“EVFTA là ngọn hải đăng cho các dự án hợp tác thành công giữa DN EU và DN Việt"

00:00 12/10/2020

EVFTA đã đi vào thực thi được gần 2 tháng, còn nhiều mới mẻ với doanh nghiệp, nhưng đã có những chỉ dẫn cho thấy, doanh nghiệp đã bắt nhịp và tận dụng được lợi ích từ FTA này. Trao đổi về vấn đề xoay quanh Hiệp định EVFTA với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF) nhận định, Việt Nam có thể tận dụng “sức mạnh mới” từ vị thế được khẳng định sau đại dịch Covid-19 cùng Hiệp định EVFTA để phục hồi kinh tế.

GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF)

Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực gần 2 tháng, theo nhìn nhận của ông, Việt Nam đã thực sự bước vào cuộc hội nhập này chưa? Cụ thể là như thế nào?

Ông Andreas Stoffers: Việt Nam đã thực hiện các bước cần thiết để hiện thực hóa Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, về nguyên tắc, EVFTA sẽ không thay đổi nhiều nếu không có thêm những hành động cụ thể. Đúng hơn, sau nhiều lời nói rất ngọt ngào về các lợi ích được mang lại, cần phải đưa lời nói ấy vào hành động để hiện thực hóa các lợi ích đó. Nếu không có một kế hoạch thực hiện đồng bộ, thì ngay cả Hiệp định thương mại tự do, bản thân nó dẫu có tuyệt vời đến đâu cũng sẽ không thể có kết quả. Theo quan điểm của tôi, để Việt Nam có thể chuẩn bị tốt cho việc áp dụng EVFTA, nên có kế hoạch nên bao gồm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên cần tiếp tục các sự kiện truyền thông, bao gồm các sự kiện thông tin ở các tỉnh để thông báo cho chính quyền, Hiệp hội doanh nghiệp và các công ty về những đổi mới của EVFTA. Tổ chức của chúng tôi (FNF) thời gian vừa qua đã thực hiện thành công các sự kiện này với Bộ Ngoại giao . Trong giai đoạn thứ hai, các sự kiện kinh doanh theo ngành và khu vực sau đó cần phải diễn ra, tốt nhất là nên cùng thực hiện với các tổ chức lớn như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và các phòng thương mại, tổ chức kinh doanh quốc gia của EU. Song song với đó, trong giai đoạn thứ ba, cần tạo ra khung hợp tác cho doanh nghiệp giữa doanh nghiệp EU và Việt Nam. Với mục đích này, cần phải tìm kiếm thêm doanh nghiệp Việt Nam để doanh nghiệp được đào tạo và chuẩn bị. Những doanh nghiệp Việt Nam được chọn lựa sẽ được kết nối với doanh nghiệp phù hợp trong Liên minh châu Âu. Sau đó, những doanh nghiệp phù hợp sẽ cùng tham gia dự án chung, mô hình đó có thể được nhân rộng để các bên cùng tham gia.

Và một điểm quan trọng là Việt Nam nên quảng bá thương hiệu của mình mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường EU với tư cách là một đối tác thương mại và điểm đến đầu tư. Lời khuyên của tôi là nên đầu tư vào các chiến dịch quảng bá hình ảnh. Tóm lại, Việt Nam đã tham gia Hiệp định, nhưng còn phải làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là ở cấp vi mô.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội vàng khi EVFTA có hiệu lực

Nhiều dự báo cho rằng, cùng với tác động của dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, EVFTA sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư mạnh mẽ của châu Âu vào Việt Nam. Vậy theo ông Việt Nam có phải là một điểm đến hấp dẫn trong cùng khu vực ASEAN?

Ông Andreas Stoffers: Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nêu gương bằng cách xử lý đại dịch Covid19 một cách rất thành công. Bây giờ, điều quan trọng là phải thiết lập một lộ trình để phục hồi cuộc khủng hoảng kinh tế sau đại dịch. Với việc triển khai EVFTA một cách hiệu quả và thành công, Việt Nam cũng có thể là một tấm gương cho thương mại tự do, sẽ được các nước thành viên ASEAN khác noi theo. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời điểm chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu nổi lên và căng thẳng Mỹ-Trung đang nghiêm trọng. Nhiều công ty đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh đó, EVFTA thậm chí có thể là hình mẫu cho một hiệp định EU-ASEAN tương ứng trong tương lai.

Theo tôi, Việt Nam thậm chí còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN. Một đóng góp quyết định cho điều này là chính sách mở cửa nhất quán của đất nước kể từ sau thời kì đổi mới. Việt Nam hiện có một trong những hệ thống kinh tế tự do nhất trong khu vực, điều này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tích cực tại đây với các điều kiện hấp dẫn và an ninh pháp lý. Không phải vô cớ mà Việt Nam là quốc gia được EU lựa chọn để ký Hiệp định thương mại tự do. Các quốc gia khác trong khu vực có thể muốn thực hiện điều này, nhưng tất nhiên là không dễ dàng. Một hiệp định thương mại tự do không thể đàm phán trong một sớm một chiều. Trong trường hợp của Việt Nam, nó đã mất khoảng 10 năm. Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội hơn các nước khác.

Có một thực tế rằng, EVFTA chính thức có hiệu lực ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế ở Việt Nam và châu Âu nói riêng. Điều này sẽ khiến hiệu quả của Hiệp định này bị hạn chế đi. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Andreas Stoffers: Tất nhiên, Covid19 thực sự là một kẻ thay đổi cuộc chơi, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm tất cả các FTA.

Tuy nhiên, tôi tin rằng EVFTA có thể giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư của châu Âu, đặc biệt khi một số công ty EU hiện đang có quan điểm chỉ trích đối với Trung Quốc. Thông qua EVFTA, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc các công ty EU, một mặt họ muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và một mặt là đang tìm kiếm một thị trường đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài EVFTA hiện đã ký kết, Việt Nam có chính sách thương mại tự do rất cởi mở và thể hiện điều này thông qua các hiệp định khác (ví dụ như CPTPP). Với tất cả sự đánh giá cao đối với EVFTA, không thể quên tác động rất tích cực của EVIPA. Đứng trong bóng tối của EVFTA, Hiệp định này thực chất là thỏi nam châm thu hút đầu tư của EU vào Việt Nam nếu được thúc đẩy mạnh hơn nữa trong các doanh nghiệp tại EU.

Rõ ràng là hiệu quả của EVFTA bị hạn chế bởi cuộc khủng hoảng Covid19 hiện tại. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này một ngày nào đó cũng sẽ kết thúc và kéo theo đó là nguồn cầu tồn đọng rất lớn từ nền kinh tế. Tất cả các quốc gia sau đó sẽ cố gắng phục hồi càng nhanh càng tốt. EVFTA sẽ đóng góp quan trọng vào việc này. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần chuẩn bị cho việc tái định vị ngay từ bây giờ để có thể khởi đầu nhanh chóng.

Trước hiệp định EVFTA, Việt Nam đã tham gia ký kết rất nhiều các FTA với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới, hay tham gia vào các cộng đồng kinh tế quốc tế. Ví như Việt Nam đã được kì vọng rất lớn khi tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hay trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thế nhưng từ thực tế và kỳ vọng dường như chưa cânbằng, từ góc độ của mình, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Andreas Stoffers: Những năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, môi trường kinh tế vĩ mô đã thay đổi. Việt Nam hiện là thị trường mở với tỷ trọng kim ngạch thương mại / GDP là 200%. Giá trị nhập khẩu đạt 253,07 tỷ USD năm 2019, gấp 5,74 lần so với mức 44,89 tỷ USD của năm 2006. Giá trị xuất khẩu đạt 264,19 tỷ USD năm 2019, gấp 6,7 lần so với mức 39,92 tỷ USD của năm 2006. Hoàn thành mục tiêu gia nhập WTO.

Quan trọng hơn, WTO thực giúp Việt Nam hội nhập nhiều hơn vào các quy tắc quốc tế. Hiện nay, Việt Nam biết rằng để xuất khẩu sản phẩm cần phải tuân theo một số tiêu chuẩn như Global GAP, ISO 9001,… đã có rất nhiều cải cách chính sách và mở rộng quan hệ, ví dụ như Luật Đầu tư, Luật Lao động. Theo quan điểm của tôi, con đường giờ khó khăn và chông gai hơn rất nhiều so với khi gia nhập WTO trước đây. Ở thời điểm tháng 1/2007, câu chuyện là Việt Nam hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Giờ đây, câu chuyện là vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn nhất trong thời kỳ hiện đại. Chính vì vậy, kỳ vọng đối với EVFTA hiện cao hơn so với các hiệp định trước đó, vì đây là một FTA thế hệ mới có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng và vì nó có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc tái định vị của Việt Nam sau Covid19. 

EVFTA sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư mạnh mẽ của châu Âu vào Việt Nam

Quay trở lại EVFTA, theo ông để biến những kỳ vọng từ EVFTA thành động lực để phát triển và hiện thực hóa lợi ích của Hiệp định trong thời gian sắp tới, ông có lời khuyên triển vọng hợp tác trao đổi thương mại và thu hút đầu tư giữa các doanh nghiệp châu Âu với doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Andreas Stoffers: Trên thực tế, kỳ vọng từ tất cả các bên về EVFTA là rất cao. Và có rất nhiều lý do cho nó. Tại thời điểm này, tôi không muốn đề cập nhiều đến lợi ích chung của FTA thế hệ mới này (và EVIPA), chẳng hạn như cơ hội thương mại tốt hơn, đầu tư nhiều hơn và lợi thế về đa dạng hóa các đối tác thương mại hơn, Công nghiệp 4.0 và số hóa sẽ hoạt động tốt hơn. Những ưu điểm này là rõ ràng, hoàn toàn chính xác và đã được thảo luận thường xuyên.

Lời khuyên của tôi là bây giờ chúng ta phải sử dụng các điều kiện tốt do EVFTA cung cấp và để hiện thực hóa nó. Theo tôi, có 3 cách tiếp cận rất có triển vọng để chuẩn bị cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam một cách tối ưu cho việc thực hiện EVFTA: Thứ nhất, ở tầm vĩ mô, chúng ta phải tiếp tục vận động, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan như VCCI, Bộ Ngoại giao, EuroCham hay Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu. Thứ hai, tổ chức nhiều hội thảo cho các công ty ở cấp tỉnh hoặc nhóm lại với nhau trong các lĩnh vực công ty riêng lẻ. Ở đây một lần nữa tôi đánh giá VCCI là một bên đóng vai trò quan trọng. Thứ ba, và đây là biện pháp tôi muốn nhấn mạnh, EVFTA - ngọn hải đăng cho các dự án hợp tác thành công giữa các doanh nghiệp EU và các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu những ngọn hải đăng này tồn tại, câu hỏi của doanh nhân được hỏi ngay từ đầu là làm thế nào đề đề ra những biện pháp rất cụ thể. Thật vậy, tôi tin rằng trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn có thể thành công trong việc thu được những lợi ích to lớn từ EVFTA. 

Vì mục tiêu này, tổ chức của chúng tôi (FNF) đã hợp tác rất chặt chẽ với VCCI Cần Thơ. VCCI Cần Thơ hiện đang xin ý kiến ​​chấp thuận của VCCI. Sau đó, VCCI Cần Thơ sẽ lựa chọn 3 đến 6 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Các công ty này sẽ nhận được sự đào tạo và chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ VCCI và từ phía EU. Các công ty sau đó sẽ được đối sánh với các công ty được lựa chọn cẩn thận và cũng được chuẩn bị ở cấp độ EU, ví dụ từ Đức, Ba Lan và Ý. Những hợp tác được thực hiện tốt nhất này sau đó sẽ trở thành hình mẫu cho những người khác và khuyến khích tất cả các bên tiếp tục tham gia. Mục đích cuối cùng là thiết lập hai hoặc ba hợp tác thành công giữa EU và Việt Nam, sau đó sẽ được quảng bá công khai. Chúng tôi muốn cùng với VCCI và EuroCham chứng minh rằng EVFTA hoạt động rất minh bạch và cởi mở.

Tôi tin chắc rằng nếu đồng hành cùng nhau chúng ta sẽ thành công trong việc biến EVFTA thành một câu chuyện thành công. Friedrich-Naumann-Foundation (FNF)  và tôi sẽ rất vui khi được hỗ trợ các Bộ và cơ quan chức năng cũng như các công ty Việt Nam để phần nào đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa EU và Việt Nam để tận dụng tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Bảo Trinh(t/h)