2023

Năm 2022, điểm số PCI tỉnh Hòa Bình đạt 62,81 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2021. Mặc dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng kết quả này vẫn chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh lần thứ XVI đề ra.

     

Tiến độ dự án Dự đường kết nối đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ với Quốc lộ 6 (TP Hòa Bình) bị ảnh hưởng do công tác giải phóng mặt bằng chậm
Tiến độ dự án Dự đường kết nối đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ với Quốc lộ 6 (TP Hòa Bình) bị ảnh hưởng do công tác giải phóng mặt bằng chậm.

Thực tế cho thấy, trong 10 chỉ số thành phần, chỉ số tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn. Mặc dù năm 2022 chỉ số này của tỉnh Hòa Bình tăng 0.69 điểm so với năm 2021, nhưng những tồn tại, vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực này đã ảnh hưởng lớn đến SX-KD và triển khai dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư .

Đại diện HHDN tỉnh Hòa Bình cho biết: Lĩnh vực đất đai gắn liền với công tác quy hoạch, tuy nhiên hiện nay, công tác quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chưa có hoặc đang triển khai nhưng rất chậm. Do đó các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt.

Việc cập nhập biến động Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất rất khó khăn, phức tạp. Lãnh đạo một doanh nghiệp đang triển khai đầu tư dự án sân Gol tại TP Hòa Bình phàn nàn: Theo Quyết định 3042/QĐ-UBND, ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2017 -2025, định hướng 2030 tỉnh Hoà Bình. Trong đó, giao Sở &PTPT phối hợp với Sở TN&MT và địa phương các cấp triển khai rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tránh chồng chéo giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực; giao Sở TN&MT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cập nhật biến động về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chức năng.

Tuy nhiên, khi các đơn vị này thực hiện cập nhật hồ sơ biến động theo chức năng rừng từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, thì Sở TN&MT hướng dẫn phải làm thủ tục hồ sơ chuyển mục đích từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Cách làm này rất bất cập, không đúng theo Quyết định 3042/QĐ-UBND, vì mục đích vẫn là đất rừng chỉ chức năng rừng là khác nhau; ngoài ra, còn không chuyển đổi được do đúng với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Vấn đề này khiến các dự án bị ách tắc, không triển khai được thủ tục GPMB và các thủ tục đầu tư tiếp theo đặc biệt là các dự án sân gôn, bất động sản...

Bên cạnh đó, hoạt động của  Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hòa Bình vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể, công tác cập nhật, chỉnh lý, bổ sung trên bản đồ địa chính các Quyết định thu hồi và GPMB của các dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không kịp thời, dẫn đến việc chồng lấn với các dự án khác đã GPMB. Khi xảy ra chồng lấn, Văn phòng Đăng ký đất đai còn yêu cầu chủ đầu tư tìm, cung cấp các Quyết định thu hồi và hồ sơ GPMB của các dự án trước. Ngoài ra, chất lượng thực hiện công tác trích đo, trích lục để làm bản đồ GPMB các dự án phải thu đất không cao, nhiều sai sót, chênh lệch so với thực tế. Khi Trung tâm Phát triển quỹ đất làm việc với các hộ dân phát hiện sai lệch, Chủ đầu tư đề nghị Văn Phòng Đăng ký đất đai xác định xem xét cập nhật lại theo bản đồ địa chính và giấy chứng nhận QSDĐ thì Văn phòng Đăng ký rất khó khăn không thực hiện hoặc yêu cầu trích đo lại gây mất thời gian và chi phí thêm cho chủ đầu tư. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư còn rất bức xúc khi công tác thẩm tra trích đo không quy định thời gian trả kết quả gây khó khăn, chậm chễ cho doanh nghiệp. Một số thủ tục đơn giản nhưng lại quy định thời gian kéo dài.

Công tác GPMB để triển khai thực hiện các dự án luôn là vấn đề nóng. Lãnh đạo HHDN tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Qua tiếp nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho thấy công tác GPMB, bố trí tái định cư được triển khai thực hiện chưa đồng bộ. Chính quyền nhiều địa phương chưa tập trung quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn, vận động thưc hiện GPMB. Nhiều dự án trọng điểm của tỉnh được khởi công nhưng công tác GPMB rất chậm như: đường liên kết vùng Kim Bôi – Hoà Bình, đường kết nối đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ với Quốc lộ 6; khu công nghiệp Yên Quang... Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách, chủ đầu tư thoả thuận GPMB gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các dự án tại Khu du lịch hồ Hoà Bình. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra tình trạng chủ đầu tư một số dự án thu hồi nâng giá bồi thường GPMB về đất bằng hình thức hỗ trợ gây nên sự hỗn loạn giá cả bồi thường GPMB trong tỉnh. Vì cách làm đó khiến người dân có sự so sánh giá cả bồi thường theo quy định giữa các dự án gây khó khăn trong công tác triển khai bồi thường GPMB trên địa bàn.

Công tác thẩm định giá đất cũng còn nhiều bất cập, chủ đầu tư một dự án bất động sản ở huyện Lương Sơn bức xúc nói: Nhiều nơi, giá đất ở được thẩm định cao hơn so với giá thực tế từ 20 – 30%, với mức thu nhập bình quân như ở Hoà Bình thì việc thẩm định như vậy dẫn đến người dân không mua được đất, đồng thời ảnh hưởng đến công tác GPMB, tạo thêm áp lực về chi phí cho các nhà đầu tư.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư và triển khai thực hiện các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng còn liên quan đến vật liệu đất san lấp, đắp nền. Lãnh đạo HHDN tỉnh Hòa Bình cho biết: Hiện nay, tình hình đất san lấp cho các công trình gặp rất nhiều khó khăn, trên địa bàn tỉnh không có mỏ đất để khai thác, thủ tục hướng dẫn cấp phép mỏ đất còn nhiều bất cập. Nhiều dự án, công trình phải dừng thi công do không có nguồn đất san lấp. Bên cạnh đó, việc công bố  giá đất san lấp quý I/2023 của Sở Xây dựng lại có sự chênh lệch lớn giữa nhiều đơn vị, như: Công ty cổ phần Yên Quang, thành phố Hoà Bình là 27.000 đồng/m3; các đơn vị còn lại từ 60 – 80.000 đồng/1m3, chênh lệch khoảng 40.000 đồng/1m3.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây lắp công trình tại TP Hòa Bình, cho biết: “Việc Sở Xây dựng công bố giá VLXD để làm cơ sở ký hợp đồng, thanh quyết toán ở các công trình sử dụng vốn Nhà nước. Trong khi khi giá VLXD biến động liên tục thì các chủ đầu tư đều lựa chọn, quyết định vận dụng giá VLXD mức thấp nhất trong Phụ lục giá để xây dựng dự toán dự án, công trình. Công trình đã đấu thầu chọn gói, không thể điều chỉnh giá được, thi công thì lỗ, không thi công thì chậm tiến độ. Cứ thế này chắc doanh nghiệp sẽ phải dừng hoạt động, nếu thực trạng này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ phá sản rất cao.

Từ thực tế trên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư mong muốn: Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đề nghị các cấp chính quyền chú trọng nâng cao chất lượng điều hành kinh tế; các ngành chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính tiến tới chấm dứt tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt, nhất là tiếp cận đất đai. Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm; Chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực. Các sở, ngành, chủ đầu tư, các huyện, thành phố cần phải làm hết trách nhiệm, tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác GPMB, tái định cư. Chủ động tìm kiếm và triển khai các dự án mới để đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình