Hà Nội chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng kí vào Việt Nam

10:25 02/10/2023

Thực tế, thành phố Hà Nội đã liên tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nhiều năm trở lại đây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Vũ Duy Tuấn, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, thành phố có tiềm năng và cơ hội lớn phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn. Thực tế, Hà Nội đã liên tục dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn FDI trong nhiều năm trở lại đây.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng chứng kiến mức tăng 2% so với cùng kỳ; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 15%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 22%; doanh nghiệp giải thể giảm 1%.

Tính đến ngày 20/9/2023, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công là 23.469 tỷ đồng đạt 44,2% kế hoạch thành phố giao và đạt 50% kế hoạch Thủ tướng giao. Sở KH&ĐT nhận định, kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm 2023 đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước và hàng tháng đều cao hơn mức trung bình của cả nước.

Trong thu hút FDI, Hải Phòng hiện xếp ở vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,21 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 82,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TPHCM, Bắc Giang, Bình Dương…

Nếu xét về số dự án thì TPHCM là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ tương ứng lần lượt là 38,2%, 23% và 66,3%.

Tính chung cả nước, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 9 tháng qua, tổng vốn FDI thu hút đạt trên 20 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Trong đó nhiều dự án có chất lượng cao, đúng với quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao chất lượng, hiệu quả Hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Nếu đầu năm, các dự án FDI giải ngân khá cầm chừng, kết thúc 9 tháng, tổng vốn giải ngân ước đạt 16,6 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất cùng kỳ trong giai đoạn 05 năm qua. Vốn FDI giải ngân tập trung nhiều ở những địa phương có thế mạnh về hạ tầng kết nối và môi trường đầu tư kinh doanh.

Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tính từ đầu quý III qua các tháng đều tăng, đặc biệt là tháng 9 đã tăng kỷ lục. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, họ đã thấy được cơ hội sản xuất kinh doanh cũng như chi phí cơ hội, tỷ suất lợi nhuận tích cực hơn.

Trong số 102 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,98 tỷ USD, chiếm hơn 19,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, con số này giảm 15,2% so với cùng kỳ 2022.

Mai Hoa (t/h)