Theo đó, có 4 lĩnh vực hợp tác gồm: hợp tác phát triển quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực; lĩnh vực du lịch; lĩnh vực giao thông vận tải; lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh đó, hai tỉnh phối hợp kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng nâng cấp hoàn chỉnh theo quy hoạch các tuyến đường quốc lộ, dự kiến mở sân bay, xây dựng cầu bắc qua cồn Chính Sách, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) từ thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang), xây dựng cáp treo từ huyện Hồng Ngự qua cồn Chính Sách; thực hiện các dự án nạo vét thông luồng các tuyến vận tải thủy nội địa hai địa phương v.v..
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, hai tỉnh thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (cát sông); phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trong phạm vi vùng giáp ranh.
Ngoài các nội dung trên, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những lĩnh vực cần hợp tác bổ sung hoặc điều chỉnh thì các đơn vị có liên quan của hai địa phương chủ động thảo luận đưa ra nội dung, hình thức hợp tác cụ thể trình lãnh đạo hai địa phương xem xét, quyết định.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, lãnh đạo hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang đều thống nhất quan điểm là “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, theo nguyên tắc cùng có lợi và phát triển bền vững. Đáng chú ý, vào đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần NovaGroup với về Dự án phát triển Thành phố thông minh Mekong (Mekong Smart City) thuộc huyện Hồng Ngự, thành phố Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) và thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang).
Đánh giá cao sự hợp tác giữa hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, lãnh đạo các doanh nghiệp từ An Giang như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Sao Mai bày tỏ phấn khởi và kỳ vọng, thông qua sự hợp tác này sẽ tạo hành lang, cơ chế đặc thù để tăng cường hợp tác, đầu tư cho các doanh nghiệp của hai địa phương.
Đồng Tháp và An Giang là hai tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế thương mại giữa 3 thành phố lớn (TP.HCM, TP Cần Thơ và thủ đô Phnom Penh của Campuchia), cửa ngõ giao thương có từ lâu đời giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các tuyến quốc lộ đi qua đã góp phần cho mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và thông suốt.
Trớc đó, cũng tại Đồng Tháp đã diễn ra Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022” khai mạc vào tối 28/4, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Đồng Tháp, đây là diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần đầu tiên tại Đồng Tháp với trên 320 gian hàng 32 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia.
Đến dự có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố. Phía tỉnh Đồng Tháp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh.
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn, tin tưởng rằng: Tại Diễn đàn lần này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng; cũng là dịp để nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng để từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Diễn đàn là chuỗi sự kiện tăng cường hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với bộ, ngành Trung ương và các địa phương khác trên cả nước. Từ đó, làm cơ sở để đẩy mạnh và phát huy tiềm năng về sản phẩm OCOP của vùng. Các hoạt động tại diễn đàn là cơ hội quảng bá, giới thiệu và xây dựng hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh và giá trị văn hóa Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Trong khuôn khổ diễn đàn còn có các hội thảo, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP như: hội thảo giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; hội thảo định hướng phát triển thị trường nhóm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hội nghị Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long với các nhà phân phối trong và ngoài nước....
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT ông Trần Thanh Nam cho biết, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được triển khai đồng bộ, rộng khắp và có sự lan tỏa mạnh mẽ đến 63 tỉnh, thành. Đến nay cả nước đã có hơn 7.400 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó chủ thể là hợp tác xã chiếm hơn 38%, doanh nghiệp gần 26%; cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hơn 33%, còn lại là tổ hợp tác.
Theo Thứ trưởng Nam các sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người dân tín nhiệm. Sản phẩm OCOP đã khai thác, phát huy được giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương, từng sản phẩm đã là những đại sứ của từng vùng, miền và mang nhiều tính nhân văn sâu sắc ./.
Phạm.Giang