Gia Lâm (Hà Nội): Nét đẹp truyền thống từ tranh gốm Bát Tràng

08:41 13/04/2021

Mọi người chơi tranh gốm Bát Tràng, theo đuổi cái đẹp luôn luôn coi nghệ nhân trẻ Vũ Duy Tiệp xóm 5, thôn Bát Tràng , huyện Gia Lâm, (Hà Nội) như là bậc thầy chơi tranh không phải riêng sản phẩm anh làm ra mà còn là thành tích đáng nể được nhà nước công nhận; các sản phẩm anh làm ra có nét riêng nhưng cũng mang đến cho người xem cảm nhận nét đẹp nghệ thuật, tính độc đáo truyền thống.

Khi nhắc đến tranh gốm Bát Tràng thì người chơi tranh gốm sẽ nhắc ngay đến nghệ nhân Vũ Duy Tiệp, nhà anh có cả gian nhà trưng bày các loại tranh gốm, đĩa, bình... Theo anh Tiệp thì “Tranh gốm Bát Tràng là dòng tranh được rất nhiều khách hàng lựa chọn trang trí không gian nội, ngoại thất. Sản phẩm là sự kết hợp giữa nghệ thuật đắp nổi, điêu khắc cùng kỹ năng chế tác đỉnh cao mang dấu ấn cá nhân tỷ mỉ như vẽ phong cảnh, chim muông, các trò tích dân gian của từng cơ sở đến những tác phẩm tranh ghép gốm siêu đẹp, độc đáo và ấn tượng.” 

  Nghệ nhân Vũ Duy Tiệp và sản phẩm của mình.

Tranh gốm Bát Tràng mang đến không gian thêm ấm cúng và sang trọng cho không gian ngôi nhà bạn, khi tìm hiểu chuyên sâu hơn thì tranh gốm được chia làm hai loại tranh gốm ghép mảnh và tranh gốm vẽ treo tường. Và tùy vào họa tiết, công đoạn, công sức bỏ ra của thợ làm tranh mà mỗi bức tranh có giá khác nhau từ vài ba triệu/bức đến cả vài chục triệu/bức. Ở làng nghề Bát Tràng có rất nhiều cơ sở làm tranh gốm và mỗi cơ sở theo đuổi một vài mẫu tranh gốm khác nhau. Vì thế, nhìn tranh gốm của mỗi cơ sở có thể phân biệt ra đặc điểm khác nhau.”
 
Ưu điểm nổi bật của tranh gốm và được thị trường ưu chuộng nhất là: Tranh gốm làng quê, tranh gốm đồng quê, tranh gốm hội làng, tranh ghép gốm Tùng Hạc Diên Niên, tranh gốm cảnh phố phường thời xưa, tranh ghép gốm Công Đào, tranh gốm Đám cưới chuột, cá vượt vũ môn… Tranh gốm Bát Tràng ốp tường gần đây đang là xu thế và được nhiều người ưa chuộng. Bởi được sản xuất với rất nhiều chủ đề, đa dạng kích thước, màu sắc khác biệt và giá thành rất hợp lý. Các tích cảnh vẽ trên tranh gốm ghép mảnh thường có tính chất nghệ thuật rất cao và gắn liền với đời sống văn hóa người Việt.

Sau khi tranh được vẽ, thì cơ sở đưa tranh được nung ở nhiệt độ trên 1.000 độ C đến khi nung thành hình tranh gốm rồi đưa tranh ra ghép. Với màu sắc tươi tắn, càng dùng thì màu gốm càng thắm, càng trầm so với các loại tranh thông thường khác. Tranh sứ nung phủ men hình dáng hiện đại, có độ bóng, chống rêu mốc và dễ vệ sinh và gần như vĩnh cữu, không phai mầu…. Gốm sứ là những chất liệu thân thiện, gần gũi với thiên nhiên và con người Việt Nam. Tranh có tuổi thọ dài, lâu bền, có thể trưng được ở nhiều không gian từ trong nhà đến ngoài trời cùng với lớp tráng men cao cấp càng tạo nên vẻ đẹp sinh động, chân thực hơn. Bên cạnh đó, tranh gốm còn mang giá trị thẩm mỹ và giá trị phong thủy cao. 

  Những sản phẩn tranh Gốm Bát Tràng mỗi sản phẩm mang cái hồn riêng.

Vài năm trở lại đây các sản phẩm tranh gốm Bát Tràng đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều khách hàng đặt mua. Đặc biệt năm 2001, anh Tiệp đã được cấp giấy chứng nhận là hội viên chính thức của Hội gốm sứ Bát Tràng TP.Hà Nội. Bằng bàn tay khéo léo của mình, anh Tiệp đã đạt giải Ba trong Hội thi thao diễn tay nghề, nghệ nhân, thợ giỏi – Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010. Năm 2011, nghệ nhân Vũ Duy Tiệp còn là một trong những tác giả tạo lên bức tranh sứ lớn nhất Việt Nam với chiều cao 9,9 m, dài 72 m, ghép từ 1.400 tấm sứ màu sắc khác nhau. Bức tranh có tên “Ngày hội non sông trên đất Tổ” đã được xác lập kỷ lục bức tranh dài nhất, lớn nhất.

Vũ Văn Tiến