GS.TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Hoa Kỳ): Cần 4 gói hỗ trợ để phục hồi kinh tế

23:55 21/11/2021

“Chiến lược tài chính phải bám sát chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chiến lược này là trụ cột quan trọng bậc nhất để Việt Nam cất cánh trong 10 năm tới…”, GS.TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) chia sẻ tại Diễn đàn tài chính Việt Nam 2021 với chủ đề: “Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam”, do Bộ Tài chính tổ chức.

dd
GS.TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Hoa Kỳ)

Ông Ngọc Anh cho rằng, để phục hồi kinh tế, chính sách tài khoá cần góp sức và đóng vai trò quan trọng trong triển khai 4 gói hỗ trợ.

Đầu tiên là gói hỗ trợ về y tế, vì đây là vấn đề gốc để kiểm soát tốt dịch bênh. Bài học từ thế giới cho thấy, để phục hồi nền kinh tế, các nước chi cho gói hỗ trợ về y tế tương đương khoảng trên dưới 1% GDP, nhưng Việt Nam mới ở mức từ 0,3-0,4% GDP.

“Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tôi mong nguồn lực chi cho y tế phải nhanh và mạnh hơn. Theo đó, ngoài đầu tư cấp bách cho phát triển ngành công nghiệp y tế với trọng tâm là đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế (vừa qua quá phụ thuộc vào nhập khẩu); còn là đầu tư cho phát triển hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế; hỗ trợ thỏa đáng cho cán bộ y tế bởi cơ chế hỗ trợ hiện tại chưa đủ…”, ông Ngọc Anh đề xuất.

Gói hỗ trợ thứ hai cần triển khai là tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều công ty phải đóng cửa. Bài học hỗ trợ của thế giới cho thấy có 2 cách: giảm thuế, phí và hỗ trợ nguồn lực tài chính trực tiếp. Do các nước đang phát triển thường có hệ thống quản trị hạn chế, nên cách giảm thuế, phí hiệu quả hơn vì minh bạch và nhanh hơn nhiều so với các hình thức hỗ trợ nguồn lực trực tiếp phải thông qua quá trình phê duyệt, mà ở đó sự quan liêu của cơ quan quản lý dễ khiến nguồn lực hỗ trợ chậm đến doanh nghiệp, đồng thời tạo ra nguy cơ thất thoát nguồn lực. Do đó, Việt Nam nên chọn cách giảm thuế, phí để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Theo GS.TS Trần Ngọc Anh, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, Bộ Tài chính cần tìm ra cơ chế cho vận hành linh hoạt quỹ dự phòng để phản ứng nhanh với các diễn biến khó lường của dịch bệnh, chứ hiện có quỹ nhưng vướng mắc nhiều, nên không hoạt động hiệu quả…

Gói hỗ trợ thứ ba hướng tới người dân, người lao động. Vừa qua, Việt Nam đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, nhưng chưa hướng tới khoảng 35% lao động tự do, trong khi họ là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Để hỗ trợ nhóm lao động tự do, các nước thường sử dụng dữ liệu từ thẻ căn cước công dân và hệ thống công nghệ. Cách làm này không tránh khỏi thất thoát nguồn lực, nhưng vì lợi ích của nhóm đối tượng này, nên cần chấp nhận một tỷ lệ thất thoát để triển khai được. Ở Việt Nam có tâm lý ngại rủi ro, vì làm được không sao, nếu xảy ra thất thoát thì bị truy trách nhiệm cá nhân…

Thứ tư, Việt Nam cần có gói hỗ trợ tài khóa mang tính trung hạn để đầu tư vào một số lĩnh vực, ngành có sự thất bại của thị trường, để tiếp sức cho sự phục hồi của nền kinh tế như: công nghiệp y tế, kinh tế số, công nghệ xanh…

Đồng tình với cần thúc đẩy đầu tư công, nhưng ông Sebastian Paust, Tham tán, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức, cho rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam cần huy động đầu tư từ khu vực tư nhân nhiều hơn, đồng thời cần có chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển hạ tầng gắn với phát triển bền vững; thực hiện cải cách chính sách thuế, thu ngân sách hiệu quả hơn..., qua đó đảm bảo việc điều hành và thực thi chính sách tài khoá linh hoạt, bền vững hơn...

Khánh Anh