Dự báo ngành tôm thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh năm 2022

09:46 17/01/2022

Năm 2021 vừa kết thúc và nhà phân tích thủy sản cấp cao của Rabobank, Gorjan Nikolik, ước tính tăng trưởng sản lượng tôm thế giới cuối năm tăng khoảng 10% so với 12 tháng trước đó (cao hơn mức tăng 9% dự báo trước đây).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Thương mại tôm toàn cầu năm vừa qua tăng lên chủ yếu do nhập khẩu vào thị trường phương Tây tăng khá mạnh. Nhu cầu tôm thế giới năm 2021 hồi phục mạnh mẽ so với năm 2020, nhất là ở Mỹ. Theo ông Nikolik, sản xuất và kinh doanh tôm được hưởng lợi từ việc chuyển trọng tâm từ dịch vụ ăn uống sang bán lẻ thực phẩm. Giá thực phẩm năm 2021 tại Mỹ cũng tăng đáng kể, thậm chí giá tôm hiện còn cao hơn so với trước khi xảy ra đại dịch. Nhập khẩu tôm của Mỹ - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 404.000 tấn, trị giá 3,4 tỷ USD, cao hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, ở châu Âu, nhu cầu cũng diễn biến tương tự như ở Mỹ, mặc dù tốc độ tăng thấp hơn một chút. Nhập khẩu tôm vào EU trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt kỷ lục cao nhất 5 năm, là 367.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Nga, Ukraina, Anh và Bắc Ai Len có lượng tôm nhập khẩu tăng đột biến. Nhu cầu ở Trung Quốc năm vừa qua cũng tăng so với năm 2020 nhưng chưa về lại mức trước khi xảy ra đại dịch.

Về giá cả, giá tôm trung bình trên thế giới năm 2021 là 12,7 USD/kg, cao hơn khoảng 10% so với năm 2020. Bên cạnh nhu cầu hồi phục, chi phí hậu cần tăng là động lực chính đẩy giá tôm năm vừa qua tăng mạnh. Theo đó, từ tháng 1 đến quý 3/2021, chi phí vận chuyển quốc tế từ châu Á đến Bắc Mỹ cho container 20 feet và 40 feet đã tăng 500 – 700% (tương ứng 13.000 USD và 20.000 USD) do sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Về triển vọng năm 2022, ông Nikolik cho rằng, thị trường tôm thế giới sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm lại so với năm 2021. Về sản lượng, ông dự báo thị trường năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, trung bình trên toàn cầu cao hơn mức 5% với việc nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới có thể đáp ứng nhu cầu tôm ngày càng tăng bằng việc nâng cao năng lực sản xuất. Theo ông, ngành tôm toàn cầu hoàn toàn có thể trở lại mức sản lượng trước đại dịch. Ông Nikolik kỳ vọng tăng trưởng sản lượng sẽ mạnh mẽ ở hầu hết các nước sản xuất tôm chủ chốt, đặc biệt là Ecuador, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.

Mai Chi