Hàng không tư nhân Hoa Kỳ "bành chướng" hậu Covid: Liệu phân bổ cứu trợ của chính phủ đã đến tay đúng người?

10:16 24/12/2021

Dịch vụ hàng không tư nhân ngày càng bùng nổ tại Mỹ nhờ các khoản cứu trợ dịch bệnh khổng lồ của chính phủ và trở nên lớn mạnh đến mức chuyên gia và giới chức nước này kêu gọi các công ty ngay lập tức hoàn trả hỗ trợ.

Các hãng máy bay tư nhân đang ngày càng trở nên phổ biến sau các gói cứu trợ lớn COVID-19. Họ có phải là một 'khoản tiếp tay cho những người giàu có' không? 

Hàng không tư nhân hưởng lợi lớn từ các gói cứu trợ Covid của chính phủ Mỹ nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi
Hàng không tư nhân hưởng lợi lớn từ các gói cứu trợ Covid của chính phủ Mỹ nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi. (Ảnh: Getty Images)

Những lo ngại về sức khỏe khi di chuyển bằng đường hàng không thương mại trong đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự bùng nổ hoạt động du lịch bằng máy bay tư nhân, một xu hướng mới nổi gần đây tại Hoa Kỳ nhưng đã gây ra không ít tranh cãi về thuế và các khoản cứu trợ chính phủ. Thậm chí, một số nhà phê bình gọi đây là hành vi "tiếp tay cho kẻ giàu".

Cuộc "giải cứu" cấp liên bang trị giá hàng nghìn tỷ đô la dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bao gồm khoản tiền hàng tỷ đô chi riêng cho các hãng hàng không trong bối cảnh hạn chế đi lại. Theo một báo cáo cho thấy, hơn nửa tỷ đô la được trích từ khoản này đã rơi vào túi của các hãng bay cung cấp dịch vụ máy bay phản lực tư nhân cho giới lắm tiền nhiều của.

Mùa hè năm 2020, vào thời điểm chương trình cứu trợ đầu tiên cho ngành hàng không được tung ra, các chuyên gia cho rằng nhiều nhà khai thác máy bay tư nhân sẽ giống như hàng không thương mại đối mặt với sụt giảm doanh thu đáng kể. Bản thân các giám đốc điều hành của các hãng tư nhân cũng lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ. Đồng thời, nhiều người trong số này cũng chia sẻ họ nhìn ra dấu hiệu của một cuộc bùng nổ sắp tới được thúc đẩy bởi đại dịch. Dự báo này đã thành hiện thực, biến ngành công nghiệp ngách trở thành tâm điểm của nền kinh tế. Giới phân tích chỉ ra hàng không tư nhân hiện đã vượt quá mức độ phổ biến trước đại dịch, người sử dụng dịch vụ có thể phải chi trả lên tới 20 nghìn đô cho một chuyến bay.

Travis Kuhn, Phó Chủ tịch phụ trách tình báo thị trường của công ty tư vấn hàng không ARGUS International cho biết: "Hàng không tư nhân phục hồi nhanh hơn các ngành khác, bao gồm hàng không thương mại. Tại thời điểm này, du lịch bằng máy bay tư nhân ngày nay lớn hơn khoảng 15% so với hai năm trước". Ông cũng nhấn mạnh sở dĩ khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ tư nhân là vì lợi ích sức khỏe, tránh tiếp xúc đông người ở sân bay. Giới siêu giàu nước Mỹ đã phát hiện ra lợi thế vừa tiết kiệm thời gian vừa năng suất của loại hình này.

Cũng trong năm 2020, theo phân tích của Accountable, các công ty hàng không tư nhân đã thu được tổng cộng 643 triệu đô la nhờ Chương trình Hỗ trợ Tiền lương, Chương trình Bảo vệ Chi phí Trả lương và Chương trình cho vay Thảm họa Kinh tế dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Một số gói duy trì hỗ trợ sau này thậm chí còn giải phóng nguồn vốn lớn hơn thế nữa cho ngành công nghiệp hàng không tư nhân. Phần lớn các khoản tiền này là viện trợ không hoàn lại, miễn là người thụ hưởng hạn chế buộc nhân viên thôi việc cho đến hết tháng 9 năm 2021.

Tuy nhiên một số nhà phê bình lên tiếng rằng, các công ty đã phục hồi nhanh chóng, đã có đủ trợ lực nhanh chóng tự nguyện hoàn lại số trợ cấp. Kyle Herrig, Chủ tịch của Accountable.US, chia sẻ: "Trong những ngày vừa qua có vẻ như nhiều doanh nghiệp hàng không tư nhân đang ăn mừng. Đã đến lúc họ trả lại tiền cho công dân đóng thuế trên toàn nước Mỹ". Một trong số những người chơi nhận gói cứu trợ lớn nhất là OneSky Flight có trụ trở tại Ohio, điều hành nhiều thương hiệu như FlexJet, Sentient Jet và PrivateFly. Công ty này đã nhận được 81 triệu đô la từ đạo luật CARES, sau đó FlexJet, Sentient Jet và PrivateFly tiếp tục thu về thêm hơn 50 triệu đô khác tiền hỗ trợ.

Ban lãnh đạo Onesky mô tả công việc kinh doanh phục vụ nhóm khách hàng có giá trị ròng cao, chủ yếu bao gồm doanh nghiệp, giới siêu giàu đi du lịch. Các công ty kết nối với khách hàng nổi tiếng như phi hành gia Buzz Aldrin và vận động viên chơi gôn Bubba Watson. Khi Onesky liên hệ với chính phủ liên bang xin tiền cứu trợ, họ đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của đội ngũ nhân viên gồm phi công, tiếp viên,...

Dan Hubbard, người phát ngôn của Hiệp hội Hàng không Quốc gia nhận định rằng, "các doanh nghiệp này đã yêu cầu viện trợ liên bang với cùng một lý do như bao công ty khác: Giữ chân nhân viên". Ông Hubbard cho biết: "Khoản hỗ trợ đến vào thời điểm khủng hoảng đã phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, mở đường phục hồi. Thế nhưng nếu chính phủ liên bang từ chối cứu trợ các công ty khác trong ngành, có cùng một lí do sẽ giáng một đòn mạnh vào toàn bộ lực lượng lao động hàng không Mỹ". Giới phê bình liên tục nhấn mạnh hãng hàng không tư nhân có đủ khả năng hỗ trợ nhân viên và cho rằng mặc dù loại hình dịch vụ này tạo việc làm nhưng chỉ chiếm thiểu số trên thị trường lao động, sẽ tốt hơn nếu cứu trợ người khác cần thiết hơn.

Steve Ellis, Phó Chủ tịch của Common Sense bày tỏ, sự thành công của các công ty này đã làm suy yếu tinh thần của các chương trình viện trợ tài chính. Theo ông, những chương trình này không được thiết kế và cũng không nên làm cho một bộ phận số ít trở nên khá giả vượt bậc. Hãy hiểu rằng cứu trợ là cầu nối giúp nền kinh tế phát triển tốt hơn. Ông nói: "Hàng không tư nhân được hưởng lợi từ gia tăng lãi suất trong thời kỳ đại dịch vì họ nhận được tiền mặt cứu trợ từ tiền thuế của người dân và hoạt động kinh doanh tăng vọt".

Bất chấp chỉ trích, những người ủng hộ nhóm ngành mới nổi lập luận rằng, các bên khai thác tư nhân cũng phải đối mặt với sụt giảm doanh thu nghiêm trọng vào cao điểm dịch bệnh từ giữa tháng 3 đến tháng 5/2020. Về cơ bản tổn thất của họ không thua kém so với hàng không thương mại. Doug Gollan, Biên tập viên của Private Jet Card Comparisons, một blog chuyên về lĩnh vực hàng không tư nhân ca ngợi thành công của ngành này phản ánh vai trò của đạo luật CARES đưa doanh nghiệp đứng vững trở lại. 

Rất khó để xác định ai đúng ai sai trong câu chuyện này nhưng nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi liệu có nên nhắm mục tiêu sát hơn, cẩn trọng hơn trước khi tung ra các gói cứu trợ. Hạ nghị sĩ Jim Clyburn đã kêu gọi bốn hãng hàng không trả lại hàng trăm triệu đô la tiền quỹ của chính phủ: "Điều đáng lo ngại là Kalitta Air đang nhận được hơn 161 triệu đô la tiền đóng thuế nhằm trang trải tiền lương và lợi ích của người lao động, mặt khác nhu cầu sử dụng dịch vụ của hãng cũng tăng lên. Công ty làm ăn khấm khá thì nên trả lại tiền cho kho bạc nếu không sẽ không phù hợp với mục tiêu của Quốc hội". Gallagher, người trong ngành thở dài ngao ngán: "Chúng tôi thấy các đối thủ đang rất thành công và quay trở lại mức trước đại dịch. Tôi rất vui vì những khoản tiền có ích cho mọi người duy trì việc làm nhưng nhiều công ty trong số ngày ngày càng bành chướng thực hiện các thương vụ mua lại, mở dự án kinh doanh mới. Tôi hy vọng họ sẽ trả lại hàng chục triệu đô la đã lấy chỉ để làm bảng lương vài tháng trước".

TL