Hạt tiêu Việt Nam có ‘rộng cửa’ hơn ở châu Âu?

19:45 14/01/2022

Theo KT&ĐT, năm 2022, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU) và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Trong đó, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu ngay khi Hiệp định có hiệu lực, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%.

Như vậy, rõ ràng xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thuận lợi tại thị trường EU. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư trong khối EU đang xem xét chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU.

Dự báo trong năm 2022, hạt tiêu đen chưa xay hoặc chưa nghiền và hạt tiêu trắng chưa xay hoặc chưa nghiền tiếp tục là hai dòng hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này. Đồng thời, Đức và Hà Lan tiếp tục duy trì vị thế thị trường nhập khẩu nhiều hạt tiêu nhất từ Việt Nam.

Trái ngược với đó, hiện đang có thông tin từ tháng 1/2022, tiêu Brazil nhập khẩu vào châu Âu phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm về chỉ số Salmonela. Dự báo điều này sẽ gây khó khăn cho hồ tiêu Brazil, đồng thời rộng cửa hơn với hồ tiêu Việt Nam.

Trên thị trường thế giới, theo trang Business Wire, quy mô thị trường gia vị toàn cầu dự kiến sẽ đạt 9,70 tỷ USD vào năm 2027, mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 6,5% từ năm 2020 đến năm 2027.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm có hương vị đích thực ở cấp độ toàn cầu được kỳ vọng sẽ vẫn là một yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng ngành.

Hơn nữa, việc tăng chi tiêu cho ăn uống bên ngoài của giới trẻ trong những ngày cuối tuần được cho là sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của ngành dịch vụ ăn uống, do đó thúc đẩy nhu cầu về gia vị trong vài năm tới.

PV