SSI Research: Hoàn thiện khung pháp lý và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sẽ là động lực chính cho thị trường bất động sản nhà ở năm 2021

11:27 25/01/2021

Thị trường bất động sản nhà ở năm 2020 đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng kép từ Đại dịch COVID-19 nhưng với diễn biến nhiều chính sách được tháo gỡ, năm 2021 thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có mặt bằng giá ổn định.

(Ảnh: Internet)

Báo cáo của SSI Research cho rằng, việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, bao gồm Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Nghị định 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ năm 2021 có thể rút ngắn tiến độ cấp phép xây dựng 20 ngày thay vì 30 ngày,  bỏ yêu cầu phân bổ vốn theo tiến độ xây dựng;  không yêu cầu phê duyệt M&A đối với việc chuyển nhượng cổ phần giữa các nhà đầu tư nước ngoài nếu không làm tang tổng sở hữu; và hướng dẫn xử lý các lô đất thuộc sở hữu Nhà nước, vốn là vấn đề gây tranh cãi của một số dự án bất động sản. 

Tuy nhiên, sẽ có độ trễ nhất định thực thi pháp lý vì thông thường sẽ phải mất khoảng 12-24 tháng để hoàn thành thủ tục và quy trình giải phóng mặt bằng trước khi dự án thực sự được đưa ra mở bán.

“Trong khi việc khắc phục các vấn đề về giấy phép chưa thúc đẩy nguồn cung thị trường tăng ngay lập tức, các chủ đầu tư với các dự án sẵn sàng mở bán dường như cũng thận trọng trong việc tung ra số lượng lớn căn hộ để tận dụng xu hướng tăng giá cao hơn nữa tại Tp.HCM. Đồng thời, các chủ đầu tư cũng cân đối với việc mở bán tại các tỉnh thành lân cận, những nơi đang nhận được nhiều sự chú ý với triển vọng cải thiện cơ sở hạ tầng và giá còn ở mức tương đối hấp dẫn”, báo cáo SSI Research nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại có thể đe dọa nguồn cung thị trường, vì các chủ đầu tư có thể tạm hoãn mở bán trong trường hợp có đợt bùng phát đáng kể khác trong nước..

Đặc biệt, SSI Research nhận định rằng tiến độ giải ngân sẽ được đẩy nhanh trong năm 2021, qua đó tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, năm 2020, giải ngân vốn của Bộ đạt 35,6 nghìn tỷ đồng (tăng 44% so với cùng kỳ, hay đạt 90% kế hoạch năm 2020) và dự kiến sẽ đạt 46 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, tăng 28% so với năm 2020.

Một số dự án đáng chú ý tại TP HCM dự kiến hoàn thành trong năm 2021 bao gồm tuyến Metro số 1 và cầu Thủ Thiêm 2, cùng một số dự án khác trong trung và dài hạn như tuyến Metro số 2, sân bay quốc tế Long Thành...

Trong khi đó tại Hà Nội, tuyến Metro đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2021 còn tuyến thứ hai có thể bắt đầu hoạt động vào quý IV.

Hai dự án giao thông trọng điểm này song song với việc liên tục hoàn thiện hệ thống đường nội đô cũng như hệ thống giao thông đến các quận ngoại thành sẽ tác động tích cực đến mặt bằng giá đất và gia tăng nhu cầu bất động sản.

Xu hướng tăng giá nhà ở năm 2021 cũng sẽ được hỗ trợ nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng...
Xu hướng tăng giá nhà ở năm 2021 cũng sẽ được hỗ trợ nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. (Ảnh: Internet)

Trong năm 2021, với cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, SSI Research cho rằng lãnh đạo mới sẽ khởi đầu một chu kỳ kinh doanh mới với rủi ro chuyển giao ít hơn cho các nhà đầu tư bất động sản.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, bao gồm Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Nghị định 148/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ năm 2021) có thể từng bước giải quyết các vấn đề như: rút ngắn tiến độ cấp phép xây dựng (20 ngày thay vì 30 ngày); bỏ yêu cầu phân bổ vốn theo tiến độ xây dựng; không yêu cầu phê duyệt M&A (mua bán sáp nhập) đối với việc chuyển nhượng cổ phần giữa các nhà đầu tư nước ngoài nếu không làm tăng tổng sở hữu; hướng dẫn xử lý các lô đất thuộc sở hữu nhà nước, vốn là vấn đề gây tranh cãi của một số dự án bất động sản.

Tuy nhiên, SSI cũng cho rằng, nguồn cung thị trường sẽ chưa ảnh hưởng ngay vì thường mất 12-24 tháng để hoàn thành thủ tục và quy trình giải phóng mặt bằng trước khi dự án thực sự được đưa ra mở bán.

Dù vậy, SSI Research vẫn dự báo rằng 2021 sẽ là một năm đầy triển vọng cho thị trường bất động sản nhà ở, đồng thời nhấn mạnh các chủ đầu tư danh tiếng sở hữu quỹ đất lớn ở những vị trí chiến lược, đã hoàn thiện thủ tục pháp lý sẽ được hưởng lợi.

Theo đó, Vinhomes tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thị trường, bỏ xa đối thủ cạnh tranh gần nhất. Nguồn lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ đến từ các giao dịch bán buôn tại các dự án đô thị lớn, Vinhomes Symphony và các đợt mở bán sắp tới khác, chẳng hạn như Vinhomes Wonder Park (ở Đan Phượng). Với sự kết hợp của cả giao dịch bán lẻ và bán buôn, SSI Research ước tính Vinhomes sẽ tăng 16% lợi nhuận trong năm nay so với cùng kỳ.

Báo cáo cũng ước tính lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông Công ty mẹ (NPATMI) của Khang Điền đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 22% cùng kỳ và được hỗ trợ từ việc bàn giao các dự án chung cư. Lợi nhuận ròng của Nam Long sẽ phục hồi 33% so với mức thấp trong năm 2020, đến từ việc bàn giao các dự án trọng điểm như Mizuki và Waterpoint, cũng như lợi nhuận tài chính từ chuyển nhượng cổ phần liên quan đến dự án Paragon Đại Phước.

Về Đất Xanh, công ty đang đưa ra kế hoạch phục hồi mạnh mẽ từ việc bàn giao các dự án đã hầu như bán hết, bao gồm Opal Boulevard, St. Moritz và một phần Gem Skyworld. Novaland cũng đang đặt kế hoạch tăng trưởng hai con số, với việc bàn giao Aqua City, Novaworld Hồ Tràm và các dự án căn hộ khác tại TP. HCM.

Về doanh số bán hàng, 2021 dự kiến ​​sẽ là một năm sôi động hơn đối với các chủ đầu tư bất động sản nhà ở, với một số đợt mở bán mới được khởi động.

Cụ thể, Vinhomes có kế hoạch mở bán phân khu thấp tầng của Vinhomes Wonder Park (Đan Phượng, Hà Nội), mở bán giai đoạn tiếp theo của ba dự án lớn (Vinhomes Ocean Park, Smart City tại Hà Nội và Grand Park tại TP. HCM) theo cả hai hình thức bán buôn và bán lẻ. Ngoài ra, Vinhomes cũng đang chuẩn bị cho việc triển khai các dự án tiềm năng tại các thành phố trực thuộc tỉnh cấp 2.

SSI Research ước tính Waterpoint, VSIP Hải Phòng và Mizuki là 3 trong những dự án sẽ được Nam Long mở bán trong năm với doanh số bán hàng ước tính tăng 19% so với cùng kỳ. Về Đất Xanh, công ty tiếp tục bán dự án thấp tầng Gem Skyworld (Đồng Nai) và đặt mục tiêu mở bán 2 dự án chung cư mới có quy mô tầm trung tại Bình Dương.

Trong khi đó, dự án Gem Riverside tại quận 2, TP HCM vốn đã bị đình trệ trong 2 năm gần đây do quá trình xin cấp phép kéo dài cũng có triển vọng tái khởi động và mở bán lại. Ở chiều ngược lại, Khang Điền có thể sẽ giảm 53% so với cùng kỳ về doanh số bán hàng trong năm 2021 do không có các dự án cao tầng lớn để mở bán mới mà chỉ có một dự án thấp tầng - Armena.

TH