Ảnh minh họa

Làng Ngọc Động (xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Nam) nổi tiếng với nghề truyền thống mây tre đan. Nơi đây luôn là địa chỉ đáng tin cậy của những người đam mê những nét đẹp truyền thống và cũng hết sức dung dị. Đặc biệt, nơi đây cũng là nơi sản xuất ra bộ bàn ghế mây đặt tại nhà sàn Bác Hồ, đại sứ quán Dân chủ Cộng hòa Triều Tiên cũng đã đặt một bộ salon cho Chủ tịch Kim Nhật Thành, những điều này như một minh chứng cho chất lượng của sản phẩm tâm huyết của người dân Ngọc Động.

Các sản phẩm mây tre đan từ làng Ngọc Động mang đậm “hồn Việt” vì chúng được làm bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Từng đường đan, các mối dây đều được làm tỉ mỉ bằng tay, từ đó những sản phẩm mây tre đan tại đây đều khác nhau, mang đậm không chỉ dấu ấn cá nhân mà còn cả dấu ấn quê hương Ngọc Động. 

Những sản phẩm mang
Những sản phẩm mang "hồn truyền thống". 

Người dân Ngọc Động đã gắn bó với nghề đan từ thuở tấm bé, với họ, những sản phẩm mây tre đan chính là niềm tự hào. “Làng nghề truyền thống mây tre đan”, nhắc đến đây thôi người ta đã nhớ ngay tới Ngọc Động, những tiếng thiêng liêng mà đầy tự hào. Đó có lẽ chính là điều khiến những người con nơi đây, mặc cho sự mai một của rất nhiều làng nghề ngoài kia, vẫn luôn miệt mài với nghề. Họ ngày đêm làm ra các sản phẩm truyền thống như giỏ tre, làn mây nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Hòa đã bắt đầu làm nghề từ khi còn là cô thiếu nữ 15-16 tuổi, giờ đây đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” bà vẫn tiếp tục gắn bó với nghề. Với bà, nghề truyền thống quan trọng như cuộc sống. “Tôi còn sẽ còn theo nghề đến lúc nào sức khỏe không đáp ứng được nữa thì thôi. Còn sức là còn làm, còn khỏe là còn theo nghề”.

 

Ảnh minh họa

Hiện nay, quy mô sản xuất vẫn là các hộ gia đình nhỏ lẻ, nhưng đã được quy hoạch hóa và phát triển để giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Các hộ gia đình sẽ chia nhau sơ chế các phần của một sản phẩm để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ. Sau đó, các thành phẩm sẽ được thu mua và đóng gói, cung cấp đến các khách hàng. Công việc sản xuất được quy trình hóa giúp người dân không chỉ có thêm thu nhập từ các khách hàng mới mà còn rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm.

Mây tre đan có ưu điểm với vốn ban đầu ít (từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng), công việc không phải di chuyển nhiều và có thể làm lúc nông nhàn khiến nhiều người lựa chọn việc làm mây tre đan để tăng thêm thu nhập những lúc rảnh rỗi. Tại Ngọc Động, tình yêu làng nghề truyền thống dường như đã ngấm vào từng hơi thở của từng người dân, từ người già, phụ nữ và cả trẻ em đều luôn say mê với nghề đan lát, say mê cái đẹp và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của quê hương. 

Ảnh minh họa

Ngọc Động ngày nay đã khoác lên mình một chiếc áo mới tân thời hơn, màu sắc hơn. Từ những sản phẩm mây tre đan thủ công, dưới sự sáng tạo của người con Ngọc Động đã biến thành những sản phẩm bắt mắt. Không chỉ mây tre đan, các sản phẩm mới của làng nghề truyền thống này còn là tre ghép, nứa ghép được đặt hàng từ rất nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, có thể kể đến như tập đoàn Target của Mỹ hay FLC của Việt Nam.

Để có được sự phát triển như ngày hôm nay, không thể kể đến công sức của những người tiên phong, mang sản phẩm truyền thống ra khỏi biên giới Tổ Quốc. Ông Nguyễn Xuân Mai, một người con của vùng quê Ngọc Động, sinh ra và lớn lên bởi một gia đình có truyền thống làm mây tre đan bao đời. Nhận ra được sự phát triển, thay đổi của nền kinh tế cũng như thấy trước được sự mai một của nghề quê hương, ông Mai đã quyết tâm biến những sản phẩm mây tre quê nhà thành sản phẩm được săn đón tại xứ người. 

"Chiếc áo mới" cho mây tre đan Ngọc Động.
Ảnh minh họa

Không chỉ duy trì những nghề cũ như là bàn ghế mây, giỏ tre, ông Mai đã tìm tòi, học hỏi và mở rộng đa dạng các mẫu mã. Giờ đây mây tre đan Ngọc Động không chỉ được biết đến bởi sự bền, đẹp mà còn cả vẻ độc đáo trong sản phẩm từ những chiếc bình mây tre ghép giả gốm sứ, với bề ngoài trông như gốm nhưng lại nhẹ và bền, khó bị hư hỏng bởi va đập, cho đến sản phẩm như chậu đựng cây thông được các khách hàng rất ưa chuộng.

Công ty mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam của ông Mai là nơi thu mua những sản phẩm từ bà con và kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Không chỉ hỗ trợ người dân về nguồn khách hàng phong phú trong và ngoài nước, công ty còn mở những lớp đào tạo để dạy người dân sản xuất các sản phẩm mới, hợp thị hiếu khách hàng, hỗ trợ đóng gói, tạo ra những thương hiệu Made in Vietnam, mang niềm tự hào không chỉ của làng Ngọc Động mà còn cả quê hương Hà Nam đến với những khách hàng nước ngoài khó tính.

Ảnh minh họa

Sự phát triển của sản phẩm truyền thống, cũng như việc thành lập của Công ty Mây Tre Xuất Khẩu Ngọc Hà Nam đã mang lại cơ hội việc làm cho những người con Ngọc Động. Giờ đây họ không còn phải xa xứ làm ăn mà đã có thể trở về quê hương, chuyên tâm phát triển nghề. Tuy số lượng thanh niên về làng chưa nhiều, thế nhưng đây đang là tín hiệu mừng cho những người giữ nghề.

Người dân quay trở lại với nghề truyền thống
Người dân quay trở lại với nghề truyền thống.

Người còn thì nghề còn, với những nỗ lực khôi phục của thế hệ cũ, tới Ngọc Động giờ đây, người ta lại thấy những gia đình 2-3 thế hệ cùng nhau đan mây tre. Quê hương vẫn có những người con quyết tâm bám trụ lấy nghề, không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì cả tình yêu sản phẩm quê hương luôn chảy trong họ kể từ khi lọt lòng.

Ảnh minh họa

Với tương lai lạc quan về sự phát triển của làng nghề và việc người trẻ quay về làng phát triển nghề truyền thống, chắc chắn những sản phẩm mây tre của làng Ngọc Động sẽ ngày càng phát triển. Mai đây, những người con Ngọc Động sẽ mang thương hiệu truyền thống đi khắp năm châu.

Nguồn: Danviet.vn