Đồng Tháp: Đặt mục tiêu quý IV/2021, có ít nhất 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại

23:03 12/10/2021

Để thực hiện mục tiêu này, tại buổi làm việc vào chiều 12/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu Sở Công Thương rà soát, nắm lại các nhu cầu về: Công suất, lao động, vắc xin, nguyên liệu đối với doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “4 tại chỗ” và doanh nghiệp đã ngừng hoạt động để có sự hỗ trợ, kế hoạch phục hồi kịp thời.

Đối với các chợ, siêu thị trên địa bàn, ông Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các địa phương thống nhất lộ trình hoạt động. Riêng đối với 14 dự án chuẩn bị đưa vào hoạt động, Sở Công Thương cũng phải rà soát, nắm lại nhu cầu về nguồn nhân lực, vắc xin để sớm đưa vào triển khai.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa làm việc với các ngành về giải pháp khôi phục
sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa làm việc với các ngành về giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm. Ảnh: Văn Khương.

Theo Sở Công Thương, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg từ 01/10 đến nay, các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ tiếp tục phục hồi theo chiều hướng ngày càng mạnh mẽ.

Theo đó, doanh nghiệp hoạt động lại đạt gần 50%; siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đạt trên 73%. Hiện có 214 doanh nghiệp hoạt động “04 tại chỗ” với 23.806 lao động; 179/243 đơn vị siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ hoạt động lại.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng dần số lượng doanh nghiệp hoạt động theo lộ trình. Phấn đấu đến cuối quý IV/2021, toàn tỉnh có ít nhất 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động, với tổng quy mô 45.000 lao động, công suất hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp tối thiểu 70%; có ít nhất 90% Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống mở lại sau thời gian tạm thời đóng cửa. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp ...

Gỡ khó cho dự án sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Artex

Trước đó vào sáng ngày 12/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp -Trần Trí Quang cùng lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi khảo sát tiến độ thực hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Dự án Nhà máy sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Artex Đồng Tháp tại Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Trần Trí Quang làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Artex Đồng Tháp
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Trần Trí Quang làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Artex Đồng Tháp. Ảnh: Việt Tiến. 

Dự án do Công ty Cổ phần Artex Đồng Tháp đầu tư, với tổng mức đầu tư của dự án là 55 tỷ đồng. Tính đến nay, Dự án đã hoàn thành được hơn 60% khối lượng. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tiến độ của Dự án chậm hơn so với kế hoạch.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại tất cả quy trình, thủ tục, hồ sơ của Dự án, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết theo đúng quy định; đồng thời, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân huyện Cao Lãnh phối hợp với Công ty, đảm bảo Dự án được thực hiện theo đúng hồ sơ đã đăng ký. Đối với đề nghị xin được gia hạn thời gian thực hiện Dự án của Công ty, ông Trần Trí Quang chỉ đạo Sở KHĐT rà soát lại để có hướng hỗ trợ cho đơn vị theo đúng quy định.

Sa Đéc phát huy vai trò đầu tàu khôi phục và phát triển kinh tế 

Qua 09 tháng đầu năm 2021, mặc dù trong điều kiện vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch Covid-19, nhưng thành phố đã thực hiện đạt và vượt 33/44 chỉ tiêu theo kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện được hơn 478 tỷ đồng, đạt 91,7% kế hoạch; tổng chi ngân sách hơn 495 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư đến ngày 30/9 được 188,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,54% so với kế hoạch giao.

Thành phố tiếp tục rà soát, thực hiện các quy hoạch để sớm hoàn thành phủ đầy quy hoạch phân khu theo định hướng quy hoạch chung được duyệt. Từ đầu năm đến nay, thành phố có 02 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, hiện thành phố có 50.458 người đã tiêm mũi 1, 6.756 người đã tiêm mũi 2; còn trên 42.000 người chưa tiêm. Thành phố tiếp tục đề nghị tỉnh có cơ chế phân bổ vắc xin đầy đủ, kịp thời để phục vụ việc tái sản xuất lao động phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa
 làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc vào sáng 12/10.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc vào sáng 12/10. Ảnh: Văn Khương.

Tại buổi làm việc với UBND TP. Sa Đéc (Đồng Tháp) vào sáng 12/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ phấn khởi với kết quả trên, đồng thời yêu cầu thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, xem phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm.

"TP. Sa Đéc cần tập trung khai thác lợi thế sẵn có để khôi phục lại từng mục tiêu. Cụ thể, tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sau dịch Covid-19; quan tâm kích hoạt, hỗ trợ kịp thời các dự án đầu tư công và đầu tư tư trên địa bàn; quan tâm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP" – ông Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo.

Khẳng định chiến lược vắc xin - chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế, ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị TP. Sa Đéc bám sát quan điểm này, từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch theo từng giai đoạn; mở lại hoạt động các chợ; phát huy lợi thế các làng nghề truyền thống; lĩnh vực tài chính – ngân hàng; an sinh xã hội ...

Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch
và thăm hỏi tình hình mua bán của các tiểu thương tại chợ tạm Sa Giang, chợ Sa Đéc.
Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thăm hỏi tình hình mua bán của các tiểu thương tại chợ tạm Sa Giang, chợ Sa Đéc. Ảnh: văn Khương.

Ngoài ra, địa phương cần đổi mới phương thức lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ; chú trọng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, công chức, công vụ, nâng cao sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ hành chính ...

Từng là điểm nóng về Covid-19 của tỉnh, đến nay thành phố Sa Đéc đã cơ bản kiểm soát được dịch, đặc biệt trong 07 ngày gần đây không xuất hiện ca F0 trong cộng đồng; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt cao. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố tự tin triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.

PL