Đức đồng ý cứu trợ Tập đoàn năng lượng Uniper khi Nga siết chặt nguồn cung cấp khí đốt

21:15 22/07/2022

Gói cứu trợ đã nhấn mạnh việc Nga xung đột với Ukraine vào tháng 2 có tác động lớn như thế nào đối với các chính phủ trên khắp châu Âu khi họ phải vật lộn với chi phí năng lượng tăng vọt và lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong những tháng mùa Đông sắp tới.

Chính phủ Đức đã vào cuộc để giải cứu Uniper (UN01.DE) với gói cứu trợ trị giá 15 tỷ euro (15,28 tỷ đô la)

Chính phủ Đức đã vào cuộc để giải cứu Uniper với gói cứu trợ trị giá 15 tỷ euro (15,24 tỷ USD).

Đức vào ngày 22/7 thông báo đã đồng ý cứu trợ Uniper với một gói cứu trợ trị giá 15 tỷ euro (tương đương 15,24 tỷ USD), khi nhà nhập khẩu khí đốt trở thành nạn nhân lớn đầu tiên trong cuộc siết chặt khí đốt tự nhiên của Nga.

Gói cứu trợ này đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ mua 30% cổ phần của Uniper, giảm quyền sở hữu của công ty mẹ ở Phần Lan - Fortum xuống 56% từ gần 80% sau nhiều tuần đàm phán khó khăn.

Uniper là công ty năng lượng đầu tiên ở Đức gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của việc chi phí năng lượng tăng vọt và họ đã nộp đơn xin cứu trợ để được chính phủ hỗ trợ vào đầu tháng này. Là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dòng chảy qua đường ống từ Nga bị giảm mạnh, khiến giá tăng vọt.

“Chúng ta đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có và điều này đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ. Sau các cuộc đàm phán sâu sắc nhưng mang tính xây dựng, chúng tôi đã tìm ra một giải pháp theo cách có thể chấp nhận được và đáp ứng được sự quan tâm của tất cả các bên liên quan ”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Fortum, Markus Rauramo, cho biết trong tuyên bố.

Fortum cho biết thêm, Chính phủ Đức sẵn sàng hỗ trợ thêm nếu thiệt hại của Uniper do hậu quả của việc siết chặt khí đốt vượt quá 9 tỷ euro.

Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu đã giảm kể từ cuộc xung đột với Ukraine vào đầu năm nay và các lệnh trừng phạt liên tiếp của phương Tây đối với Moscow.

Uniper chỉ nhận được “một phần nhỏ khối lượng khí đốt theo hợp đồng” từ Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga kể từ giữa tháng 6, điều này có nghĩa là họ đã phải mua khí đốt với giá thị trường giao ngay cao hơn nhiều. Fortum cho biết thêm, điều này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với tình hình tài chính của Uniper.

Tuần trước, Uniper cho biết, họ đã phải rút bớt khí đốt từ các cơ sở lưu trữ , giảm nguồn cung cấp cần thiết cho mùa Đông. Trong một tuyên bố với CNBC, công ty nói rằng việc giảm khối lượng khí đốt từ các cơ sở lưu trữ của riêng mình là cần thiết để cung cấp khí đốt cho khách hàng và đảm bảo tính thanh khoản của Uniper.

Lyly