Giá dầu và hàng hóa cơ bản tiếp tục tăng cao, chứng khoán thế giới lao dốc

11:14 07/03/2022

Vào cuối tuần qua, căng thẳng trừng phạt kinh tế giữa Nga và châu Âu đã ảnh hưởng cả đến lĩnh vực khí đốt, vốn được cho là nhạy cảm với cả 2 bên. Đã có những lúc đường ống Yamal-Europe bị gián đoạn trong việc cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu, Moscow đang đáp ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu thông qua đường ống này và việc ngừng cung cấp khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt.

Theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE của London, giá khí đốt kỳ hạn tháng 4 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng lên 2.392 USD/1.000 m3, vượt qua kỷ lục 2.280 USD được thiết lập vào ngày trước đó.

Ảnh minh họa

Đường ống khí đốt Yamal-Europe gần Minsk, Belarus (nguồn: Reuters)

Không chỉ phương Tây, Mỹ cũng có những động thái mới nhằm trừng phạt ngành năng lượng Nga. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên hôm 4/3 (giờ Mỹ) rằng, chính quyền đang “xem xét một loạt lựa chọn” nhưng không muốn làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu hoặc làm tăng giá xăng dầu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN vào ngày Chủ nhật, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ và các nước đồng minh đang xem xét cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga. “Chúng tôi đang trao đổi với các đối tác và đồng minh ở châu Âu để tìm ra một phương thức phối hợp nhằm cấm nhập khẩu dầu Nga nhưng vẫn đảm bảo được đầy đủ nguồn cung dầu cho thế giới”, ông Blinken nói. “Cuộc thảo luận này đang diễn ra rất tích cực”.

Giá dầu Brent mở cửa tuần mới tại thời điểm 9h sáng nay (7/3) theo giờ Việt Nam tăng lên mức 129$/thùng, tăng gần 10% so với mức đóng cửa vào cuối tuần trước. Trong phiên thứ 2 mở cửa, giá dầu Brent đã từng tăng cao đến mốc 138$/thùng, vùng giá hiện tại cách không xa kỉ lục mọi thời đại của giá dầu vào năm 2008 là mức hơn 146$/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau trong phiên giao dịch ngoài giờ tại thị trường New York tăng 9,2 USD/thùng so với đóng cửa cuối tuần vừa rồi, tương đương tăng hơn 8%, giao dịch ở mức 122 USD/thùng. Giá xăng trung bình trên toàn quốc ở Mỹ đã vượt 4 USD/gallon vào hôm Chủ nhật, theo dữ liệu từ AAA, tương đương khoảng 24.300 đồng/lít.

Giá dầu và khí đốt tăng cộng thêm gia tăng đứt gãy chuỗi cung ứng làm giá cả của những loại hàng hóa khác cũng tăng mạnh. Giá thép giao sau tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, chạm đỉnh hơn 2 tuần. Trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải, đóng cửa phiên thứ 6 (4/3) thép cuộn cán nóng, loại thép được sử dụng trong thùng xe hơi và thiết bị gia dụng đã tăng 2,6%. Thép cây xây dựng tăng 0,6%, trong khi thép tăng 4,8%. Than luyện cốc Đại Liên tăng 4,2% và than cốc tăng 3,4%. Hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2022 trên Sàn DCE đã kết thúc phiên giao dịch trong ngày ở mức 126,27 USD/tấn, cao hơn 6,8% so với đầu phiên và đã tăng 9,7% lên mức cao nhất kể từ ngày 11/2.

Giá phân bón cũng tăng cao do Nga gặp thêm khó khăn khi xuất khẩu mặt hàng này. Giá urê giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức 795 USD/tấn tại New Orleans vào ngày 4/3, tăng 22% so với mức giao dịch hồi đầu tuần trước. Trong khi đó, giá giấy ure cũng tăng lên 50 USD/tấn. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trên thị trường kali thế giới, Nga cung cấp đến 18% nhu cầu, theo số liệu của năm 2017. Trong số các loại phân bón khác, “xứ Bạch dương” cũng chiếm đến 20% lượng amoniac và 15% lượng urê xuất khẩu, theo ngân hàng Scotiabank.

Chứng khoán thế giới chịu áp lực tiêu cực, đồng loạt giảm sâu. Chứng khoán châu Âu giảm xuống mức thấp nhất gần một năm, với chỉ số STOXX 600 toàn khu vực giảm 3,56%, tăng mức giảm trong tuần lên 7% - mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ sau đợt bán tháo do đại dịch gây ra vào tháng 3 năm 2020 và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại 9h sáng theo giờ Việt Nam (3/7), chỉ số này hiện tiếp tục giảm 3,56%, giao dịch ở mốc 421,78 điểm giảm gần 15% từ mức đỉnh gần 495 điểm vào tháng 1/2022. Thị trường Mỹ đóng cửa hôm thứ 6 cũng chứng kiến Dow Jones giảm 0,53%; S&P 500 mất 0,79% và Nasdaq Composite giảm 1,66%.

Châu Á mở cửa đầu tuần cũng ngập trong sắc đỏ, với những thị trường giảm sâu nhất có thể kể đến là Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản đều giảm hơn 3%. Chứng khoán Việt Nam hiện cũng đang chịu áp lực giảm điểm, với VN-Index giảm 0,48% và VN30 giảm 1,01%, mức giảm khá khiêm tốn so với thị trường thế giới. Dòng tiền trên thị trường VN hiện vẫn đang duy trì khá tốt và tìm đến các dòng cổ phiếu hàng hóa cơ bản mạnh nhất có thể kể đến như dầu, thép và phân bón.

Rủi ro vĩ mô trên thị trường vẫn còn khó lường, khi tối nay và ngày mai sẽ có thêm các thông tin quan trọng như cuộc đàm phán mới giữa Nga-Ukraine và báo cáo lạm phát tháng 2 của Mỹ.

Anh Dũng