Hàn Quốc đối mặt với làn sóng “thiên vị vaccine”

22:17 14/08/2021

Mặc dù thiếu nguồn cung vaccine Covid-19 nhưng tại Hàn Quốc đang xuất hiện làn sóng “né tránh” tiêm vaccine AstraZeneca do lo ngại có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp như cục máy đông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Trước lo lắng trên cả nước, một số bệnh viện địa phương đã loại bỏ vaccine AstraZeneca. Vào tháng 7, chính phủ đã hạn chế việc sử dụng vaccine này cho những người trên 50 tuổi vì tiềm ẩn tác dụng phụ và kết quả là người dân mong muốn được tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna đã được phát triển bằng công nghệ mRNA hơn là các phương pháp truyền thống. Các loại vaccine Moderna hay Pfizer cũng được cho là có tỷ lệ hiệu quả cao hơn các loại vaccine khác.

Theo dữ liệu từ nền tảng đặt lịch tiêm vaccine và các bệnh viện địa phương, rất ít người tìm kiếm vaccine AstraZeneca nhưng vacicne Pfizer hết sạch trong vòng chưa đầy một phút. Một quan chức của một bệnh viện địa phương ở Seoul cho biết: “Hầu như không có người đặt chỗ trước cho vaccine AstraZeneca mặc dù chúng tôi đã đăng thông tin vaccine trên các nền tảng đặt lịch trực tuyến. Chúng tôi nghĩ rằng nhiều người cho là vaccine AstraZeneca có thể gây ra tác dụng phụ”.

Dữ liệu từ một cuộc khảo sát với 1.000 người Hàn Quốc do KSTAT Research thực hiện từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 cho thấy, những người được hỏi ưa thích loại vaccine của Pfizer với 84,8%, tiếp theo là Moderna (83,6%), AstraZeneca (60,7%) và Janssen (57,6 phần trăm).

Khi số lượng các trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 tiếp tục vượt ngoài tầm kiểm soát do sự lây lan của biến thể Delta và tình trạng thiếu vaccine diễn ra, công chúng Hàn Quốc đã thể hiện sự phẫn nộ trên diện rộng chống lại chính phủ. Những người lớn tuổi đổ lỗi cho chính quyền không đảm bảo đủ vaccine, trong khi những người trẻ trở nên nhạy cảm hơn với biến thể mới, lo sợ lịch tiêm chủng có thể bị gián đoạn mặc dù chính phủ cho biết những người trong độ tuổi từ 18 đến 49 đủ điều kiện để tiêm vaccine mRNA từ ngày 26 tháng 8 đến ngày 30 tháng 9. Chính phủ đã kỳ vọng có thể tiến hành lịch trình tiêm chủng thuận lợi để đạt được mục tiêu miễn dịch vào tháng 11 năm nay, tuy nhiên, kế hoạch đã bị gián đoạn do Moderna đã giảm một nửa lô hàng dự kiến ​​trong tháng này.

Đáp lại thông tin từ nhà sản xuất vaccine, chính quyền cho biết, họ đã ngay lập tức phản đối bất kỳ sự chậm trễ nào và đang cử một phái đoàn do Thứ trưởng Bộ Y tế Kang Do-tae dẫn đầu đến trụ sở của Moderna ở Hoa Kỳ để thúc giục các chuyến hàng như đã thỏa thuận. Các chính trị gia đã kêu gọi người đứng đầu Samsung, Lee Jae-yong, đóng vai trò đảm bảo rằng vaccine Moderna do công ty liên kết sản xuất thuốc Samsung Biologics của tập đoàn được cung cấp cho người dân Hàn Quốc.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc Song Young-gil trước đó trả lời các phóng viên rằng, chính phủ cần thúc đẩy tham vấn tích cực giữa Moderna và Samsung Biologics để vaccine sản xuất tại Hàn Quốc có thể được đưa vào sử dụng. Kể từ khi Moderna dẫn lý do trì hoãn giao hàng bởi ảnh hưởng của hoạt động thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, một số nhà quan sát tin rằng nguồn cung vaccine Moderna do Samsung Biologics sản xuất có khả năng sẽ được phân phối tại Hàn Quốc sau các cuộc đàm phán. Samsung Biologics đã bắt đầu sản xuất vaccine Moderna tại nhà máy của mình từ đầu quý III.

TL