Dư địa phát triển hợp tác thương mại nông sản giữa Liên bang Nga và Việt Nam còn rất lớn

16:00 21/10/2021

Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, dư địa phát triển hợp tác thương mại nông sản giữa LB Nga và Việt Nam còn rất lớn, do đó sắp tới cần định hướng thúc đẩy mở cửa thị trường và xúc tiến thương mại giữa 2 nước.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp thân mật ông Gennady Bezdetko - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam. 

Theo Bộ trưởng, tới nay Nga và Việt Nam đã ký 7 văn kiện/thỏa thuận hợp tác liên quan đến lĩnh vực thú y, bảo vệ thực vật, nông nghiệp, an toàn thủy sản xuất nhập khẩu, kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh sản phẩm nông lâm thuỷ sản xuất nhập khẩu và hợp tác nghề cá. Đa phần các thỏa thuận này được ký trước 2010 nên đến nay không còn nhiều giá trị áp dụng. Gần đây nhất là Bản ghi nhớ về Hợp tác hợp tác trong quản lý chất lượng và xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản (2019).

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga trong buổi gặp gỡ. Ảnh Mard.gov.vn
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam trong buổi gặp gỡ. Ảnh Mard.gov.vn.

Quan hệ thương mại nông nghiệp Việt Nam – Nga áp dụng theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu – EAEU FTA (trong đó Nga là đối tác chủ đạo) ký năm 2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Lộ trình cắt giảm thuế từ 2016 và hoàn thành cắt giảm thuế về 0 vào năm 2025.

Các sản phẩm chính Việt Nam xuất khẩu sang Nga gồm: Cà phê, thủy sản, rau quả, hạt tiêu, chè, hạt điều và gỗ cùng các sản phẩm gỗ. Còn các sản phẩm chính Nga xuất khẩu sang Việt Nam gồm: thủy sản, lúa mỳ, phân bón, thịt đông lạnh và cao su.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, dư địa phát triển hợp tác thương mại nông sản giữa LB Nga và Việt Nam còn rất lớn, do đó sắp tới cần định hướng thúc đẩy mở cửa thị trường và xúc tiến thương mại giữa 2 nước, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, cụ thể phía Việt Nam là thủy sản, cà phê, chè, tiêu, trái cây, cao su,…; phía Nga là thịt, lúa mỳ, phân bón, sữa,… Bộ NN&PTNT sẽ xem xét kỹ lưỡng cấp phép các doanh nghiệp xuất khẩu thịt và thủy sản mới của Nga, để làm cơ sở để đề nghị/đàm phán phía Nga tăng số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam, đặc biệt là cá tra, cá ngừ và tôm.

PV