Giải quyết việc làm phù hợp với tình hình mới

11:45 06/10/2021

Chị Bích Đào, nhân viên phụ trách nhân sự của công ty chuyên sản xuất, gia công cơ khí chính xác trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang cần tuyển bổ sung cho lực lượng lao động thiếu hụt, nhưng hầu như không có lao động tham gia ứng tuyển”.

Trên thực tế, tình trạng thiếu lao động ở những thị trường trọng điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hồi phục của các đơn vị, doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): “Việc khôi phục chuỗi đứt gãy nguồn nguyên liệu chỉ cần từ 3 đến 5 tháng, nhưng việc khôi phục chuỗi đứt gãy nguồn lao động phải cần thời gian từ 9 tháng trở lên. Do đó, các bên liên quan cần quan tâm ngăn chặn đà đứt gãy của chuỗi cung ứng lao động càng sớm càng tốt”.

Giải pháp cấp bách chưa có tiền lệ đang được khẩn trương triển khai, đó là Chính phủ quyết định hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lên tới 38.000 tỷ đồng. 

Về phía người sử dụng lao động, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, nguồn lực con người là quan trọng nhất để doanh nghiệp có thể phục hồi sau đại dịch. Vì thế, chính sách trợ giúp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được ví như “thuốc” trợ lực cho doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn khó khăn để các bên cùng vượt qua.

Các tỉnh, thành phố cũng chủ động huy động nhiều nguồn lực để trợ giúp cấp bách cho người lao động. Như tại Hà Nội, chỉ tính riêng từ đầu tháng 7-2021 đến nay, toàn thành phố đã trích ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ về nhiều mặt cho hơn 3 triệu lượt người dân, người lao động, giúp đa số người lao động yên tâm thực hiện “ở đâu, ở yên đó”.

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, tính đến ngày 5/10 có khoảng 71 ngàn người lao động, người sử dụng lao động đã nhận hỗ trợ với tổng số tiền chi trả trên 83 tỷ đồng. Trong đó, có trên 80% người lao động tự do - đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch, góp phần giải quyết ngay các khó khăn, giúp người dân ổn định cuộc sống. 

Theo Sở LĐTB&XH TPHCM, cùng với chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, TPHCM cũng trích ngân sách để thực hiện hỗ trợ theo gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tính hết hết ngày 24/7, thực hiện Nghị quyết số 09, có 284.465 người lao động tự do, chiếm 100% tổng số người lao động tự do, đã được nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí là 426 tỷ đồng. 31.295 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ trên 62,49 tỷ đồng. 121 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 252,8 triệu đồng. 5.375 hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động được hỗ trợ 10,75 tỷ đồng. 10.190 thương nhân tại các chợ truyền thống được hỗ trợ trên 15,344 tỷ đồng.

Giải pháp lâu dài được các cơ quan chức năng triển khai là tăng cường kết nối cung - cầu về lao động; mở rộng, nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề cho người lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình mới.

Còn về công tác đào tạo nghề tập trung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ưu tiên những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đào tạo lại, nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm bền vững.

An Nguyên (t/h)