Hàn Quốc ngày càng xuất hiện nhiều tỷ phú tự thân, thay cho người thừa kế của các gia tộc

14:23 14/08/2021

Brian Kim, nhà sáng lập tập đoàn nhắn tin Kakao, là ví dụ nổi bật nhất khi vượt qua "thái tử" Samsung Jay Y. Lee để trở thành người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản trị giá 12,9 tỷ USD. Ngoài Brian, Hàn Quốc còn có rất nhiều những tỷ phú tự thân khác đang khẳng định vị thế. Như Seo Jung-jin, nhà sáng lập công ty ty công nghệ sinh học Celltrion, sở hữu khối tài sản khoảng 10 tỷ USD; Bom Kim – một người Mỹ gốc Hàn, nhà sáng lập sàn thương mại điện tử Coupang, hay Chang Byung-gyu, ông chủ hãng game Krafton...

 

Ông Brian Kim. (Ảnh: Kakao)
Ông Brian Kim. (Ảnh: Kakao).

Hàn Quốc gần đây còn xuất hiện nhiều tỷ phú tự nhân khác trong lĩnh vực công nghệ. Sự xuất hiện của lớp tỷ phú này là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế với quy mô 1,6 nghìn tỷ USD của Hàn Quốc đang bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng mới, ít phụ thuộc hơn vào các tập đoàn gia đình vốn có sức mạnh to lớn trong tất cả các lĩnh vực đời sống ở nước này. Một số chuyên gia cho rằng lớp người giàu mới có nhận thức rõ hơn về bất bình đẳng gia tăng trong xã hội Hàn Quốc và sẵn sàng cho đi nhiều hơn.  

“Đây là một sự dịch chuyển tích cực đối với Hàn Quốc”, giáo sư Kim Kyonghwan thuộc Đại học Sungkyunkwan, nhận định. “Lớp người giàu mới sẽ trở thành tấm gương cho giới trẻ, để giới trẻ thấy tự thân làm giàu là việc có thể, thay vì chỉ trông chờ vào thừa kế”.

Trong suốt nhiều thập kỷ, các chaebol giữ vai trò trụ cột cho nền kinh tế được coi là “điều thần kỳ” của khu vực châu Á, khi Hàn Quốc vươn lên từ đống tro tàn của cuộc chiến tranh Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo chính trị Hàn Quốc đã dựa vào những tập đoàn như: Hyundai, Samsung, LG và Hanjin để xây dựng lại đất nước, nhờ đó những tập đoàn này có ảnh hưởng rất lớn. Qua năm tháng, vài trong số những tập đoàn này vướng vào những vụ bê bối và tham nhũng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, cũng như vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận trong nước.

Theo Bloomberg, Hàn Quốc một thời được thống trị bởi các chaebol đang dần trở thành nơi nở rộ của các startup công nghệ. Trong bối cảnh Covid-19 thúc đẩy mạnh nhu cầu đối với hàng loạt lĩnh vực như thương mại điện tử, giải trí và công nghệ sinh học, giới đầu tư đã rót hàng tỷ USD cho các vòng gọi vốn, IPO, và mua lại startup công nghệ. Riêng 6 tháng đầu 2021, vốn đầu tư mạo hiểm rót vào Hàn Quốc đã đạt 2,7 tỷ USD (3.007 tỷ KRW) - mức cao kỷ lục trong giai đoạn 6 tháng theo dữ liệu từ Chính phủ.

"Giờ là thời điểm tốt để các startup phát triển và huy động vốn", Giáo sư Kim Kyonghwan tại Đại học Sungkyunkwan ở Suwon, nhận xét. Ông đồng thời dự báo Hàn Quốc sẽ chứng kiến nhiều tỷ phú tự thân nữa vượt qua những tỷ phú truyền thống trong tương lai.

Trong số những doanh nhân, tỷ phú tự thân mới nổi tại Hàn Quốc, phải kể đến Brian Kim - nhà sáng lập ứng dụng Kakao Talk. Sở hữu khối tài sản trị giá 12,9 tỷ USD, ​​Kim đã thay thế Jay Y. Lee - người thừa kế Tập đoàn Samsung, để trở thành người giàu nhất Hàn Quốc. ​​

Ngoài Brian Kim, bảng xếp hạng người giàu Hàn Quốc còn có những cái tên tỷ phú tự thân nổi bật khác như Chang Byung-gyu, Bom Kim và Seo Jung-jin; tất cả đều làm giàu từ lĩnh vực công nghệ. Chang Byung-gyu là Chủ tịch của Krafton - công ty sở hữu tựa game sinh tồn nổi tiếng PUBG. Vào tuần này, Chang đã hoàn tất đợt IPO của Krafton, qua đó nâng khối tài sản của bản thân lên 2,9 tỷ USD. 

Trong khi đó, Bom Kim là nhà sáng lập, CEO của Coupang - trang thương mại điện tử được ví như Amazon của Hàn Quốc, và là một trong số ít startup kỳ lân tại xứ sở kim chi. Còn Seo Jung-jin là nhà sáng lập công ty công nghệ sinh học Celltrion, từng giữ vị trí người giàu nhất Hàn Quốc năm nay vào đầu tháng 6.

Theo một số chuyên gia, thế hệ người giàu mới nhận thức rõ hơn về bất bình đẳng gia tăng trong xã hội Hàn Quốc và sẵn sàng cho đi nhiều hơn. Bản thân một số tỷ phú mới nổi Hàn Quốc cũng tích cực làm từ thiện. Brian Kim và ông Kim Bong-jin - nhà sáng lập ứng dụng giao hàng thực phẩm Woowa Brothers, đã cam kết cho đi phần lớn tài sản của mình - điều trái ngược với các gia tộc chaebol, những người thường không có những động thái làm từ thiện cá nhân mà có xu hướng làm từ thiện thông qua doanh nghiệp.

Theo Park Ju-gun - Chủ tịch Công ty nghiên cứu doanh nghiệp Leaders Index, nhiều chaebol đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì sử dụng các hình thức đáng ngờ để chuyển giao tài sản cho doanh nghiệp mà họ kiểm soát. Điều này thường gây khó khăn cho các cổ đông thiểu số. Trong khi đó, hành động tương tự của doanh nghiệp trong nền kinh tế sẽ được xem xét kỹ lưỡng.

My An (tổng hợp)

Tags: