Giải mã đợt tăng giá bất thường của thị trường cà phê

15:48 07/05/2021

Đợt tăng mấy ngày nay chỉ là bất ngờ và khó bền vững. Tuy vậy, nhà vườn đang trông đợi một đợt tăng lâu bền hơn xuất phát từ nhu cầu thực sự của thị trường về sau này.

 

Mở cửa phiên giao dịch hôm 6-5-2021 đến 17g, tính theo giờ Việt Nam, giá trên 2 sàn cà phê vẫn cầm cự ở mức cao. Lúc 17g giá niêm yếu sàn robusta London quanh mức 1.539 đô la Mỹ tăng 1 đô la/tấn và sàn arabica New York +0.40 cts/lb giao dịch ở 150.15 cts/lb so với giá đóng cửa phiên hôm qua.

Trước đó, trên sàn cà phê robusta London, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5-5-2021 tăng 64 đô la Mỹ/tấn chốt tại mức 1.538 đô la/tấn trong một phiên dao động mạnh giữa 1.470-1.544 đô la/tấn. Đấy là mức cao nhất tính từ 8 tháng trở lại đây. Trên sàn arabica New York, mức độ dao động càng dữ dội hơn với mức thấp/cao nhất là 150.40 - 140.50 và đóng cửa tăng 9.50 cts/lb tương đương với dương 209 đô la/tấn dừng tại mức cao nhất tính từ 51 tháng là 149.85 cts/lb.

Nhiều dự báo cho rằng năm nay sản lượng cà phê robusta của Brazil có thể đạt chừng 20 triệu bao (bao=60 ki-lô-gam) và Indonesia trên dưới 10 triệu bao, là hai nước xuất khẩu đươc xếp thứ hai và ba sau Việt Nam .Đặc biệt giá sàn robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu – tăng giữa lúc Brazil và Indonesia đang vào giữa vụ thu hoạch loại cà phê này.

Cú tăng mạnh trên hai sàn phái sinh đã giúp giá cà phê nội địa nhảy lên mức cao nhất tính từ đầu năm đến nay, quanh mức 34,5-35 triệu đồng/tấn. Tuy vậy, mức này hình như vẫn chưa làm hài lòng người còn giữ hàng. Một số người bán hàng giao gởi kho vẫn chưa chốt giá vì tin rằng tâm lý lạc quan sau khi các nước nhập khẩu hoàn thành cơ bản chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ kích thích tiêu thụ giúp thị trường cà phê nhộn nhịp hơn.

Có thể nói đây là một cú tăng khá bất ngờ đối với người kinh doanh cà phê. Tin nông dân Colombia chặn đường xe tải chở hàng cà phê ra cảng vì không bằng lòng với sắc thuế mới trên hột cà phê, nhất là giữa những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Colombia là nước xuất khẩu cà phê arabica chế biến ướt chủ lực được giao dịch trên sàn New York. Chính vì vậy, giá trên sàn này trong một phiên giao dịch tăng trên 200 đô la Mỹ xuất phát từ tâm lý thiếu hàng từ phía các nhà rang xay và hàng quán.

Tuy nhiên, đối với kinh doanh cà phê, còn một yếu tố mang tính chất giao dịch tài chính nữa là một số nhà đầu tư đã lỡ bán, nay phải mua giá cao chặn lỗ, nên giá càng tăng mạnh hơn. Điều này không xuất phát từ nhu cầu thực mà do vị thế kinh doanh tài chính là chủ yếu.

Một số người mua bán cà phê cho rằng nếu như Colombia không ra hàng, thế giới cũng không mấy lo vì Brazil và các nước xuất khẩu arabica vùng Trung và Nam Mỹ khác sẽ bán mạnh tranh thủ lúc giá cao. Mặt khác, nếu giá arabica tăng quá mức, đó là lúc giới rang xay sẽ tìm mua cà phê robusta đặc sản và chất lượng cao để thay thế.

Do chuỗi cung ứng cà phê bị đứt gãy giữa dịch Covid-19, lượng nhập khẩu cà phê vào Mỹ năm 2020 giảm xuống 28,6 triệu bao so với năm trước đó là 31 triệu bao. Nhập khẩu ít đi sẽ giúp tồn kho cà phê tại vùng tiêu thụ lớn là Bắc Mỹ giảm.

Một khi các lệnh phong tỏa ngăn dịch bệnh chấm dứt, người ta tin rằng các thị trường tiêu thụ sẽ hút hàng hơn. Đợt tăng mấy ngày nay chỉ là bất ngờ và khó bền vững. Tuy vậy, nhà vườn đang trông đợi một đợt tăng lâu bền hơn xuất phát từ nhu cầu thực sự của thị trường về sau này.

Quang Bình/thesaigontime