Giảm thuế suất thuế GTGT không bao gồm dịch vụ bảo hiểm - Liệu có là bất lợi?

16:46 21/02/2022

Ngày 28/01/2022, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hướng dẫn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa nguồn Internet. 

Tuy nhiên, mức giảm thuế GTGT nêu trên không áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cách thiết kế chính sách giảm thuế GTGT lần này rất đặc biệt, khi không đưa ra quy định nhóm hàng hóa, dịch vụ nào được giảm mà chỉ ra đối tượng nào không được giảm.

Các nhóm hàng hóa, dịch vụ trên được cho là đang có xu hướng hưởng lợi thế trong đại dịch như kinh doanh tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông… nên không được áp dụng giảm thuế suất thuế GTGT. Trong đó, việc các dịch vụ bảo hiểm nằm trong nhóm không được giảm thuế GTGT liệu có tạo ra bất lợi cho ngành đang là câu chuyện được quan tâm.

Theo nhận định của TS. Trần Trung Kiên, Giám đốc chương trình Quản lý thuế - trường Đại học Kinh tế TP.HCM, việc các dịch vụ bảo hiểm nằm trong nhóm không được giảm thuế suất thuế GTGT không ảnh hưởng nhiều đến ngành bảo hiểm. Trái lại, nó có thể tạo ra cơ hội cho một số loại hình bảo hiểm. Ở một phương diện khác, theo quy định Thông tư 219/2013/TT-BTC hiện hành, nhiều loại hình bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; tái bảo hiểm đã thuộc diện hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT.

Như vậy, việc giảm thuế suất thuế GTGT (chỉ áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất GTGT 10%) sẽ không ảnh hưởng đến các loại hình bảo hiểm trên. Ở một phương diện khác, mặc dù không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách giảm thuế suất thuế GTGT, một số loại hình bảo hiểm cũng có cơ hội phát triển khi các hoạt động kinh tế diễn ra nhiều hơn từ tác động thúc đẩy của chính sách giảm thuế GTGT. Thực tế cho thấy, nhiều công ty bảo hiểm đã tận dụng tốt cơ hội, biến “nguy” thành “cơ” ngay trong bối cảnh dịch bệnh. Vì vậy, tác động thúc đẩy các hoạt động kinh tế diễn ra của chính sách giảm thuế GTGT này có thể là cơ hội tốt để thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa.

Ngọc Diệp