Hi hữu: Netflix bị kiện vì “để nhân vật Sherlock Holmes thể hiện quá nhiều cảm xúc”

00:00 12/10/2020

Vụ kiện nhắm vào Netflix oái oăm hơn hẳn vụ kiện tương tự hồi năm 2015.

Đây không phải lần đầu Netflix gặp rắc rồi về bản quyền. Ảnh: Tech Crunch

Netflix vừa chính thức đối mặt với một vụ kiện với lý do khá hi hữu, nhưng chắc chắn nền tảng truyền hình kỹ thuật số lớn nhất thế giới sẽ phải nghiêm túc xem xét để tránh khỏi những rắc rối về lâu dài.

Những người thừa kế của nhà văn Arthur Conan Doyle đã đâm đơn kiện Netflix về bộ phim sắp ra mắt mang tên Enola Holmes, với cáo buộc đã cho nhân vật Sherlock Holmes quá nhiều cảm xúc, qua đó “vi phạm bản quyền phát sinh từ những sao chép trái phép biểu hiện sáng tạo ban đầu của (Conan Doyle) trong các tác phẩm về Sherlock Holmes có bản quyền”.

Bên nguyên cáo lập luận, Netflix không được phép sử dụng phiên bản Sherlock Holmes “ấm áp và giàu cảm thông” vì những đặc điểm tính cách này không thuộc phần nội dung đã hết hạn bảo hộ bản quyền, mặc dù nhân vật thám tử lừng danh này đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình không biết bao nhiêu lần, Newsweek đưa tin.

  Enola Holmes chính thức lên sóng từ tháng Chín. Ảnh: Collider

Bộ phim Enola Holmes được dàn dựng dựa trên loạt tiểu thuyết của Nancy Springer với nhân vật chính là cô em gái tuổi thành niên của Sherlock Holmes. Chúng có nhiều chi tiết lấy từ 10 tác phẩm của Conan Doyle và hầu hết các chi tiết này vẫn còn được luật bản quyền bảo hộ, theo một phán quyết từ năm 2010.

Phán quyết này nêu rõ, những câu chuyện về Sherlock Holmes xuất bản trước năm 1923 được xem là thuộc về phạm vi công cộng, nghĩa là không ai sở hữu chúng, kể cả tác giả hay những người thừa kế. Từ năm 2020, những câu chuyện xuất bản năm 1924 sẽ tiếp tục thuộc về phạm vi công cộng, không do bất kỳ cá nhân nào nắm giữ, ai cũng được sáng tạo dựa vào các chất liệu đó.

Tuy nhiên, 10 câu chuyện trên, lại xuất bản trong những năm 1923  - 1927, nghĩa là vẫn thuộc sở hữu những người thừa kế của nhà văn Arthur Conan Doyle, cho đến năm 2023. Theo bên nguyên cáo, những câu chuyện này bao gồm những đặc điểm tính cách mà nhân vật Sherlock Holmes trước đó không có: ấm áp và đồng cảm.

Và Netflix thì đã sử dụng trái phép những đặc điểm tính cách này trong phim Enola Homles, khác hẳn một Sherlock Holmes khắc kỷ, lạnh nhạt và luôn trầm tư. Bên nguyên cáo không chỉ kiện Netflix mà còn kiện cả tác giả Nancy Springer, nhà xuất bản Penguin Random House và studio sản xuất phim “vì những thiệt hại tài chính chưa xác định”.

Năm năm trước, chính những người thừa kế này đã đưa ra lập luận tương tự kiện hãng Miramax về bộ phim Mr. Holmes, nói rằng chi tiết Sherlock Holmes về hưu chỉ có trong những truyện cuối cùng, mà họ vẫn đang giữ bản quyền.

Nhưng rõ ràng vụ kiện này oái oăm hơn nhiều, về cơ bản, chỉ cần vị thám tử lừng danh thể hiện chút ít cảm xúc tích cực thôi là những người sáng tạo ra bộ phim buộc phải trả giá.

Hiện Netflix chưa có bất kỳ bình luận nào.