Đôi nét về làng cười Văn Lang (Phú Thọ)

19:34 06/03/2021

Sở dĩ được gọi “làng cười” từ thời xa xưa là bởi lẽ bằng cách nói cường điệu, phóng đại, dí dỏm, hài hước, mục đích ca ngợi những sản phẩm nông nghiệp tinh tuý của làng quê, biểu dương thành quả lao động sản xuất vất vả mới có được.

Làng Văn Lang, xã Văn Lương (nay là xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông) nhiều người đã biết đến tên địa danh này với câu nói cửa miệng “Văn Lang cả làng nói khoác”. Nơi ấy chính là điểm hẹn để người ta được gặp gỡ các “nghệ nhân” nông dân, chân chất, những câu thơ bình dị, vui vẻ, dí dỏm thay cho màn “chào hỏi” của những người dân mộc mạc như xua tan không gian tĩnh mịch của làng quê. 

Họ là những người con xuất thân từ một làng quê nghèo, nhưng từ gian khó mà bộc lộ khả năng sinh tồn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều người trong làng có thói quen thích “ăn to nói lớn”, nhưng rất thẳng thắn, thật thà. Bản tính của người Văn Lang luôn lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, hăng say lao động. Đó cũng chính là “gốc rễ” ươm mầm những câu truyện cười mang nhiều yếu tố phi thường, tưởng chừng như vô lý nhưng lại dí dỏm, hài hước, gây cười và thu hút người nghe.

Những câu truyện cười của người Văn Lang có truyện dài, truyện ngắn nhưng nội dung đều xuất phát từ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất và cả trong đấu tranh xã hội. Trong mọi điều kiện, tình huống họ đều có thể ứng tác kịp thời những truyện cười nóng hổi rồi lại quây quần bên nhau cùng biểu diễn, cùng thưởng thức. Do đó, khi lao động ngoài đồng ruộng họ kể chuyện cho nhau nghe, khi về nhà rảnh rỗi lại sang nhà nhau chơi và lại cùng thưởng thức đặc sản truyện cười quê mình, giúp họ quên đi mệt nhọc và gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Ông Trần Công Châu năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng bản chất rắn rỏi của bộ đội Cụ Hồ vẫn hiện hữu cùng với cốt cách hồn nhiên, dí dỏm mà thâm trầm của người dân Văn Lang khó có thể lẫn với địa phương khác, ông chia sẻ: “Không biết truyện cười trong làng có từ khi nào, chỉ biết khi lớn lên tôi đã được nghe bố mẹ kể chuyện cười hài hước mỗi ngày. Thế nên, truyện cười làng tôi đã thấm đẫm trong hơi thở cuộc sống để giờ đây chúng tôi tiếp tục truyền dạy lại cho con cháu”.  

Về Văn Lang nghe truyện cười
Về Văn Lang nghe truyện cười.

Bà Trần Hương Sơn là hạt nhân trong Đội văn nghệ của xã. Không chỉ có khiếu kể chuyện cười hài hước, dí dỏm, thu hút người nghe mà bà còn có khiếu ngâm thơ, hát xẩm về chính những tác phẩm truyện cười của làng mình. Tuy đã ở tuổi ngũ tuần nhưng ở bà vẫn toát lên nét đẹp thùy mị của người con gái Văn Lang. Chất giọng trong trẻo của diễn viên hát Chèo lẫn với giọng đặc trưng vốn có của người Văn Lang qua những câu chuyện kể, những đoạn thơ ngâm, những câu hát xẩm đã thu hút khán giả không chỉ nghe mà còn chiêm ngưỡng gương mặt “biết cười” của người nghệ sĩ. Sinh ra và lớn lên vùng quê giàu bản sắc văn hóa, những câu truyện cười dường như đã thấm sâu vào máu thịt của bà từ nhiều đời cha ông truyền lại, để đến hôm nay những câu truyện đó, những vần thơ ấy bà hát mỗi ngày khi ru cháu ngủ, kể lại cho các con nghe, các cháu trong làng và trong các trường học thẩm thấu. Với khiếu hài hước, hóm hỉnh nổi trội, bà Sơn đã nhiều lần vinh dự được mời tham gia các chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. Không chỉ tham gia các cuộc thi, giao lưu với khán giả trên toàn quốc, bà còn là người tâm huyết trong việc truyền dạy truyện cười cũng như tích cực tham gia các phong trào văn hoá văn nghệ của xã, nhất là vào dịp lễ hội, Tết đến Xuân về những câu truyện cười đã mang đến niềm vui, tự hào truyền thống văn hoá quê hương. 
Từ bao đời nay, truyện cười giúp người dân Văn Lang quên đi nhọc nhằn trong quá trình lao động, cùng động viên nhau tăng gia sản xuất. Đây là nét đẹp văn hoá riêng có của Văn Lang, vì vậy chính quyền địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá này. Không chỉ được trình diễn vào các ngày lễ hội truyền thống, truyện cười còn được lồng ghép trong các chương trình sinh hoạt của các khu dân cư, các Câu lạc bộ thơ của Hội cựu giáo chức, đội văn nghệ của xã. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác truyền dạy trong các tiết học, buổi sinh hoạt ngoại khoá của các trường học trên địa bàn để truyện cười lan tỏa cho thế hệ sau.
Mặc dù ra đời từ những năm tháng khó khăn, vất vả, đến nay cuộc sống người dân nơi đây đã khấm khá hơn, song truyện cười vẫn được coi là giá trị văn hoá hiện hữu trong mỗi nếp nhà, mỗi con người Văn Lang để khi có khách ghé thăm hoặc khi họ đi bất cứ nơi đâu cũng mang theo đặc sản của làng mình để có thể làm quà đối với bạn bè gần xa.

PV