Du lịch Golf sẽ giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi và bứt phá

15:51 30/08/2022

Du nhập vào Việt Nam chưa lâu, nhưng tốc độ phát triển Golf tại “đất nước hình chữ S” được đánh giá là nhanh, mạnh nhất thế giới. Du lịch Golf đang được xem là “mỏ kim cương”, “kho báu”, “con gà đẻ trứng vàng” để ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi, bứt phá, “né” bẫy thu nhập trung bình, hậu COVID-19.

Những sân Golf thực sự đã và đang nâng tầm cho các khu resort nghỉ dưỡng, kích thích du khác ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn cho các khu du lịch và dịch vụ đi kèm sân Golf

Những sân Golf đang nâng tầm cho các khu resort nghỉ dưỡng, kích thích du khách ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn cho các khu du lịch và dịch vụ đi kèm sân Golf.

Ngành công nghiệp doanh thu “khủng” trên thế giới

Golf vừa là một bộ môn thể thao vừa là một hoạt động giải trí thú vị và cũng là một ngành công nghiệp mang lại doanh thu “khủng”. Theo cuốn sách “Golf Tourism” của Louise Hudson và Simon Hudson, Golf đại diện cho thị trường du lịch liên quan đến thể thao lớn nhất. Du lịch Golf có giá trị tới 20 tỷ USD, với hơn 50 triệu khách du lịch chơi Golf, trong ước tính khoảng 32.000 sân Golf trên thế giới.

Greg Norman nhận định, các sân Golf đã trở thành điểm hấp dẫn cho một điểm đến du lịch. Du khách của du lịch Golf thường có mức chi tiêu trung bình cao hơn so với các khách du lịch thuộc các loại hình khác. Bên cạnh đó, các sân Golf thường dễ thu hút đầu tư du lịch, cải thiện việc làm, cũng như khả năng cạnh tranh trong khu vực và bù đắp cho đặc tính theo mùa của du lịch truyền thống. Do đó các nhà chức trách thuộc Chính phủ nhiều nước và khu vực tỏ ra rất quan tâm đến việc đưa Golf vào kế hoạch phát triển du lịch, trong đó có Việt Nam.

Theo Báo cáo Kinh tế Golf  Hoa Kỳ được Tổ chức We Are Golf khảo sát, chi tiêu du lịch Golf tại nước này đạt 25,7 tỷ USD, tổng thu nhập từ việc xây dựng bất động sản cho các cộng đồng Golf là 7,2 tỷ USD. Golf đã tạo ra gần 2 triệu việc làm và 58,7 tỷ USD tiền lương cho toàn bộ lao động ngành này.

Phát triển du lịch Golf tại Việt Nam

Bắt đầu muộn, nhưng Việt Nam đã nhập cuộc nhanh chóng với ngành Golf nói chung, du lịch Golf nói riêng. Theo ông Đoàn Mạnh Giao - Nguyên Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), thời điểm năm 2007, khi VGA thành lập, cả nước có tổng cộng gần 4.000 hội viên (trong đó số hội viên người nước ngoài chiếm khoảng 80%). Có 26 dự án đầu tư xây dựng sân Golf đã được cấp phép, trong đó có 14 dự án đã hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho gần 16.000 lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Đến nay, sau 15 năm, theo Hiệp hội Golf Việt Nam, số người chơi Golf tại Việt Nam tăng lên khoảng 100.000 người. Số người chơi ít nhất 2 lần một tháng khoảng 30.000 người.

Tổng cục Thể dục thể thao cho biết, cả nước đã có 80 sân Golf 18 hố đi vào hoạt động. Trong đó, có 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, chạy theo đường biển dài 6.000 km, gắn liền với các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ có 200 sân Golf 18 hố đi vào hoạt động (mỗi tỉnh hiện nay đều đang lên kế hoạch xây dựng 10-15 sân Golf, thậm chí cá biệt có một số tỉnh có từ 30-50 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý).

Hai năm trở lại đây, dù ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều sân Golf mới gắn liền với các khu nghỉ dưỡng biển vẫn được khai trương tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các địa phương phát triển Golf mạnh nhất là Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương. Các doanh nghiệp tham gia phát triển Golf đều là những “ông lớn”, tiêu biểu như Tập đoàn BRG – nhà phát triển Golf hàng đầu Việt Nam với hệ thống 7 sân gôn đẳng cấp quốc tế, đủ điều kiện tổ chức các giải gôn tầm cỡ khu vực và trên thế giới.

Cách đây hai thập kỷ, Tập đoàn BRG đã mua lại sân Golf Đồng Mô (nay là sân Golf Kings Island Golf Resort, quy mô 350ha, 1.500ha mặt hồ). Đây được coi là một dấu mốc quan trọng của thị trường trong nước khi Golf là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ.

Với nhu cầu không ngừng tăng cao, sân Golf sẽ là mảnh ghép quan trọng hoàn thiện mô hình du lịch chuỗi bao gồm nghỉ dưỡng và giải trí. Không những thế, Golf còn là sản phẩm của hội nhập hóa và nhu cầu thể hiện đẳng cấp, thị hiếu thời thượng. Những sân Golf thực sự đã và đang nâng tầm cho các khu resort nghỉ dưỡng, kích thích du khách ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn cho các khu du lịch và dịch vụ đi kèm sân Golf.

Thị trường nghỉ dưỡng đã bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa. Để có thể vượt lên dẫn đầu, Việt Nam thật sự cần có một loại hình du lịch độc đáo, và Golf chính là câu trả lời cho bài toán này. Hậu COVID-19, phát triển du lịch Golf - loại hình được “may đo” phù hợp các yếu tố phòng chống dịch, xu hướng du lịch thể thao, được xem là “đòn bẩy” giúp ngành kinh tế xanh phục hồi và bứt phá mạnh mẽ sau hơn hai năm dịch bệnh COVID-19.

PV