Đâu là nút thắt cản trở sự hồi phục của du khách quốc tế đến Việt Nam ở thời điểm này?

11:15 22/12/2022

Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm nay nhưng dự kiến chỉ đạt 3,5 triệu lượt. Đâu là những nút thắt cản trở sự hồi phục của du khách quốc tế đến Việt Nam ở thời điểm hiện nay?

Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group.

Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, từ khi Việt Nam mở cửa, một số chương trình hành động để kích cầu du lịch hậu Covid đã được triển khai nhưng đa phần "đến vỗ tay rồi đi về". Sau các chương trình, ngành du lịch thấy lượng khách nội địa tăng rất tốt nên “tự thoả mãn" với số lượt khách đạt được trong khi doanh thu đang thấp. 

Rõ ràng, khách nội địa không thể nào thay thế cho khách quốc tế. Ngành du lịch muốn bền vững cần đảm bảo song song hai mảng khách để giải quyết được bài toán du lịch mùa vụ, đảm bảo nguồn khách và doanh thu cho các địa phương.

Cần thành thật với nhau là từ khi Việt Nam mở cửa thì gần như không có chiến lược phục hồi và phát triển từ ngắn, trung cho đến dài hạn. Từ khi Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn từ giữa tháng 3/2022, chúng ta đã không tập trung vào nhóm du khách sẽ đến Việt Nam vào mùa hè là Tây Âu, đã không xác định được thị trường nào trong số tám thị trường nguồn quan trọng sẽ đến Việt Nam ngay sau mở cửa để từ đó có các chính sách và mục tiêu phù hợp cho từng đối tượng. Hầu như không có hoạt động gì đáng chú ý trong năm 2022.

Vì thiếu hẳn một chiến lược phục hồi nên mỗi người chạy một kiểu, doanh nghiệp cũng phải tự cứu mình là chính.

Phần lớn doanh nghiệp tự làm tự cứu mình là chính mà không có thông tin nghiên cứu, khảo sát có quy mô từ các cơ quan Nhà nước. Các thấu hiểu này mới là thứ giúp các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đưa ra được các quyết sách phù hợp.

Du lịch Việt Nam đang thiếu nhạc trưởng đánh bản nhạc hay là chỗ đó. Các cơ quan như Tổng cục Du lịch cũng trực thuộc Bộ Thể thao, văn hoá và du lịch cũng đang hoạt động mờ nhạt trong Bộ nên gần đây nhất là các chính sách để “giải cứu” hoặc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khi mới bước qua khủng hoảng gần như không có nếu so với các lĩnh vực khác.

Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã được 5 năm; Nghị quyết 36 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển trong đó có du lịch biển, đóng góp 10% GDP cả nước cũng đã được 4 năm, nhưng chưa có kế hoạch hành động quyết liệt để đưa vào cuộc sống.

Các nghị quyết đúng và trúng nhưng kế hoạch triển khai cụ thể và năng lực triển khai đang yếu và kém. Chúng ta cần sự triển khai đồng bộ, có thể kết hợp công - tư.

Từ đó, ông Phạm Hà có một số kiến nghị: Trước mắt, Việt Nam nên tuyên bố đã kết thúc Covid-19 để thu hút truyền thông quốc tế, song song với đưa ra các chính sách mới. Việt Nam cũng nên tuyên bố bỏ bảo hiểm du lịch quốc tế chi trả cả bệnh Covid-19 khi làm thủ tục xin visa. Đặc biệt là ngay và luôn, Việt Nam cần thực hiện cạnh tranh bằng chiến lược visa.

Du lịch Việt Nam cần làm mới mình với chiến lược thương hiệu quốc gia về du lịch và chính sách visa đột phá, tư duy mới về làm kinh tế du lịch, có ban chuyên trách chịu trách nhiệm và có sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng mới thay đổi được trong năm tới và mục tiêu đón 8 triệu khách mới khả thi.

Thủy Thanh