Gỗ quý tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, tỉnh Đắk Lắk lại bị khai thác trái phép

14:09 24/12/2020

Sáng 23/12, ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, tỉnh Đắk Lắk cho biết: đơn vị đang phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xử lý vụ chặt phá rừng nghiêm trọng xảy ra trong lâm phần do đơn vị quản lý.

Trước đó, vào ngày 14/11, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) phát hiện tại tiểu khu 618 và 622 do đơn vị quản lý có 81 cây gỗ bị chặt hạ, cưa xẻ trái phép, gồm: 78 cây căm xe, 2 cây gáo vàng và 1 cây bằng lăng đã bị lấy đi một phần thân, còn 41,602 m3 gỗ đang bị bỏ lại tại hiện trường. 

Một cây gỗ căm xe trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có đường kính gần 40cm bị đốn hạ.
Một cây gỗ căm xe trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có đường kính gần 40cm bị đốn hạ.

Theo ông Lê Minh Tiến, đây là vụ khai thác gỗ nghiêm trọng, phức tạp, khối lượng lâm sản thiệt hại lớn nên đơn vị đã có báo cáo với các cơ quan chức năng, trong đó đã có đề nghị công an, kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và chính quyền huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác gỗ trái pháp luật tại lâm phần của đơn vị.

“Tất cả các hồ sơ tôi đã chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar rồi và quan điểm của tôi, tôi đã nói các đồng chí rất nhiều rồi thì khi nào Công an huyện Ea Kar người ta khởi tố vụ án là tôi sẵn sàng dẫn các anh vào hiện trường luôn.... Cái việc này rất lớn, không có tiền lệ từ hồi giờ, phá kinh khủng lắm... Tôi là người muốn làm đến nơi đến chốn đầu tiên... Cái này không làm thì rừng rú còn đâu nữa... Tôi mà không làm được vụ này và các ông cấp trên không làm vụ này là tôi nghỉ luôn, tôi viết đơn từ chức luôn...” Ông Tiến bức xúc nói. 

Được biết trong những năm gần đây, rừng tự nhiên trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô vẫn luôn bị lâm tặc chặt phá. Riêng đầu năm 2020, nhiều cây gỗ quý trong một số tiểu khu của khu bảo tồn đã bị đốn hạ không thương tiếc. Chính quyền các tỉnh giáp ranh với Đắk Lắk gồm Gia Lai, Phú Yên gặp rất nhiều khó khăn để giải quyết triệt để vấn nạn này. Trước đó từ năm 2017 đến 2019, Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã phát hiện và xử lý 78 vụ vi phạm, bắt 96 đối tượng... thu nộp ngân sách gần 300 triệu đồng. Các đối tượng lâm tặc chủ yếu lợi dụng việc công ty MDF Vinafor Gia Lai đang khai thác rừng trồng, trà trộn với nhân công và đóng lán trại tại đó để xâm nhập vào khu bảo tồn cắt gỗ rồi dùng xe máy độ chế để vận chuyển đi tiêu thụ. Thời điểm đó, ông Lê Đắc Ý đang là Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và đã đảm nhiệm những chức vụ kể trên được gần 2 nhiệm kỳ. Trong thời gian ông này nắm quyền, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nổi lên là một trong những điểm nóng phá rừng của Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có diện tích 26.848 ha nằm trải dài trên địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, tiếp giáp với các tỉnh Gia Lai và Phú Yên được thành lập nhằm mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn sinh cảnh tự nhiên độc đáo của hệ sinh thái rừng nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ thuộc vùng sinh thái được xếp hạng ưu tiên bảo tồn; Tuy nhiên, do nằm ở vùng giáp ranh giữa ba tỉnh và còn nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm nên áp lực giữ rừng ở đây luôn căng thẳng…

Nguyễn Hiếu