Gia tăng giá trị nông sản ở Tam Nông (Phú Thọ)

14:11 21/11/2022

Sau thời gian triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), đã thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã thông qua các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Huyện Tam Nông trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022
Huyện Tam Nông trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022.

Toàn huyện Tam Nông hiện có sáu làng nghề truyền thống, 36 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, trong đó có 31 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ tiềm năng sẵn có đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP tạo nên những sản phẩm có giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

Năm 2016, từ số tiền 70 triệu đồng vay nguồn vốn 120 thuộc kênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của gia đình, anh Phạm Văn Hưng (sinh năm 1994) ở khu 7, xã Thanh Uyên đã quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng trên diện tích 400m2 chuyên sản xuất phôi nấm giống các loại: Nấm sò, nấm linh chi, nấm hoàng đế… Trừ chi phí mỗi năm cho thu lãi 200-300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn chục lao động.

Năm 2022, anh đứng ra thành lập HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Bio Gold với bảy thành viên. Nhận thấy lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi thực hiện chương trình OCOP, HTX đã đăng ký xây dựng và hoàn thiện hồ sơ với sản phẩm Đông trùng hạ thảo Bio Gold nhằm vươn xa hơn trên thị trường, đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng.

Với thế mạnh sẵn có tại địa phương, HTX Dịch vụ thủy lợi Hiền Quan (tiền thân là tổ hợp tác sản xuất tầm gửi cây gạo) đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP trà thảo mộc tầm gửi cây gạo được người tiêu dùng đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Định - Giám đốc HTX cho biết: “Nhờ sử dụng quy trình sản xuất tiên tiến, HTX đã sản xuất ra các sản phẩm từ tầm gửi cây gạo, trong đó chủ lực là trà thảo mộc có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cho huyện Tam Nông nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung, tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phương”.

Hiện, HTX duy trì sản xuất với quy mô vừa, sản lượng thu mua ước đạt năm 2022 với doanh số 2.000kg tầm gửi tươi. Sau khi thu hái, sơ chế, băm nhỏ và phơi, sấy khô, đóng gói, sản phẩm trà thảo mộc tầm gửi cây gạo được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn huyện Tam Nông đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Đến nay, Tam Nông đã có năm sản phẩm (OCOP) đạt ba sao: Sản phẩm Trà thảo mộc tầm gửi cây gạo xã Hiền Quan; Cá thính đồng Nung của HTX Nông nghiệp Thượng Nông; riêng HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên có ba sản phẩm dưa leo baby, ổi sạch và dưa lê.

Thời gian tới, đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, huyện sẽ tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP; đồng thời tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp, phát triển các sản phẩm OCOP có lợi thế tham gia đánh giá ở hạng sao cao hơn.

P.V